Kỳ vọng gì từ cuộc gặp cấp Bộ trưởng Nga – Ukraine?

Kỳ vọng gì từ cuộc gặp cấp Bộ trưởng Nga – Ukraine?

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 5, 10/03/2022 16:53

Việc có thể khiến Ngoại trưởng của 2 bên trong cuộc xung đột tàn khốc ngồi lại với nhau với bên thứ 3 trung lập, đó là một thành tựu rất đáng kể.

Cuộc hội đàm trực tiếp “mặt đối mặt” giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba sắp bắt đầu tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc đàm phán do Ankara làm trung gian là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa Nga và Ukraine kể từ khi Moscow tiến hành tấn công quân sự vào nước láng giềng.

Trước đó, các quan chức từ Kiev và Moscow đã tổ chức nhiều vòng hòa đàm ở Belarus, nhưng cuộc họp vào ngày 10/3 tại thành phố Antalya, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ là lần đầu tiên Nga cử một quan chức cấp Bộ trưởng đến thảo luận về cuộc khủng hoảng.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba có mặt tại Antalya để đàm phán "về việc Nga ngừng các hành động thù địch và chấm dứt chiến tranh chống Ukraine", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho biết trên Twitter.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ từ tối hôm 9/3.

Vẫn chưa đủ cho một kết quả cụ thể

Đối thoại giữa Kiev và Moscow cho đến nay đã mang lại một số lệnh ngừng bắn tạm thời và các hành lang nhân đạo để sơ tán người dân, nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả do 2 bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm các điều đã thỏa thuận.

Ông Kuleba cho biết trong một video trên Facebook, kỳ vọng của ông là "hạn chế" khi Nga vẫn tiếp tục không ngừng chiến dịch của mình ở Ukraine và ông Lavrov không phải người đưa ra quyết định cuối cùng.

“Tôi không đặt hy vọng lớn vào cuộc gặp này, nhưng chúng tôi sẽ thử xem sao và tận dụng tối đa các cuộc đàm phán”, Ngoại trưởng Kuleba cho biết.

Ông Kuleba cũng cho biết, phái đoàn của ông sẽ “dồn ép tối đa”.

Thế giới - Kỳ vọng gì từ cuộc gặp cấp Bộ trưởng Nga – Ukraine?

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba không đặt hy vọng lớn vào cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Ảnh: France24

Nga cho biết, họ sẵn sàng đàm phán với Ukraine, nhưng tất cả các yêu cầu của Moscow - bao gồm cả việc Kiev giữ tính trung lập và từ bỏ nguyện vọng gia nhập liên minh NATO - phải được đáp ứng để chấm dứt giao tranh.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Ngoại trưởng Lavrov kể từ khi Nga bị thế giới phương Tây cô lập với các lệnh trừng phạt gay gắt nhắm vào nhà ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin.

Việc đưa ông Lavrov và ông Kuleba lại gần nhau đánh dấu “một bước tiến” và có thể tạo điều kiện cho hoạt động ngoại giao ở các cấp cao hơn, giáo sư Mustafa Aydin tại Đại học Kadir Has ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết.

Mặc dù chưa đạt được đến độ có thể hóa giải giao tranh, nhưng đã có chuyển biến đáng kể, chẳng hạn như tư thế “không thỏa hiệp” ban đầu của Nga đang dần nhường chỗ cho lập trường đàm phán, giáo sư Aydin nhận định. Tuy nhiên, như vậy “vẫn chưa đủ cho một kết quả cụ thể”.

Đồng tình với các bình luận trên, ông Soner Cagaptay từ Viện Chính sách Cận Đông của Washington cho biết: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy một bước đột phá ở Antalya giữa các ngoại trưởng Ukraine và Nga… bởi vì tôi nghĩ đây thực sự không phải là thời điểm để ông Putin nhún nhường”.

“Nhưng tôi nghĩ rằng đây vẫn là một thành tựu quan trọng đối với các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ. Việc họ có thể khiến Ngoại trưởng của 2 bên trong cuộc xung đột tàn khốc ngồi lại với nhau với bên thứ 3 trung lập, đó là một thành tựu rất đáng kể. Và chúng ta có thể hy vọng về một lệnh ngừng bắn ngắn hạn để cho phép dân thường được sơ tán. Đó thậm chí sẽ là một thành tựu lớn hơn”.

Thành công ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ

Cuộc hội đàm diễn ra khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thúc đẩy Ankara đóng vai trò trung gian hòa giải.

"Chúng tôi đang tìm cách ngăn cuộc khủng hoảng này biến thành một thảm kịch", ông Erdogan cho biết hôm 9/3. "Tôi hy vọng cuộc gặp giữa các Bộ trưởng sẽ mở đường cho một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn".

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu sẽ tham gia cuộc họp này với Ngoại trưởng Nga và Ngoại trưởng Ukraine.

Thế giới - Kỳ vọng gì từ cuộc gặp cấp Bộ trưởng Nga – Ukraine? (Hình 2).

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (trái) gặp nhau tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10/3/2022. Ảnh: TASS

Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - đang mong muốn duy trì mối quan hệ bền chặt với cả 2 bên bất chấp xung đột.

Jamal Elshayyal, phóng viên của Al Jazeera đưa tin từ thành phố Antalya cho biết, “Có rất ít hy vọng rằng họ sẽ đạt được điều gì đó hữu hình từ các cuộc đàm phán này”.

Elshayyal cho biết thêm, ông Lavrov cũng đã nói trong các bình luận rằng ông không quá lạc quan.

“Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù có quan hệ tốt với cả 2 nước, nhưng có thể thiếu khả năng buộc bất kỳ bên nào hướng tới một giải pháp”, Elshayyal nhận định.

“Từ góc độ của Thổ Nhĩ Kỳ, đây là một ví dụ tuyệt vời để thể hiện đường lối ngoại giao, thể hiện ảnh hưởng của nước này trong khu vực. Liệu có điều gì hơn thế nữa hay không, chúng ta sẽ chờ xem”.

Thổ Nhĩ Kỳ có chung đường biên giới trên biển với Nga và Ukraine ở Biển Đen và có quan hệ tốt với cả 2 nước.

Minh Đức (Theo Al Jazeera)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.