Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 55,1 tỷ USD, tăng 24% (chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam), thặng dư thương mại đạt 48 tỷ USD đóng góp chung vào tổng thặng dư thương mại của Việt Nam là 12 tỷ USD.
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm với kỳ vọng sẽ tiếp tục năm thứ 3 liên tiếp tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mốc trên 100 tỷ USD cả năm 2024, và vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.
Thông tin được ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nêu tại hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2024 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 29/7.
Theo ông Hưng, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ nửa đầu năm đạt 55,1 tỷ USD, tăng 24% (chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam), thặng dư thương mại đạt 48 tỷ USD và đóng góp chung vào tổng thặng dư thương mại của Việt Nam là 12 tỷ USD.
Kết quả này có được từ nhu cầu thị trường tăng trở lại, hàng tồn kho dần hết. Bên cạnh đó, còn là tâm lý tích trữ đề phòng những biến động có thể xảy ra trong giai đoạn hậu bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 và nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm của Việt Nam trong thời gian tới, khi mùa đông và mùa mua sắm đang trở lại.
Các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu truyền thống của Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào đà tăng trưởng như dệt may, da giày, đồ gỗ và nội thất, điện tử, máy móc thiết bị...
Đặc biệt, sau thời gian chững lại, gỗ và sản phẩm gỗ đã tăng trưởng trở lại với tốc độ ấn tượng trong 5 tháng đầu năm 2024 (22,9% trong khi các nước tăng trưởng trung bình 5%).
Riêng mặt hàng giày dép xuất khẩu của Việt Nam tính đến tháng 5 năm 2024 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023, nước đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách sang Hoa Kỳ.
Ông Đỗ Ngọc Hưng cũng cho biết thông tin mới nhất là trong buổi thảo luận giữa Cơ quan Thương vụ và Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC): Phía DOC cho biết chưa ghi nhận các quy định bắt buộc liên quan tiêu chuẩn, quy chuẩn xanh áp dụng đối với mặt hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ (trong đó có mặt hàng dệt may).
Ông Hưng dự báo tình hình xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới khi mùa thu đông đang đến, cũng như các nhà cung ứng tích cực mua hàng dự trữ trước thời điểm bầu cử vào tháng 11-2024.
Do đó ông đề nghị ngành hàng tiếp tục lưu ý các quy định của Hoa Kỳ về đạo luật UFLPA, phối hợp với Bộ Công Thương, thương vụ phản ánh kịp thời với cơ quan Hải quan và biên phòng Hoa Kỳ giải quyết kịp thời các lô hàng bị dừng tại cửa khẩu; phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tham gia tích cực và hiệu quả các hội chợ quốc tế trong thời gian tới.
Đối với các doanh nghiệp ngành điện tử và linh kiện cần tiếp tục đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng và bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý hiện nay Hoa Kỳ đang triển khai các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để hạn chế nguy cơ các công nghệ và sản phẩm này rơi vào bên thứ ba.
Tính đến tháng 6/2024, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với 11 vụ việc.
Khi Hoa Kỳ ngày càng tăng cường siết chặt các biện pháp nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững ký kết năm 2019 để từng bước cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, nhập khẩu các mặt hàng mà Hoa Kỳ có thể mạnh như mặt hàng nông nghiệp (hoa quả, thực phẩm, nguyên liệu bông phục vụ ngành dệt may xuất khẩu), ông Hưng cho biết.
Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ (DOC), phối hợp và hợp tác với cơ quan điều tra trong việc cung cấp thông tin, tiếp đoàn thẩm tra tại doanh nghiệp và tham gia đầy đủ các bước theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, đặc biệt trong bối cảnh DOC mở rộng thẩm quyền cũng như bổ sung các quy định về điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp (quy định về trợ cấp xuyên biên giới, có tính đến các yếu tố như môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ v.v.).
Các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp trong ngành hàng liên quan cần tiếp tục phát triển theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hóa; cải thiện cơ cấu sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành; thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh quá trình nội địa hóa...
KHÁNH LINH (t/h)