Sáng 6/4, Quốc hội khoá XIV tiếp tục chương trình kỳ họp 11 với nội dung chính là kiện toàn nhân sự các vị trí: Phó Chủ tịch nước, một số ủy viên ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Trước đó, tại kỳ họp này, Quốc hội đã kiện toàn các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước.
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật bên hành lang Quốc hội sáng 6/4, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bày tỏ niềm hân hoan đón chào ban lãnh đạo mới với một tâm lý hào hứng giống như tâm lý chung của người Việt trước thềm năm mới.
Bà Nga nói: “Khép lại cái cũ, mở ra cái mới, là một ĐBQH, tôi cũng như toàn thể người dân đang hân hoan đón chờ những điều tốt đẹp từ bộ máy lãnh đạo mới. Bản thân tôi kỳ vọng, Quốc hội, Chính phủ và Nhà nước sẽ quyết liệt, mạnh mẽ hơn, tạo ra nhiều đột phá để đưa đất nước phát triển đi lên, người dân hạnh phúc hơn”.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) đặt nhiều kỳ vọng vào tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ông Lợi cho rằng, thời gian làm Thủ tướng Chính phủ, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều đổi mới sáng tạo, đặc biệt là công tác xây dựng thể chế và xây dựng Chính phủ điện tử, giúp Chính phủ gắn kết nhiều hơn với nhân dân.
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được đánh giá là một nhà lãnh đạo gần gũi, gắn bó với nhân dân và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước rất nhanh chóng kịp thời, nhận được sự mến mộ của các ĐBQH và nhân dân. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào việc tân Chủ tịch nước phát huy những thành tựu đã đạt được khi làm Thủ tướng và tiếp tục phát huy trong vai trò mới để thúc đẩy thể chế kinh tế, thể chế pháp luật của Nhà nước”, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi nói.
Cùng chung quan điểm, ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên - Huế) nhận định, bộ máy Nhà nước mới có sự kế tục rất vững chắc, vì lãnh đạo chủ chốt là Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc trong 5 năm vừa qua đã ghi nhận được những thành tựu đồng thời đúc kết kinh nghiệm, bài học quý giá trong phát triển kinh tế xã hội cũng như giữ vững quốc phòng an ninh, trong nhiệm kỳ rất nhiều biến cố xảy ra như đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới bị tác động bởi dịch bệnh, thiên tai bão lũ…
Theo đại biểu Nghĩa, Chính phủ nhiệm kỳ vừa rồi cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội giao phó, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
Đối với tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Nghĩa nhìn nhận là người từng trải trên nhiều cương vị, có đột phá trong hoạt động thực tiễn. Đại biểu rất ấn tượng khi ông Phạm Minh Chính về làm Bí thư tỉnh Quảng Ninh, đã để lại dấu ấn, giúp Quảng Ninh phát huy nội lực và phát triển mạnh.
“Tôi tin tưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ điều hành kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, là người đứng đầu cơ quan hành pháp, biến Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội đi vào thực tiễn. Thủ tướng sẽ cùng với các thành viên của Chính phủ hoàn thành tốt Nghị quyết Trung ương XIII, đưa đất nước tiến lên theo mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã xác định”, ông Nghĩa nói.
Tin tưởng vào nền tảng của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) chỉ ra 3 lợi thế quan trọng.
Theo ông Vân, tân Thủ tướng trưởng thành từ ngành bảo vệ pháp luật, là con người hành động, lại vừa giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Do đó, vị ĐBQH của đoàn Cà Mau tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng, kỷ cương phép nước sẽ được bảo đảm, thể chế chính sách và nhân sự sẽ được sắp xếp để phát huy lợi thế, đồng thời tạo ra xung lực mới để phát triển đất nước.
“Tôi kỳ vọng rằng Chính phủ mới dưới sự điều hành của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ là một Chính phủ mang đến những hơi thở mới, vận hành nhịp nhàng. Tôi cho rằng nhiệm kỳ Chính phủ khóa mới sẽ có cách tiếp cận mới, phong cách, phương pháp, sẽ có những lựa chọn đột phá, những chuyển biến về kinh tế, nguồn lực đầu tư cho xã hội”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Đồng thời, ông Vân cũng nhận định, Chính phủ mới đang phải đối diện với một số những khó khăn, thách thức.
Thứ nhất là thể chế về kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, thể chế về tổ chức bộ máy cũng đang hoàn thiện.
Thứ hai là những áp lực về tồn tại trong đầu tư công, tài chính công,… phải vận hành như thế nào để tạo ra xung lực mới, trong khi dư địa huy động nguồn lực còn không nhiều…
“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tân Thủ tướng sẽ có nghệ thuật để tạo ra xung lực. Theo tôi xung lực ấy chính là dân chủ. Chỉ có dân chủ mới tạo ra niềm tin và huy động được tối đa các nguồn lực của cả dân tộc. Điều mà Chính phủ cần làm là huy động được sức mạnh, gây dựng được niềm tin trong xã hội. Chỉ có dân chủ bằng nhiều hình thức thì mới gây dựng được niềm tin. Tôi cho rằng đây là điều mà tân Thủ tướng phải nghiền ngẫm, nắm bắt để có những đột phá chiến lược”, ĐBQH đoàn Cà Mau nói.