Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công vừa tổ chức phiên họp thứ 2. ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh – Trưởng ban soạn thảo nhấn mạnh, việc xử lý cán bộ về hưu phải đưa vào Luật Hành chính công. Bởi không đưa vào Luật Hành chính công sẽ khó xử lý.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh về những kỳ vọng khi dự án luật ra đời.
Trước hết, xin được chúc mừng bà vì ban Soạn thảo dự án Luật Hành chính công đã chính thức đi vào hoạt động và vừa họp phiên thứ 2. ĐB có thể chia sẻ đã vượt qua những khó khăn như thế nào để dự án luật được Quốc hội chấp thuận?
Thực tế, nhiều người lạm quyền quản lý khiến cho ngân sách Nhà nước bị thất thoát hàng nghìn tỉ đồng. Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cũng nhiều lần đặt vấn đề thiếu quy định khiến thực thi pháp luật bị lợi dụng. Quá trình nghiên cứu đã giúp tôi nhận ra rằng, cần thiết phải có một dự án luật riêng về hành chính công. Tôi mạnh dạn phát biểu trong các kỳ họp Quốc hội và điều này đã được sự ủng hộ của Chính phủ, của các ĐBQH, các bộ, ngành.
Từ khi được Chính phủ ủng hộ, tôi có những khảo sát cụ thể ở các bộ thì thấy rằng, bộ nào cũng có phản hồi về việc pháp luật chồng chéo, thiếu quy định chung về hành chính công. Tôi càng có động lực, không ngại sửa đi sửa lại tờ trình và thực hiện các bước như một hồ sơ trình luật với mong muốn ra đời dự án Luật Hành chính công.
Được biết, đã có nhiều ĐBQH đề xuất dự án luật nhưng chưa có ai đi tới thành công. Điều này chắc hẳn khiến vinh dự và trách nhiệm nặng nề hơn, thưa bà?
Khi còn làm ĐBQH khóa XIII, tôi cũng không biết mình có được tiếp tục vào khóa XIV hay không nhưng vẫn luôn cố gắng hết sức mình với những điều ấp ủ.
Tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần ở trường hợp nếu không làm ĐBQH nữa thì vẫn có một dự thảo công phu và đầy đủ nhất để có thể chuyển lại cho những đại biểu ở khóa mới dễ dàng tiếp cận và đi đến thành công.
Trình luật đã là việc rất khó khăn nên được sự ủng hộ để ra đời ban soạn thảo như ngày hôm nay là một động lực rất lớn với cá nhân tôi. Càng được sự ủng hộ thì càng phải cố gắng hơn để làm sao có được một bộ luật đi vào cuộc sống.
Quốc hội luôn ủng hộ, khuyến khích và tạo cơ hội cho mỗi đại biểu theo đuổi những điều mình tâm huyết, nhất là với những dự án luật. Kiến thức là vô hạn nhưng tôi luôn tự nhủ lòng phải cố gắng với tinh thần không nản chí. Đây cũng là khát vọng của tôi, mong muốn có cơ sở pháp lý để góp phần cải cách mạnh mẽ vì một nền hành chính phục vụ.
Bà có kỳ vọng như thế nào vào hiệu quả của dự án Luật Hành chính công khi nó ra đời?
Tôi mong muốn làm được Luật Hành chính công không quá dài nhưng không mâu thuẫn, chồng chéo với những bộ luật khác. Để sau này, khi các bộ ngành quy định gì cũng phải theo quy tắc chung này.
Tôi cũng hy vọng khi Luật Hành chính công ra đời sẽ làm cho bộ máy Nhà nước chuẩn mực hơn, người làm việc có tâm, đạo đức công vụ được nâng lên, mọi việc là phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, không còn những tư duy “bôi trơn” trong đời sống xã hội.
Năm qua, nhiều cán bộ vi phạm nhưng vì đã về hưu nên khó xử lý trách nhiệm. Tôi cũng hy vọng với dự án Luật Hành chính công này, vấn đề sẽ được giải quyết, góp phần làm cho nền hành chính chuyên nghiệp hơn.
Rõ ràng, trách nhiệm của cán bộ phải liên tục đến mãi chứ không phải gây thất thoát cho Nhà nước rồi về hưu là "hạ cánh an toàn". Luật cũng sẽ là công cụ quản lý thật tốt của Nhà nước và để nhân dân tăng cường giám sát tốt hơn.
Nhiều người vẫn còn băn khoăn về chuyện cán bộ về hưu không còn chức vụ mà lại cách chức. Tôi khẳng định việc xử lý cán bộ về hưu phải đưa vào Luật Hành chính công. Không đưa vào Luật Hành chính công thì không xử lý được. Nếu dựa vào luật Cán bộ công chức thì rất khó. Họ có còn là cán bộ công chức nữa đâu mà xử lý.
Tất cả những cái đó nền hành chính công của chúng ta đang thiếu hụt. Cho nên phải bổ sung thêm vào vấn đề kiểm soát quyền lực. Tôi rất muốn những nội dung này phải đưa vào trong Luật Hành chính công.
Trân trọng cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!
Dương Thu (thực hiện)