Sự tích dòng sông chảy ngược
Theo quy luật của tạo hoá, hầu hết các con sông ở Việt Nam đều chảy về hướng Đông rồi đổ ra biển, nhưng dòng Đăk Bla (tỉnh Kon Tum) “phá cách” lại chảy ngược về phía Tây. Cũng bởi vậy mà người dân địa phương thường gọi Đăk Bla là dòng sông chảy ngược.
Theo nhà văn Tạ Văn Sỹ, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kon Tum, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dòng Đăk Bla mang nhiều sự tích kỳ bí. Ông Sỹ kể, từ ngàn xưa các dân tộc Bana, Xơ Đăng, Jrai, Rơ Ngao, sống dọc theo lưu vực sông Đăk Bla đã dệt nên nhiều câu chuyện tâm linh, huyền bí.
Thời xa xưa, sông Đăk Bla còn chảy xuôi về hướng Đông như bao sông suối khác. Lúc bấy giờ, chiến tranh bộ lạc còn hoành hành khắp xứ sở Tây Nguyên. Một làng người Jrai bên hữu ngạn phía thượng nguồn và một làng Bana bên tả ngạn phía hạ nguồn có mối thù không đội trời chung.
Nhưng oái oăm thay, một chàng trai bên làng Jrai và cô gái bên làng Bana lại yêu nhau tha thiết. Hai người biết là làng sẽ chẳng cho họ thành đôi, mà rời xa nhau thì chẳng đặng.
Tuyệt vọng, chàng và nàng hẹn nhau vào một đêm trăng sáng cùng ra bờ sông phía làng mình đâm dao tự sát rồi nhào xuống sông, để cùng trôi về nơi không còn thù hận. Dòng máu của chàng trai trôi xuôi về Đông tìm người thương.
Lạ lùng thay, dòng máu cô gái lại bơi ngược dòng chảy, lặng lẽ trôi về hướng Tây để tìm chàng trai. Khi 2 dòng máu đến gần, chúng cuộn vào nhau thành xoáy nước và cuốn luôn cả dòng sông cùng trôi về hướng Tây.
Sáng hôm sau, cư dân hai bên dòng sông chứng kiến hiện tượng kỳ lạ. Dòng sông bao đời bỗng nhiên chuyển hướng chảy, nước ngầu đục phù sa như màu máu đỏ. Cũng từ đó, 2 làng gạt bỏ hận thù, kết nghĩa anh em, sống hòa hiếu yên lành.
Một truyền thuyết khác lại kể rằng, xưa kia có đôi vợ chồng sống ở một làng Bana ven sông Đăk Bla. Vì vợ chồng hiếm muộn, người chồng lén lút vụng trộm để kiếm con.
Trong cơn ghen tức và tuyệt vọng, vào một đêm trăng mùa bão lũ, người vợ chèo thuyền độc mộc ra giữa dòng sông, buông lời nguyền độc: "Khi tôi chết, sông hãy mang xác tôi về nơi vô định và trên dòng nước này, hằng năm phải có đàn ông chết đuối để trả mối hận tình".
Sau khi vợ chết, người chồng mới tỉnh ngộ nhưng chỉ còn những hối hận muộn màng. Một ngày nọ, mùa bão lũ, người chồng chèo xuồng ra sông quăng lưới, dưới ánh trăng mờ ảo lại thấy thấp thoáng gương mặt người vợ đã khuất.
Chiếc thuyền cứ thế trôi trong vô thức rồi bất chợt va vào mỏm đá vỡ tan. Người chồng bất tỉnh chìm dần vào dòng nước lạnh. Từ đó, cứ vào mùa mưa lũ, hầu như đều có đàn ông chết đuối trên sông.
Kỳ vọng phát triển du lịch
Chia sẻ về gốc tích của dòng sông Đăk Bla, ông Phạm Bình Vương, Phòng Di sản - Sở VH,TT&DL tỉnh Kon Tum cho biết, khởi nguồn của sông Đăk Bla là dòng Đăk Snghé. Sông Đăk Snghé bắt nguồn từ xã Măng Bút, huyện Kon Plông và thuộc dãy núi đông Trường Sơn.
Từ chân núi Ngọc Mên, nơi giáp ranh giữa tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam chảy ra một dòng suối nhỏ. Dòng suối ấy nhập vào 2 con suối nhỏ khác ở xã Măng Bút tạo nên dòng Đăk Snghé. Qua hết xã Măng Bút đến xã Đăk Tăng, dòng Đăk Snghé bị chặn lại, phình to ra và trở thành lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum.
Phía sau lòng hồ, sông Đăk Snghé bất ngờ chuyển hướng sang tả ngạn rồi đổ dốc xuống địa phận huyện Kon Rẫy. Tại đây, dòng Đăk Snghé gặp dòng Đăk Kôi từ hướng Tây nhập vào. Chảy tiếp chừng 5km nữa lại gặp dòng Đăk Pne từ hướng Đông bên tả ngạn hòa chung. Từ đây, con sông có tên gọi mới là Đăk Bla.
Đứng trên cầu Đăk Bla trải tầm mắt ra xa, dòng Đăk Bla thơ mộng uốn lượn qua trung tâm Tp.Kon Tum. Nhìn từ trên cao, dòng Đăk Bla như một dải lụa bạc ấp ôm lấy phố núi có lịch sử hàng trăm năm tuổi.
Với bao câu chuyện tâm linh, huyền bí gắn liền với thời gian đi kèm với vẻ đẹp thơ mộng, dòng sông Đăk Bla như một yếu tố quan trọng để hình thành những cộng đồng người. Từ đó, mới hình thành nên phố núi Kon Tum như ngày nay.
Dòng Đăk Bla uốn quanh bồi đắp phù sa màu mỡ trong hàng ngàn năm, đã tạo cho Tp.Kon Tum một vùng đồng bằng rộng lớn. Cũng bởi hai bên bờ được phù sa bồi đắp đất đai màu mỡ, người dân trồng trọt chăn nuôi thuận lợi, mùa màng bội thu.
Ngoài ra, trên sông đầy ắp tôm, cá giúp cộng đồng người dân sống dọc sông Đăk Bla có được cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Nhiều ngôi làng của người địa phương sinh sống ven dòng chảy, còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, đặc trưng, thoắt ẩn dưới tán rừng nguyên sinh.. Thực tế, dọc theo triền sông Đăk Bla đã có nhiều ngôi làng được quy hoạch để phát triển du lịch theo hướng trải nghiệm, khám phá.
Hàng ngàn người dân bản địa đã có thể sống tốt với ngành dịch vụ này. Đó có lẽ là món quà tuyệt vời mà con sông mang lại cho người dân nơi đây.
Điển hình như làng Kon K’tu uốn lượn theo những đường cong mềm mại của dòng Đăk Bla huyền thoại. Tiếng là làng trong phố, thế nhưng Kon K’tu vẫn giữ nguyên được nét đẹp cổ xưa của người dân tộc Ba Na. Nằm giữa làng, mái nhà rông lợp bằng mái tranh cao hơn 13m như điểm nhấn làm nổi bật lên ngôi làng cổ.
Trải qua mấy trăm năm dâu bể, ngôi làng vẫn giữ được cho mình nét đẹp cổ kính, hoang sơ, hùng vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng. Trong làng phần lớn vẫn là những căn nhà sàn theo kiểu truyền thống. Thậm chí, vẫn còn nhiều ngôi nhà vách đất nhuốm màu năm tháng. Đây là ngôi làng cổ kính với tuổi đời trên 300 năm.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Kon Tum cho biết, nhờ có nhánh sông Đăk Bla chảy qua tạo cho làng Kon K’tu có thêm khung cảnh nên thơ, hữu tình… hấp dẫn khách du lịch khi đến tham quan. Gần đây, làng Kon K’tu đã được các công ty lữ hành, khách du lịch gần xa trong và ngoài nước đánh giá là địa điểm du lịch hấp dẫn với sản phẩm du lịch độc đáo và đặc sắc.
Ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND Tp.Kon Tum cho hay, theo định hướng phát triển đô thị, Tp.Kon Tum sẽ tập trung phát triển không gian đô thị dọc hai bên bờ sông Đăk Bla.
Hiện, khu vực phía nam sông có quỹ đất, cùng cảnh quan thiên nhiên phong phú, là điều kiện thuận lợi để phát triển, hình thành các khu đô thị theo mô hình khu đô thị xanh, đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng trong tương lai.