Theo báo Tin Tức, tháng 1/2024, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước - đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Với quy định cho phép người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam ngay sau khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, dư luận trong và ngoài nước kỳ vọng sẽ có làn sóng đầu tư từ kiều bào vào thị trường bất động sản trong nước, góp phần phát triển thị trường minh bạch và ổn định hơn.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Anh, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời Hội người Việt Nam tại Anh (VAUK), nhận định rằng việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là một bước tiến pháp lý quan trọng, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống và kinh doanh của kiều bào, đặc biệt là đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Vương quốc Anh. Ông cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, chủ sở hữu là Việt kiều, giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn, ổn định hơn.
Ông Đức cho biết bản thân ông đã sống và làm việc tại Anh suốt 30 năm qua và có một doanh nghiệp làm về kế toán nên đã chứng kiến nhiều Việt kiều phải nhờ người thân, bạn bè đứng tên khi mua nhà cửa, đất đai ở Việt Nam. Khi xảy ra tranh chấp, yếu tố pháp lý không rõ ràng gây nên rất nhiều phiền toái và chi phí tốn kém, thậm chí nhiều trường hợp Việt kiều mất hết tiền đầu tư và tài sản ở Việt Nam, mất đi tình cảm gia đình, quan hệ bạn bè.
Bên cạnh đó, ông Đức cũng chỉ ra tiềm năng đầu tư rất lớn của thị trường bất động sản Việt Nam đối với kiều bào. Trên thực tế, nhu cầu mua nhà đất ở Việt Nam của Việt kiều là rất lớn, đặc biệt là với thế hệ đầu tiên hoặc thứ hai khi đã có sự ổn định kinh tế và cuộc sống ở nước ngoài. Đa phần họ đều mong muốn trở về quê hương sau khi về hưu, dù chỉ sống ở Việt Nam bán thời gian. Theo ông, Việt Nam là nước đang phát triển, thị trường mới nổi nên hấp dẫn để đầu tư, đặc biệt là đất đai.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã chứng kiến nhiều câu chuyện thành công trong việc đầu tư ở các dự án kinh doanh bất động sản ở Quảng Ninh, Đà Nẵng hay Phú Quốc.
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác cộng đồng và giữ cương vị Phó Chủ tịch VAUK, một tổ chức đại diện cho đông đảo cộng đồng người Việt Nam tại Anh, ông Đức nhận định rằng việc sửa đổi Luật Đất đai lần này không những là chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Việt kiều đầu tư, sinh sống ở Việt Nam mà còn thể hiện sự nhất quán của Đảng, nhà nước Việt Nam “coi người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam".
Cũng theo ông Đức, mối quan tâm hàng đầu của kiều bào khi đầu tư vào Việt Nam là tài sản và quyền lợi của họ được bảo vệ bởi luật pháp Việt Nam và quốc tế. Chính vì vậy, bà con mong muốn chính phủ cung cấp văn bản hướng dẫn cụ thể và một kênh tư vấn pháp lý chính thức để hỗ trợ vấn đề này. Ông Đức tin rằng kiều bào trên toàn thế giới sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng các kênh chính thống thay vì dựa vào các dịch vụ tư nhân bên ngoài.
Thêm cơ hội đầu tư
Thông tin trên Kinh tế & Đô thị, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, những năm gần đây, nguồn kiều hối “đổ” về Việt Nam tăng mạnh theo từng năm. Chỉ tính riêng năm 2023, mặc dù kinh tế thế giới vẫn đang trong tình trạng khó khăn, khủng hoảng nhưng dòng kiều hối đã đạt trên 16 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2022.
Trong khi đó, lượng kiều hối đầu tư vào BĐS chiếm từ 15 – 20% tổng dòng tiền gửi về, nghĩa là số lượng kiều hối vào BĐS chiếm trên dưới 2 tỷ USD/năm. Tính toán một cách cơ học, nếu số tiền này đầu tư vào phân khúc chung cư trung cấp (giá từ 3 – 4 tỷ đồng/căn) thì mỗi năm dòng tiền của đồng bào người Việt ở nước ngoài có thể mua được 10.000 – 15.000 căn hộ.
Hiện nay, số lượng người Việt sinh sống, làm việc ở nước ngoài tương đối lớn với khoảng 5,5 triệu kiều bào, trong đó trên 1 triệu người không còn mang quốc tịch Việt Nam. Với việc các dự án luật sửa đổi, bổ sung mở rộng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài, được xem là quyết định “mở đường” nhằm tạo ra cơ hội sở hữu nhà cũng như đầu tư vào thị trường BĐS trong nước.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, TS Nguyễn Văn Đính, việc các dự án luật mới được Quốc hội thông qua mở rộng quyền mua nhà, sở hữu nhà đất đối với nhóm người Việt kiều không chỉ mang lại cơ hội dành cho kiều bào, mà còn mở ra cơ hội cho DN kinh doanh BĐS trong nước có thêm nguồn khách hàng chính thống, gia tăng sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Thị trường BĐS Việt Nam đang ở trong giai đoạn khủng hoảng thừa, với việc Quốc hội mở rộng điều kiện mua, sở hữu nhà cho kiều bào sẽ góp phần tích cực vào việc kích cầu thị trường. Vì vậy, ngay từ thời điểm này, cộng đồng DN kinh doanh BĐS cần xây dựng kế hoạch để xây dựng những loại hình nhà ở phù hợp với nhu cầu ở, đầu tư của người Việt ở nước ngoài. Đồng thời để kích cầu thị trường hơn nữa và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài, Nhà nước cũng cần nghiên cứu quy định về việc người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong một khoảng thời gian cụ thể được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam” – TS Nguyễn Văn Đính kiến nghị.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực từ những quy định mới mang lại, cũng không ít ý kiến cho rằng, với việc mở rộng quyền mua, sở hữu nhà đất tại Việt Nam cho người Việt ở nước ngoài có thể gây ra những tác dụng ngược với thị trường BĐS, đó là tình trạng đầu cơ, gây nhiễu loạn nếu không kiểm soát tốt và những áp lực về sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực.
“Phải nhìn nhận một cách khách quan là mọi sự việc đều có 2 mặt, nhưng tôi cho rằng chúng ta không nên quá lo lắng về câu chuyện này. Bởi lẽ, khi Luật Thuế BĐS được ban hành, Nhà nước sẽ đánh thuế lũy tiến tăng theo đối với số lượng BĐS đã mua (áp dụng cả đồng bào trong nước và kiều bào); còn đối với lo ngại sự phát triển không đồng đều thì Nhà nước cần chỉ đạo triển khai hiệu quả chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, cân bằng tỷ lệ đối với các sản phẩm nhà ở thương mại...” – chuyên gia về quy hoạch đô thị, thạc sĩ, kiến trúc sư Trần Tuấn Anh nêu.
Đào Vũ (T/h)