Sự xuất hiện của nhiều “đại bàng”
Trong năm 2023, bất động trên cả nước nói chung gặp nhiều khó khăn, các yếu tố kinh tế toàn cầu, pháp lý, vốn tín dụng đã có những tác động lớn trực tiếp đến thị trường này.
Tuy nhiên, trước một thị trường ảm đạm, phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn được đánh giá là một trong những “điểm sáng” của năm 2023 khi có mức giá tăng trưởng cao.
Theo báo cáo thị trường bất động sản năm 2023 và dự báo thị trường năm 2024 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), bất động sản công nghiệp duy trì vị trí đầu trong suốt cả năm 2023.
Việt Nam là cứ điểm sản xuất kinh doanh mới của hàng loạt doanh nghiệp ngoại, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.
Trong năm 2023, Việt Nam có 7 khu công nghiệp đi vào hoạt động và 13 khu công nghiệp trong quá trình xây dựng. VARS đánh giá, năm 2023 có rất nhiều “đại bàng” … rót vốn đầu tư vào các khu công nghiệp để phát triển các nhà xưởng.
VARS cũng cho biết tổng cộng cả nước có 412 khu công nghiệp đã thành lập với tổng diện tích 217,5 nghìn ha. 293 khu công nghiệ đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha. 119 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,7 nghìn ha
Tỷ lệ lấp đầy và giá thuê tiếp tục tăng trưởng bất chấp khó khăn của nền kinh tế. Tỷ lệ lấp đầy giảm nhẹ chỉ xảy ra cục bộ tại một vài tỉnh ghi nhận nhiều nguồn cung mới có sẵn.
Giá thuê ở phân khúc bất động sản công nghiệp được nhận định tăng 20% so với cùng kỳ. Khu vực miền Trung có giá thuê trung bình 188USD/m2/chu kỳ thuê (tăng 15% so với cùng kỳ).
Tại các khu vực có bất động sản công nghiệp chiếm đóng số lượng khủng như Tp.HCM, Bình Dương không ghi nhận biến động về giá do các khu công nghiệp sẵn có đều đã được lấp đầy với chu kỳ thuê dài hạn.
Theo báo báo, hiện nay các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút trên 10.400 dự án đầu tư trong nước và trên 11.200 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng trên 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước trong những năm gần đây.
Bất động sản công nghiệp tiếp tục “sải cánh”
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, tại khu vực phía Nam hiện nay ngoài Tp.HCM thì các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An là một trong các tỉnh có thu hút vốn đầu tư FDI cực lớn.
Trong đó, tại Bình Dương các khu công nghiệp như Becamex, khu công nghiệp VSIP I.II.III đang được phát triển bài bản. Đây được đánh giá là các nhà đầu tư khu công nghiệp lớn, mang lại hạ tầng tốt và các giá trị phát triển khu công nghiệp xanh, thân thiện.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong năm 2023, vốn đầu tư trong nước tính đến ngày 15/12 tỉnh này thu hút được 85.498 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh. Đầu tư nước ngoài tính đến ngày 15/12 đã thu hút 1 tỷ 495 triệu đô la Mỹ.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, tính đến tháng 11/2023, tỉnh này thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được gần 18 triệu USD. Trong đó, có 3 dự án FDI đầu tư mới với vốn đăng ký gần 11 triệu USD và 5 dự án tăng vốn thêm gần 7 triệu USD.
Hay theo số liệu của Cục Thống kê Tp.HCM, trong 11 tháng của năm 2023, tính chung cả dự án cấp mới, điều chỉnh tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần, mua lại cổ phần góp, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thành phố này đạt hơn 3 tỷ USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, về cấp mới có 1.090 dự án cấp phép mới, tăng 35,1% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 573,5 triệu USD tăng 20,1%.
Đánh giá về xu hướng năm 2024, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Việt Nam vẫn có nhiều động lực giúp thị trường bất động sản công nghiệp hứa hẹn khởi sắc trong năm 2024.
Nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo. Nguồn cung bất động sản công nghiệp đang chứng kiến sự tăng trưởng ở cả 2 miền. Nhu cầu bất động sản công nghiệp vẫn còn rất lớn, đặc biệt là nhu cầu về các kho nhiều tầng đa dụng và nhà xưởng xây sẵn.
Bên cạnh đó, các tỉnh thành hiện nay đang nghiên cứu và đề xuất nhiều phương án quy hoạch, gỡ vướng các thủ tục pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, điều này cũng sẽ tác động rất nhiều đến bất động sản công nghiệp.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính dự báo nguồn cung năm 2024 sẽ duy trì đà tăng, đặc biệt là các khu công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, thông minh và chú trọng đến yếu tố "xanh hóa". Trong 10 năm tới, Việt Nam dự kiến sẽ quy hoạch tăng thêm 115.000ha đất dành cho khu công nghiệp, với khoảng 558 khu công nghiệp trên cả nước, gấp gần 1,5 lần so với số lượng hiện nay.
Ngoài ra, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng tăng. Dự kiến năm 2024, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ chiếm khoảng 45% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước.
Nhà xưởng và nhà kho xây sẵn tiếp tục dẫn đầu trong phân khúc bất động sản công nghiệp về lực cầu, Việt Nam tiếp tục là quốc gia được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. Các nhà đầu tư đến từ Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... sẽ là khách hàng tiềm năng của bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Giá thuê các khu công nghiệp chất lượng cao tiếp tục có cơ hội tăng. Phân khúc này giữ vững đà tăng trong năm 2024, đặc biệt khi tình hình chính trị thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, căng thẳng thì Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng (KSB) Bình Dương nhận định “Hiện tại, việc suy thoái kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chậm lại và tình hình phát triển kinh tế có thể hồi phục dần dần từ năm 2024. Bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục là “điểm sáng” trong phân khúc bất động sản. Đơn cử, như Công ty KSB cũng đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để cuối năm 2024 sẽ đưa ra thị trường khoảng hơn 200ha đất công nghiệp”.
Cũng theo ông Đạt, hiện nay việc đầu tư khu công nghiệp và thu hút khách hàng không phải là dễ. Ngoài chính sách của chính những nhà đầu tư khu công nghiệp, thì chính quyền địa phương cũng phải là “chìa khoá” quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư.