Khu công nghiệp Đông Hồi "ngủ đông" 15 năm sau quy hoạch
Khu công nghiệp Đông Hồi được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng lần đầu tiên tại Quyết định số 02/QĐ-UBND.CN ngày 04/01/2010, của UBND tỉnh Nghệ An.
Theo quy hoạch ban đầu, khu công nghiệp này nằm trên địa bàn các xã Quỳnh Lập, Quỳnh Lộc của Tx. Hoàng Mai với diện tích quy hoạch lên đến 1.436 ha; tổng vốn đầu tư 5.388 tỷ đồng, với thời gian hoạt động là 50 năm.

Phối cảnh dự án khu công nghiệp Đông Hồi.
Dự kiến, Đông Hồi là khu công nghiệp tổng hợp đa ngành như công nghiệp nhiệt điện; công nghiệp phụ trợ nhiệt điện; công nghiệp xi măng; công nghiệp đóng tàu phà; công nghiệp bện thừng, cáp, chão và sản xuất ngư cụ; công nghiệp chế biến bột nêm; công nghiệp sửa chữa cơ khí…
Khu công nghiệp này cũng được xác định gắn với hệ thống cảng biển Đông Hồi đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 838/QĐ-BGTVT ngày 28/4/2011.
Sau khi hoàn thành, khu bến cảng Đông Hồi sẽ đáp ứng nhu cầu xây dựng 19 bến cảng chuyên dùng liền bờ với tổng chiều dài 4.450m cho tàu trọng tải đến 50.000 DWT, thông qua lượng hàng 5,8 -7 triệu tấn/năm.

Danh mục dự án sẽ đầu tư vào khu công nghiệp Đông Hồi.
Lý thuyết là vậy nhưng sau 15 năm gần như tất cả các hạng mục của dự án vẫn chưa được triển khai thi công thực hiện. Hiện tại, khu vực này chỉ mới xây dựng được con đường dài 600m ra cảng Đông Hồi, và một số nhà máy hoạt động, còn các danh mục dự án đầu tư khác vẫn chưa thành hình.
Qua tìm hiểu, nguyên nhân các dự án đều bị trì trệ trong việc triển khai đầu tư xây dựng do chưa có nhà đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Công tác bố trí nguồn vốn cho dự án này gặp khó khăn bởi không nằm trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư, trong khi đó, kinh phí thực hiện dự án thì lại rất lớn.

Thực tế hiện nay khu công nghiệp Đông Hồi vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.
Trải qua thời gian, tiềm năng lớn của khu công nghiệp cũng không được khai thác gây nên sự lãng phí lớn. Khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ trở thành một cực tăng trưởng quan trọng cho kinh tế, xã hội của tỉnh Nghệ An này chìm vào giấc "ngủ đông" hơn 1 thập kỷ qua.
Đánh thức tiềm năng của khu công nghiệp từ dự án nhiệt điện LNG
Tuy nhiên, khu công nghiệp Đông Hồi dự kiến sẽ được "đánh thức" khi có dự án nhà máy nhiệt điện LNG Quỳnh Lập.
Đây là một trong các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên thuộc danh mục kèm theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Vị trí dự kiến nhà máy nhiệt điện LNG Quỳnh Lập. Ảnh Tiến Đông.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2,11 tỷ USD, bao gồm các hạng mục: Nhà máy điện khí LNG, kho chứa khí, cảng tiếp nhận, đê chắn sóng và các công trình phụ trợ trên tổng diện tích khoảng 210-360 ha và cảng tiếp nhận tàu có trọng tải khoảng 100.000 DWT. Để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu của nhà máy sẽ nhập khẩu LNG khoảng 1,15 triệu tấn/năm.
Dự án có công suất 1.500MW (gồm 2 tổ máy x 750MW) sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, kho và hệ thống tái hóa LNG. Dự án dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn trước năm 2030.
Khi hoàn thành, điện sản xuất từ nhà máy sẽ đấu nối vào đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa hoặc xem xét đấu nối vào nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn.
Đây cũng là một trong những dự án trọng điểm mà Nghệ An quyết tâm thực hiện. Bởi nếu dự án được triển khai sớm và đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp đa ngành tại khu công nghiệp Đông Hồi.

Cảng biển Đông Hồi được kỳ vọng tạo bước đột phá liên kết phát triển kinh tế cho vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ. Ảnh phối cảnh.
Ngày 20/2 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đã có buổi làm việc với đoàn công tác Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu về kiểm tra, khảo sát dự án nhà máy nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập, Tx. Hoàng Mai.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, việc chủ động nguồn năng lượng trong nước sẽ hạn chế được sự lệ thuộc do phải mua từ nước ngoài, khó đáp ứng đủ nhu cầu điện năng cho các nhà máy, cơ sở sản xuất tại các khu công nghiệp.
"Dự án nhiệt điện LNG Quỳnh Lập khi đi vào triển khai xây dựng sẽ từng bước đóng góp vào thu ngân sách Nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh. Từ đó góp phần hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao cho Nghệ An là phải đạt tốc độ tăng trưởng 10,5%", Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nói.
UBND tỉnh Nghệ An cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục để hoàn thành việc chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà máy Nhiệt điện LNG Quỳnh Lập trong quý I/2025 theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành các thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đảm bảo theo quy định.