Nga "bình chân như vại" trước căng thẳng Triều Tiên?
"Lực lượng Vũ trang Nga ở vùng Viễn Đông, bao gồm cả đơn vị phòng không vẫn đang hoạt động như bình thường. Không có lệnh chuyển sang trạng thái tăng cường cảnh giác chiến đấu", một nguồn tin ở Khu Quân sự miền Đông nói với Sputnik.
Tuyên bố này đã bác bỏ thông tin trước đó từ các chính khách Nga nói rằng, các hệ thống tên lửa phòng không ở vùng Viễn Đông đã được đặt ở tình trạng báo động cao, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.
Trong những tuần gần đây, Mỹ và Triều Tiên đã có với nhau cuộc khẩu chiến quyết liệt và nhiều chuyên gia lo ngại nếu tình trạng kéo dài, một cuộc xung đột là rất dễ xảy ra.
Về phía Nga, nước này đã nhiều lần lên tiếng lo ngại về sự leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cuối tuần trước cho biết, Moscow phản đối Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và nói thêm, nguy cơ xung đột giữa Washington và Bình Nhưỡng tiến tới một cuộc chiến tranh là "rất lớn".
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thêm phần nóng bỏng sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo dồn dập của Bình Nhưỡng.
Theo Lầu Năm Góc, cả hai thử nghiệm của Triều Tiên hồi tháng trước đều là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), trong khi bộ Quốc phòng Nga lại phản bác, đây chỉ là tên lửa tầm trung.
Tuy nhiên, các lực lượng của Nga ở vùng Viễn Đông đã sẵn sàng cho bất kỳ kịch bản đối đầu nào có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt khi có những rủi ro mà tên lửa của Bình Nhưỡng có thể bay chệch hướng về phía Nga do trục trặc kỹ thuật hoặc tính toán sai lầm trong tọa độ mục tiêu. Bầu trời Nga trong khu vực đang được bảo vệ bởi quân đoàn phòng không-không quân số 11 có trụ sở tại Khabarovsk. Đây là một trong những đơn vị tinh nhuệ và tiên tiến nhất trong quân đội Nga. Vladivostok là nơi đóng quân của trung đoàn phòng không số 93 với 4 hệ thống phòng thủ tên lửa S-300PS cùng hai hệ thống S-400 hiện đại nhất với tổng cộng gần 50 bệ phóng.
"Gấu Nga" không dễ bắt nạt
Ngoài ra, trung đoàn phòng không số 25 ở Komsomolsk-on-Amur cũng có tới 8 tổ hợp phòng thủ tên lửa S-300PS và 2 tổ hợp S-300V với tổng cộng 80 bệ phóng tên lửa.
Mặc dù trên thực tế, lá chắn tên lửa của lực lượng số 11 có nhiệm vụ đẩy lùi các cuộc tấn công tiềm năng từ phía đông và bảo vệ Hạm đội Thái Bình Dương, nó vẫn có khả năng chặn lại những tên lửa đến từ phía Triều Tiên.
Ngoài ra, Hạm đội Thái Bình Dương cũng là phần không thể thiếu trong việc bảo vệ vùng Viễn Đông khi tích hợp các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tiên tiến.
Tàu tuần dương tên lửa Varyag, được trang bị các hệ thống phòng không Fort (biến thể của S-300) với phạm vi hoạt động lên đến 200km và tầm cao lên tới 27km.
Hạm đội Thái Bình Dương cũng bao gồm trung đoàn tên lửa đồn trú tại Petropavlovsk-Kamchatsky có ba tổ hợp S-400. Chuyên gia quân sự Nga Mikhail Khodarenok cho rằng, lá chắn tên lửa ở vùng Viễn Đông của Nga thực tế không có khả năng đánh chặn ICBM. Tuy nhiên, hệ thống S-300 và S-400 được triển khai trong khu vực sẽ dễ dàng đánh chặn các loại tên lửa tầm trung của Triều Tiên.
Với việc Nga không phải là mục tiêu đe dọa đối với Bình Nhưỡng, năng lực hiện tại ở vùng Viễn Đông là đủ để phòng ngừa các tình huống xấu xảy ra.
Để phát hiện kịp thời một tên lửa đạn đạo phóng đến, các chuyên gia cho hay Moscow phải nhận thêm sự hỗ trợ đến từ Lực lượng Không gian vũ trụ, trong đó có hệ thống vệ tinh cảnh báo sớm.