Hương ước giữ rừng
Con đường từ quốc lộ 7 vào bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An kéo dài 3km nhưng đã được bê tông hóa và vô cùng sạch sẽ. Vui vẻ nói về việc này, ông Vừa Vả Rùa (61 tuổi) cho biết, từ 30 năm nay, con đường ở đây vẫn sạch như thế, dù trước đây là đường đất.
“Lưu Thông hiện có 58 nóc nhà với gần 300 người đều là dân tộc Mông. Bản bắt đầu được thành lập từ đầu năm 90, thế nhưng ở đây mọi người sống rất sạch sẽ, văn minh. Nguyên nhân là do tất cả mọi người đều tuân thủ một hương ước của bản”, ông Rùa nói.
Quy định đầu tiên của hướng ước bản Lưu Thông chính là không phá rừng, không được thả rông trâu bò để bảo vệ hoa màu và vệ sinh môi trường. Đặc biệt là trong vòng bán kính 1km từ nhà ở của dân bản. Đây là vành đai bảo vệ môi trường cho dân bản.
“Có một khu vực được sử dụng để phát nương, làm rẫy. Ngoài ra cũng không được phá rừng. Ai cần gỗ để làm nhà ở, phải xin phép ban quản lý bản mới được chặt gỗ, tuyệt đối không được bán gỗ ra ngoài bản”, ông Rùa nhớ lại.
Còn đối với trâu bò thì phải chăn dắt, nuôi nhốt, không được thả rông. Ai nuôi trâu bò phải trồng cỏ voi làm thức ăn cho chúng để chúng nhanh lớn. Người dân trong bản không được trộm cắp của người khác, nếu lỡ lấy trộm dù một quả chuối trên nương, cũng phải đến nhà chủ cây để xin tha thứ.
Đặc biệt, từ sau năm 2000, ma túy tấn công vào các bản xung quanh, rất nhiều thanh niên nghiện ngập rồi tham gia buôn bán ma túy, nhưng thanh niên ở bản Lưu Thông vẫn được hương ước bảo vệ và nói không với ma túy.
“Nhiều người đã nghiện ma túy, đi buôn ma túy bị bắt bỏ tù. Vì vậy, những người già đã họp lại và quyết định phải bổ sung vào hương ước để chống nạn ma túy, bảo vệ dân bản”, ông Rùa nói.
Hương ước từ đó có thêm điều cấm: cấm buôn bán, nghiện ma túy, trồng cây thuốc phiện. Nếu phát hiện ai mang ma túy vào bản phải báo cáo ngay cho trưởng bản.
Ông Vừa Du Chúng (60 tuổi) cho biết thêm, việc dùng ma túy hồi xưa vô cùng “phổ biến”, gần như người già đều nghiện hút. Vì vậy, thấy được tác hại của tệ nạn này, cần phải bảo vệ người trẻ nên các thành viên trong bản đề xuất việc cấm hoàn toàn ma túy.
“Từ khi thành lập bản cho đến nay, không có một ai trong bản nghiện hút nữa. Đặc biệt lớp trẻ cũng ý thức được việc nghiện hút thì nguy hại thế nào nên không có nghiện cả. Chúng tôi cũng không ngờ hương ước lại trở thành tấm lá chắn quý giá như vậy”, ông Chúng nói.
Hương ước giữ gìn văn hóa
Trưởng bản Vừ Giồng Nênh cho hay, mặc dù nói là hương ước của bản nhưng thực chất không có giấy tờ gì cả, mà chỉ là quy định chung của tất cả mọi người.
“Tôi và dân bản đã thuộc làu nó. Hương ước quy định, ai vi phạm sẽ bị đưa ra cộng đồng kiểm điểm, tái phạm sẽ bị phạt tiền, nhưng 30 năm qua, có rất ít người vi phạm”, ông Nênh nói.
Trong những năm gần đây, thanh niên bản Lưu Thông đi học, làm ăn xa trở về với cái đầu nhuộm vàng, trắng khiến nhiều dân bản không ưa. Vì vậy, mọi người thống nhất là nếu nhuộm tóc khác màu sẽ không được bước qua cổng làng. Dân bản khi được thông qua, đều đồng tình với quy định này.
Nhất là đến Tết Nguyên đán, con em của bản đi ra bắc vào Nam học hành, làm ăn, đều về tụ họp để gặp mặt, báo cáo tình hình năm qua, ai lỡ làm điều gì không phải thì tự kiểm điểm, hứa không tái phạm.
Năm nay, người dân ở bản Lưu Thông đã thu hoạch được hơn 100 tấn lúa, hàng chục tấn ngô gần 100 tấn bí xanh, chăn nuôi được hàng trăm con trâu, bò, còn lợn và gia cầm khác thì không thống kê hết. Cả bản có 48 nhà lợp ngói, 50 nhà có tivi, nhà nào cũng có bể nước sạch. Đời sống văn hoá ở đây cũng khác trước nhiều, tục “bắt vợ” không còn, trai gái yêu nhau đưa về thưa với cha mẹ rồi làm lễ cưới.
Hiện bản có 3 dòng họ thì đều có quỹ khuyến học, con em trong bản đỗ đạt hay có thành tích học tập tốt đều được nhận những món quà có giá trị về cả vật chất lẫn tinh thần. Những năm gần đây, mặc dù trên địa bàn xã Lưu Kiền vẫn còn vài điểm nóng về ma túy nhưng bản Lưu Thông vẫn bình yên, không có người buôn bán, tàng trữ và sử dụng các chất ma túy.
Già làng Vừ Nỏ Lử cho biết: “Trước sự đe dọa, tấn công của ma túy và các tệ nạn xã hội khác, người dân trong bản đã dùng hương ước như một “bộ luật” để rào chắn, bảo vệ bản làng. Những quy định hương ước ấy đã tạo lập được một nếp sống lành mạnh, văn minh giữa núi rừng”.
Chính vì vậy, cho đến nay, những mái nhà của người Mông ở đây vẫn nằm bình yên bên thung lũng. Bốn phía núi rừng trùng điệp bao vây, chưa hề có sự tác động dù các tệ nạn xã hội luôn nhăm nhe.
Ông Vang Kiên Cường - Chủ tịch UBND xã Lưu Kiền cho biết, Lưu Kiền là xã nằm phía Tây của huyện Tương Dương, nơi giáp ranh với huyện Kỳ Sơn - địa bàn cửa ngõ biên giới phía Tây Nghệ An. Mặc dù vậy, thời gian qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn nhìn chung được giữ vững, đảm bảo cho nhân dân ổn định sản xuất, chăn nuôi, triển khai đề án phát triển kinh tế.
“Điển hình trong đó là bản Lưu Thông, chính hương ước mà người dân tự đề ra như tấm khiên che chắn cho người dân ở bản này trước các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy. Đây là bản điển hình hiếm thấy trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, ông Cường nói.