Chính phủ Hàn Quốc chính thức đưa luật chống tham nhũng mới vào thực thi kể từ cuối tháng 9 vừa qua. Theo quy định của luật này, trị giá của các bữa ăn mà viên chức nhà nước, nhân viên các doanh nghiệp nhà nước, giáo viên, nhà báo được nhận không được phép quá 30.000 won (gần 600.000 đồng).
Ngoài ra, các đối tượng này nếu nhận quà thì món quà cũng chỉ ở trị giá không quá 50.000 won. Còn với việc tặng phong bì chứa tiền mặt trong các dịp hiếu - hỉ, số tiền không được phép quá 100.000 won. Luật này được gọi tắt là luật “3-5-10”.
Nếu vi phạm luật, ngoài việc phải đóng tiền phạt, người vi phạm còn có nguy cơ bị truy tố hình sự nếu như nhận quà trị giá hơn 1 triệu won, hoặc tổng trị giá quà cáp nhận trong một năm vượt quá 3 triệu won.
Ngược lại, người dân nào phát hiện công chức vi phạm luật và báo với chính quyền kèm theo bằng chứng đầy đủ có thể nhận tiền thưởng lên đến 200 triệu won (gần 4 tỉ đồng).
Kể từ khi luật này ra đời, ở đất nước xử sở kim chi đã bùng nổ ngành công nghiệp cung cấp camera. Những loại máy quay lén có bút viết cài áo hay loại máy quay lén gắn trên kính mắt được chào bán rộng rãi và thu hút người mua.
Đặc biệt, sau khi luật chống tham nhũng ra đời, ở Hàn Quốc cũng xuất hiện một ngôi trường kỳ lạ dạy kỹ năng theo dõi và bắt quả tang các vụ nhận phong bì, quà cáp mang tên Tổng hành dinh Thông tín Công ích.
Để theo học ngôi trường này, học viên không cần trả học phí, nhưng sẽ phải chi tiền mua các dụng cụ như bút bi, mắt kính tích hợp camera để “bắt lỗi” người vi phạm. Tại ngôi trường này, học viên được dạy đủ mọi cách thức để rình và thu thập bằng chứng như dùng camera, nghe lén, chụp ảnh, và thậm chí còn phải lục các thùng rác để tìm kiếm giấu tích của các hóa đơn như hóa đơn ăn uống hay mua quà.
“Bạn vừa có thể làm giàu mà lại vừa trở thành công dân tốt”, hiệu trưởng của ngôi trường này, Moon Seoung-ok nói trong một lớp học dạy các mẹo quay, chụp ảnh lén.
“Các bạn có thể tìm thấy hóa đơn rút tiền từ thẻ tín dụng trong thùng rác ở các nhà hàng. Các bạn cần phải tìm cho được chứng cứ”, vị hiệu trưởng này nói với các học viên.
Tất nhiên ông cũng không quên phát cho học viên các tập sách về luật chống tham nhũng. “Bạn phải xem xét đối tượng của mình. Xem cáo phó trên báo chí để biết người nào thuộc tầng lớp thượng lưu đang tổ chức tang lễ”, ông Moon Seoung-ok truyền đạt kinh nghiệm của mình với học viên.
Và buổi thực hành của các học viên trường này có thể là một đám cưới ở Gangnam, khu phố xa xỉ, hiện đại bậc nhất Hàn Quốc. Học viên có thể mang theo máy ảnh trà trộn vào thực khách để “thực hành”.
Kể từ khi luật chống tham nhũng mới của Hàn Quốc được đưa vào thực thi, cụm từ “săn ảnh” ở Hàn Quốc cũng không chỉ gồm phóng viên ảnh đeo bám người nổi tiếng, mà còn chỉ các cá nhân, các thường dân dùng máy ảnh để đi săn tiền thưởng khi báo cáo lại những hành vi vi phạm pháp luật của công chức mà họ gặp trên phố, trong đám cưới.
Dù luật chống tham nhũng trên mới áp dụng được chưa lâu nhưng đã cho thấy những tác dụng đáng kể. Số lượng người thuê các sân golf giảm.
Và khách đến tham dự đám cưới cũng ít hơn rất nhiều so với trước đây. Tại các bệnh viện, ban quản lý thậm chí còn dán thông báo yêu cầu không tặng quà cho bác sĩ.
Theo báo cáo công bố hồi tháng 6, Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc cho biết các công ty tiêu dùng và giải trí có thể lỗ đến cả chục tỉ USD khi luật chống tham nhũng được áp dụng.
Bà Otgoutugs Ochir, 46 tuổi, làm nội trợ chia sẻ với Reuters về tham vọng sẽ kiếm tiền mua nhà bằng việc báo cáo các vụ vi phạm. “Nếu số người kiếm tiền bất chính giảm thì con cái tôi sẽ được sống ở môi trường tốt đẹp hơn”, bà Ochir cho biết.
Đào Vũ