Theo Mirror, hồ nước ngọt này được tìm thấy khi các nhà khoa học đang thực hiện quá trình khảo sát đáy biển để kiểm tra nồng độ khí mêtan - loại khí được sản sinh ra khi nước biển ấm hơn và do tình trạng biến đổi khí hậu. Hồ nước ngọt này ở bên ngoài quần đảo Lofoten ở Tây.
Hồ nước ngọt nằm ở độ sâu 800 mét, được cho là hình thành ở Kỷ Băng hà cuối cùng - cách đây 20.000 năm. Phát hiện này cho thấy tại Na Uy có thể đang tồn tại một số tầng ngậm nước lớn, chứa nước ngọt và nằm ẩn dưới các trầm tích ở đáy biển.
Hiện các nhà khoa học chưa xác định được chính xác độ lớn của hồ nước ngọt này.
Theo các nhà khoa học, ngư dân sống tại Nordland, phía Bắc Na Uy, trước đó cũng đã thông báo về việc tìm thấy nước ngọt ở biển và họ có thể dùng nước này để pha cà phê.
Trước đó, các nhà khoa học cũng mới tìm thấy một hồ nước ngọt khổng lồ, có thể là lớn nhất thế giới, được bao phủ dưới trầm tích ở độ sâu 180m ngoài khơi vùng bờ biển đông bắc nước Mỹ.
Một nghiên cứu mới cho thấy có một khoang nước ngọt khổng lồ phía dưới Đại Tây dương, ngay ngoài khơi bờ biển phía đông bắc nước Mỹ. Kích thước của khoang nước ngọt khổng lồ này vẫn còn là một bí ẩn nhưng nó có thể trải dài từ ít nhất bang Massachusetts tới miền nam bang New Jersey, tương đương gần 350km.
Giả thuyết đầu tiên về sự tồn tại của những hồ nước ngọt dưới đáy biển xuất hiện từ những năm 1970. Khi đó, các công ty khoan dầu đôi khi đã khoan trúng nước ngọt.
Đào Vũ (Tổng hợp)