Người được nhắc tới ở đây chính là Đồng Quán- một hoạn quan đồng thời là vị tướng quân số 1 đời nhà Bắc Tống tại Trung Quốc.
Thái giám có tướng mạo xuất thần
Đồng Quán tên chữ là Đạo Phu người kinh thành Khai Phong. Người đàn ông này được mô tả là người có tính tình nhu mì, linh hoạt; có vóc dáng cao lớn lực lưỡng và gân cốt rắn chắc, có cả râu, không giống quan hoạn. Theo tiêu chuẩn đánh giá ở thời kỳ này thì Đồng Quán được xếp vào danh sách người đàn ông có dung mạo đẹp và hấp dẫn khó cưỡng.
Đồng Quán
Mặc dù luôn được hậu thế ca tụng về vẻ đẹp khác người nhưng rất khó tìm thấy trong sử sách những từ ngữ miêu tả cụ thể về vẻ đẹp của mỹ nam này. Vì thế từ trước tới nay, Đồng Quán nghiễm nhiên được người đời trao vương miện và trở thành hình tượng lớn mỗi khi nhắc đến vẻ đẹp của phái “mày râu”.
Thực ra, ngay trong “Thủy Hử truyện” cũng có đoạn miêu tả chân dung của Đồng Quán:. “Điểm thu hút nhất của hoạn quan Đồng Quán là chiếc cằm chẻ khác người. Gương mặt hơi vuông nhìn rất rắn rỏi, cương nghị, chững chạc, trông rất “ đàn ông”. Hơn thế nữa, mặc dù là hoạn quan bị tĩnh thân (thiến) từ bé nhưng trên chiếc cằm chẻ hút hồn này, râu vẫn mọc ra từ đó...”
Trong một cuốn sách lịch sử khác lại miêu tả mỹ nam Đồng Quán như sau: “Không chỉ sở hữu gương mặt điển trai, góc cạnh, Đồng Quán còn có thân hình vạm vỡ của một tài tử giỏi võ nghệ. Gương mặt của người đàn ông này toát lên sự rắn rỏi nam tính nhưng không bị thô mộc với làn da rám nắng khỏe khoắn. Ngắm nhìn Đồng Quán không ai nghĩ đây là một hoạn quan”.
Không chỉ được xếp vào hàng ngũ mỹ nam, khí chất của Đồng Quán cũng được đánh giá vào bậc cao thủ khi ở con người này toát lên vẻ cương nghị với giọng nói sang sảng, trầm đục chứ không the thé “nửa nạc nửa mỡ” như những hoạn quan khác cùng thời. “Đồng Quán có dáng đi thong dong tự tại, thân hình thẳng tắp, hai tay thả duỗi an nhiên, đôi mắt sáng quắc nghiêm nghị luôn nhìn thẳng vào người đối diện, một ánh mắt và khí chất ít người có được”.
Cũng chính vì có dung mạo và khí chất khác thường, nên nhiều người trong cung khi đó hoài nghi về thân phận thực sự của Đồng Quán. Cũng có kẻ vì ghen ghét muốn hãm hại nên nhiều lần đột nhập vào phòng của Đồng Quán để kiểm tra xem thực sự ông có phải là hoạn quan hay không. Theo đúng như sử sách thời Bắc Tống có ghi lại thì Đồng Quán chắc chắn đã được làm lễ tĩnh thân như những hoạn quan bình thường khác. Chỉ có điều, thời điểm thực hiện tĩnh thân của nhân vật này rất muộn- 20 tuổi, vì thế những đặc điểm đặc trưng của đàn ông dường như vẫn còn lưu giữ lại một cách nguyên vẹn nhất trên cơ thể của Đồng Quán.
Lập công lớn, thăng tiến nhanh
Khi bước chân vào cung làm hoạn quan ở lứa tuổi 20, Đồng Quán đã luôn tỏ ra là một người khôn khéo, giao du rộng và biết làm chiều lòng người khác. Nhân vật này được đánh giá là người có tính tình rộng rãi, độ lượng, trong cung có nhiều phi tần thích giao du với ông. Trong cung cấm, Đồng Quán được nhiều người ca ngợi.
Vì thế chỉ một thời gian ngắn sau khi nhập cung, Đồng Quán đã được giao trọng trách lo việc thu thập sách vở cho hoàng đế Tống Huy Tông. Vì gần vua nên nhiều tướng lĩnh trong triều hay biếu xén quà cáp cho Đồng Quán để được “một lời nói tốt” với hoàng thượng. Trong đội ngũ này có một nhân vật tên là Sái Kinh, người nhờ có lời nói ngọt của Đồng Quán mà đã lên làm tể tướng.
Cũng chính nhờ ân tình này mà khi leo lên ngôi vị tể tướng, trong một lần dẹp quân ở vùng Thiểm Tây, Sái Kinh đã bất ngờ tiến cử Đồng Quán làm giám quân. Mặc dù có nhiều lời dèm pha vì trong lịch sử chưa từng có một hoạn quan nào được đi chiến đấu ngoài chiến trường, nhưng do Sái Kinh hết lòng khen ngợi nên vua Tống Huy Tông đã thuận ý.
Ở trận chiến này cùng với chủ tướng, Đồng Quán đã lập được nhiều chiến công vang dội. đánh dẹp được đạo quân làm loạn ở vùng Thiểm Tây. Sau khi chiến thắng lẫy lừng trở về, Đồng Quán được thăng chức liên tục. Một điều đáng khâm phục là để có được những lần thăng chức như vậy, ở trận đánh nào, Đồng Quán cũng đều dành chiến thắng vẻ vang. Đây cũng là trường hợp duy nhất trong lịch sử Trung Quốc mà một hoạn quan được ra chiến trường và thu được nhiều chiến công như vậy.
Cùng với những thành tích lập công và giao du khôn khéo với các triều thần trong triều đình, vào năm 47 tuồi, Đồng Quán đã được thăng lên chức thái úy và được vua Tống Huy Tông sai đi sứ nước Liêu. Khi nhận được thông tin này, các triều thần của nhà Bắc Tống đã ra sức căn ngăn vì sợ rằng đưa một hoạn quan đi sứ thì quá mất thể diện của quốc gia. Tuy nhiên, do những thành tích đã đạt được trong những lần trước đó, vua Tống Huy Tông vẫn cương quyết để Đồng Quán với chức danh Thái úy đi sứ ở nước Liêu.
Tạo hình Đồng Quán trong phim truyền hình tại Trung Quốc
Một tin “sét ngang tai” nữa với những kẻ ghen ghét Đồng Quán trong triều là trong lần đi sứ này, không những không để mất mặt nhà Tống mà khi trở về, Đồng Quán còn có công đưa được một vương gia bị nước Liêu bắt giữ trước đó về nước. Do thành tích hiển hách như vậy, Đồng Quán lại càng được lòng hoàng đế Tống Huy Tông. Vị vua này sau đó đã thăng cấp liên tục cho Đồng Quán. Và khi vừa bước vào tuổi 50, lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, cũng là trường hợp hy hữu có một không hai trong lịch sử, một viên quan hoạn đã trở thành người đứng đầu quân đội nhà Bắc Tống khi Đồng Quán được thăng chức Kinh quốc công.
Khi đã trở thành người đứng đẩu quân đội triều đình, Đồng Quán còn được cai quản 9 trấn của nhà Bắc Tống với toàn bộ quân đội trong tay. Khi đó, người đời đã gọi Kinh quốc công Đồng Quán với cái tên “tướng bà” để phân biệt với “tướng ông” là tể tướng Sái Kinh. Cũng chính vì thành tích chiến trận vang dội của một viên quan hoạn như Đồng Quán mà chính người đã từng tiến cử Đông Quán với hoàng đế như Sái Kinh cũng cảm thấy ghen tỵ. Hơn thế nữa, kể từ khi được thăng tiến, Đồng Quán tỏ ra cậy thế công thần, làm việc theo ý riêng, không tâu báo lên trên, Sái Kinh cũng bắt đầu tỏ ra bất mãn và ghen tức với ông.
Chết vì chủ quan, phớt lờ thời thế
Khi leo đến chức quan võ cao nhất của triều đình, vẫn với những chiêu thức lấy lòng vua Tống Huy Tông mà Đồng Quán đã tự thành lập Ứng phụng cục (Cục cung ứng phục vụ hoàng đế) chuyên đi tìm kiếm, cướp bóc những thứ quý lạ trong dân gian như ngà voi, sừng tê, cây cảnh quý, đá quý… từ Giang Nam và huy động hàng ngàn phu làm việc mang về dâng vua. Thủ hạ của Đồng Quán là Chu Miên đã cai quản Ứng phụng cụng và gây ra nhiều cảnh cướp bóc tàn bạo khiến dân Giang Nam rất oán hận.
Sự oán thán của dân chúng Giang Nam đã lên đến đỉnh điểm khi vào năm 1120, tại nơi này đã nổ ra một cuộc khởi nghĩa mang tên Phương Lạp do nông dân trong tỉnh khởi xướng. Trong lần dẹp loạn này, Đồng Quán cũng chính thức cầm quân và sau gần 1 năm chiến đấu, quân đội triều đình đã bắt sống được người đứng đầu Phương Lạp. Sau khi bắt sống được Phương Lạp, Đồng Quán được phong làm Thái sư và trở thành một trong những người đứng đầu của triều đình nhà Bắc Tống như nhiều bậc tôn vương khác.
Đầu năm 1126, Tống Huy Tông nhường ngôi cho con là Khâm Tông lên làm thái thượng hoàng. Khi nhà Kim tấn công Bắc Tống, Tống Khâm Tông tuyên bố sẽ thân chinh ra trận, sai Đồng Quán ở lại giữ kinh thành. Đồng Quán không nghe lệnh Khâm Tông, cậy mình được lòng thượng hoàng Tống Huy Tông bèn mang quân hộ tống thượng hoàng chạy về phía nam để tránh hòn tên mũi đạn quân Kim. Khi thượng hoàng Huy Tông qua cầu phao, một số tướng sĩ trèo lên cầu khóc nức nở mong thượng hoàng ở lại ứng chiến. Nhiều dân thường cũng khóc không muốn thượng hoàng đi. Đồng Quán sợ không đi nhanh được, bèn sai quân cung nỏ bắn vào những người đứng sau, kết quả là hàng trăm người đã chết.
Trước hành động giết người của Đồng Quán, nhiều đại thần trong triều đã tỏ ra bất bình, cùng nhau kiến nghị vua Khâm Tông. Khâm Tông sau khi nghe chuyện đã vô cùng giận dữ, ra lệnh hạ chức của Đồng Quán.
Không chỉ dừng lại ở đó, Đồng Quán bị hoàng đế Tống Khâm Tông bắt lưu đày đến Anh Châu, sung vào quân đội ở Cát Dương. Khi ông chưa tới nơi, Khâm Tông lại sai Giám sát ngự sử Thượng Huy mang chiếu thư đuổi theo, kể 10 tội trạng của ông, rồi xử tử ngay trên đường. Năm đó Đồng Quán 73 tuổi. Thượng Huy giết Đồng Quán xong, bỏ xác vào bao tải mang về kinh thành cho mọi người cùng xem.
Hải Hiền (Theo Jingji)