Lạ kỳ vũng “nước tiên” làm đẹp thiếu nữ

Lạ kỳ vũng “nước tiên” làm đẹp thiếu nữ

Thứ 5, 27/12/2012 23:48

Dù phải lao động vất vả, dầm mưa dãi nắng, con gái nơi bản Bắc Sơn này có nước da mịn màng, trắng trẻo và xinh như hoa rừng.

Những thiếu nữ ở xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đều đã sử dụng vũng "nước tiên" ngay tại bản để chăm sóc sắc đẹp của mình.

Xã hội - Lạ kỳ vũng “nước tiên” làm đẹp thiếu nữ

Đền Đức Ông Lê Mạnh

Suối tiên giữa đại ngàn

Chúng tôi ngược về phía Tây xứ Nghệ trong tiết trời miền Trung đã chuyển từ nắng nóng gay gắt và khắc nghiệt của mùa hè sang cái mát dịu, dễ chịu của mùa Thu. Điểm dừng chân của chúng tôi là bản Bắc Sơn, xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), nơi có dòng "suối tiên" Khe Xanh huyền thoại và ngôi đền Đức Ông linh thiêng lạ kỳ. Mảnh đất huyền bí này là nơi chủ yếu đồng bào dân tộc Thổ sinh sống.

Dòng suối Khe Xanh có tên gọi tự bao đời. Người Thổ nói rằng, tên gọi ấy, bắt nguồn từ đặc trưng của dòng nước - trong xanh, hiền hòa. Khí hậu có thể biến đổi, thời tiết dẫu khắc nghiệt đến dường nào thì dòng suối này vẫn trong xanh, tràn đầy sức sống, không bao giờ cạn nước. Đi tìm thượng nguồn của con suối kỳ bí ấy, người dân chỉ thấy nó chảy ra từ 3 cái mó (vũng) nước từ trong lòng đất chảy ra. Và trong 3 mó nước ấy, mó Cả Quan có sự đặc biệt hơn cả.

Từ xưa, người dân bản Bắc Sơn thường ra mó nước này tắm mát và sử dụng làm nước sinh hoạt. Vũng Cả Quan có độ sâu khoảng 4m, rộng hơn 1m và dài khoảng 3m, xung quanh có nhiều hòn đá trắng lớn vây quanh. Người dân nơi đây cho biết, vũng nước này, mát lạnh về mùa hè nhưng đến mùa đông thì lại nóng ấm, nên rất phù hợp với sinh hoạt thường ngày của người dân lao động. Vũng nước nằm ở độ cao khoảng 2.000m so với mặt nước biển.

Vũng Cả Quan nằm lọt thỏm giữa đại ngàn, bao quanh là những cây đại thụ lên đến trăm tuổi. Tiến sâu vào bên trong là các tảng đá khổng lồ đan xen nhau tầng bậc, mạch nước như nguồn sữa mẹ, cứ thế 4 mùa chảy mãi không ngừng. Một già làng, người tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi, chỉ tay vào miệng Cả Quan và nói: "Các chú cứ xuống uống một ngụm nước mà xem, có cảm giác mát toàn thân, có thể tăng thêm sinh lực. Đứng trên mặt nước chúng ta có thể soi gương được".

Cả Quan được lưu truyền từ đời này qua đời khác và gắn liền với nhiều câu chuyện mang tính truyền thuyết của người bản địa. Theo đó, xưa kia, người dân tộc Thổ sinh sống ở một vùng đất khác, khắc nghiệt hơn, quanh năm mất mùa, đói nghèo và thường bị thú rừng đến phá phách chẳng làm ăn gì được. Thế là cả dân bản bèn rủ nhau đi tìm một vùng đất mới để sinh sống.

Sau nhiều lần kiếm tìm, cuối cùng họ cũng chọn điểm dừng chân tại bản Bắc Sơn ngày nay. Vũng nước Cả Quan là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt chính cho dân bản từ đó đến nay. Tuy chỉ là một vũng nước nhỏ nhưng nó đủ phục vụ để người dân tắm rửa, giặt giũ và nấu nướng. Bao nhiêu câu hỏi được con người đặt ra: Tại sao trong đỉnh núi lại có một dòng nước đặc biệt như vậy, chảy mãi không bao giờ cạn? Nó bắt nguồn từ đâu, có từ bao giờ? Rất được nhiều giả thuyết đưa ra để lý giải cho điều đó. Nhưng trải qua hàng trăm năm, nó vẫn còn là điều vô cùng bí ẩn.

Xã hội - Lạ kỳ vũng “nước tiên” làm đẹp thiếu nữ (Hình 2).

Trẻ em ngâm mình trong dòng Cả Quan trong vắt.

Đẹp người đẹp nết nhờ vũng nước "tiên"

Các cụ cao niên trong làng cho biết, họ được cha ông kể lại rằng, vũng nước này được một vị tướng từ thời nghĩa quân Lê Lợi vào đóng quân ở vùng đất tìm thấy. Sau này, với địa hình hiểm trở, vùng này là nơi dừng chân của nhiều nghĩa quân khác. Do nguồn nước hiếm nên chỉ những người chỉ huy, quan lại mới được sử dụng nguồn nước ở vũng này. Rồi các lý trưởng, cường hào thời phong kiến cũng thường xuyên tắm ở đây. Chính vì vậy, nơi này mới có tên gọi là Cả Quan. Người dân từ bao đời nay đã ăn, ở với vũng nước đặc biệt này và xem đó là cái "lộc" của làng bản nên rất trân trọng và luôn có ý thức giữ gìn.

Cả Quan lại càng trở nên huyền bí, bởi người dân cho rằng, con gái dân bản tắm nước sẽ có làm da mịn màng, trắng trẻo... Lớn lên, con gái trong bản cô nào cũng xinh xắn, dễ thương, hiền dịu, nết na. Và không dừng lại ở đó, ai bệnh tật, cảm cúm, cứ đến lấy nước ở đó về uống thì nhanh khỏe và khỏi bệnh tật. Không biết ngẫu nhiên hay không nhưng đã rất nhiều người khỏi bệnh hy hữu bởi dùng nước ở Khe Xanh.

Dẫu mưa hay nắng, dù nắng nóng hay lạnh giá thì dòng suối Khe Xanh không lúc nào vắng bóng người. Khi bắt gặp chúng tôi, nhiều đứa trẻ chăn trâu dám kháo với chúng tôi rằng: "Nếu cô chú vứt xuống vũng Cả Quan một chiếc kim khâu, chỉ 2 phút sau, bọn cháu sẽ lấy nó lên ngay". Quả thực, nước ở Cả Quan trong vắt đến lạ thường. Với độ sâu khoảng 4m, nhưng bằng mắt thường có thể nhìn thấy được mọi vật bé xíu ở tận đáy. Nếu như ban ngày, bận rộn với công việc thì ban đêm, con gái trong làng từ xưa đến nay, cứ đợi đến lúc trăng lên, lại kéo nhau ra suối ngụp lặn.

Với con gái Thổ, nếu một ngày chưa ngâm mình dưới dòng nước Khe Xanh thì đêm về, giấc ngủ chưa ngon. Ai tắm nhiều lần, thì trở nên rất xinh đẹp. Cũng có thể như thế, ở bản Bắc Sơn luôn được biết đến với những bông hoa rừng, đẹp nức tiếng trong vùng. Sau này, không chỉ gái bản Bắc Sơn, mà những vùng lân cận, chị em cũng lũ lượt kéo đến dòng suối này để tắm mát với mong muốn làm đẹp và chữa bệnh.

Dòng nước từ suối Khe Xanh và vũng nước Cả Quan có nhiều giá trị là thế, nên người Thổ nơi đây luôn tự hào về điều kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng cho họ và xem đó là tài sản vô giá. Họ cho rằng, dòng nước nơi đây đã nuôi dưỡng bà con người Thổ trưởng thành, xây dựng "dinh cơ". Một người dân địa phương cho biết: "Người dân bản chúng tôi sống nhờ vào dòng Khe Xanh này, nếu như không có nguồn "nước Tiên" đó thì bà con dân bản khó mà tồn tại ở đây được. Nguồn "nước Tiên" ngoài phục vụ sinh hoạt cho người dân còn cung cấp nước cho đồng ruộng, bởi thế mùa màng quanh năm luôn tươi tốt. Khe Xanh chính là linh hồn đồng bào dân tộc Thổ và cũng là điểm đến tâm linh của khách thập phương.

Xã hội - Lạ kỳ vũng “nước tiên” làm đẹp thiếu nữ (Hình 3).

Đường vào mó Cả Quan

Ngôi đền thiêng bên dòng suối

Một ngôi đền nhỏ bên dòng suối Khe Xanh mang vẻ thiêng liêng kỳ bí. Ngôi đền này thờ Đức ông Lê Mạnh - một vị tướng thời Lê. Ông Trương Văn Đại, người trông coi ngôi đền, cho biết: "Đức ông Lê Mạnh là một đại tướng quân thời Lê Lợi. Ông này khi đánh đuổi giặc, trên đường rút quân về đã mất ở đây. Ngôi đền được đặt bên dòng Khe Xanh nên cũng được người dân đặt cho tên gọi khác là đền Khe Xanh hay đền Đức Ông".

Ngôi đền nằm giữa đại ngàn, dẫu chưa được quan tâm chu đáo, nhưng đối với người dân bản Bắc Sơn và các vùng lân cận, ngôi đền là tài sản văn hóa tinh thần đối với họ. Hỏi thăm người dân Bắc Sơn không ai không không biết những câu chuyện gắn liền với ngôi đền Đức Ông. Ngày xưa, ở vùng Khe Xanh này, có nhiều thú dữ như hổ, báo, lợn rừng. Những ai muốn đi qua khu vực này để vào bản, đặc biệt là vào ban đêm thì phải mang theo dao, mác, gậy gộc... và phải đi đông người thì mới không lo bị thú dữ tấn công.

Thế nhưng, từ lúc mọi người truyền tai nhau rằng, mỗi lần muốn đi qua khu vực này, chỉ cần ghé đền Đức Ông thắp nén nhang lên đại điện, hái một chiếc lá trong đền bỏ vào người, thì tính mạng được an toàn? Sau này, khi đi làm ăn xa hay gia đình có chuyện chẳng lành, người dân lại mang hương lên đền Đức Ông vái lạy và được may mắn. Cứ thế, lời truyền tụng về ngôi đền thiêng vẫn được đời này qua đời khác lưu giữ.

Khe Xanh đang được người dân miền Tây tỉnh Nghệ An xem làm mảnh đất kỳ bí, được thiên nhiên ban tặng cho một cảnh quan rất đẹp. Nếu được chính quyền quan tâm đúng mức, nơi đây sẽ trở thành điểm đến du lịch của du khách thập phương.

Khánh Ly - Trần Tâm


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.