Như nhiều người cùng quê Quảng Ngãi, Nguyễn Thị Mơ vào Phan Thiết tìm việc làm. Mấy tháng đầu Mơ gánh cá thuê ở Cảng cá Cồn Chà. Rồi khi cá ít mà người gánh lại đông, cô thường ngồi không nhiều ngày.
Học nghề
Nghe người quen mách bảo, Mơ lên xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam tìm việc. Phúc đức thế nào mà cô gặp chị Nguyễn Thị Huyền, chủ của một vựa thanh long lớn, người cùng quê. Chị Huyền khuyên Mơ học nghề vuốt tai thanh long vì nghề này đang lúc thịnh. Buổi sáng mở mắt ra đã có người kêu công.
Thoạt đầu, Mơ phân vân: Vuốt tai là thế nào? Nó có giống như mấy cô gái mười tám, mười chín, mặc váy ngắn cũn cỡn, lúc nào cũng ngồi khép đùi, tay thì ráy ráy, cạo cạo tai cho mấy ông trong tiệm hớt tóc, nhưng bộ ngực thì như dán vào vai người ta mà đôi lần trên đường đi làm về Mơ trông thấy? Chị Huyền sau đó phải giải thích: “Vuốt tai là làm cho tai của trái thanh long giữ được màu xanh, cho dù trái hái đã khá lâu, cũng như khi ra đến chợ đường biên”.
Rồi để cô gái cùng quê tin, chị Huyền khẳng định: Chưa có máy móc nào thay con người vuốt tai thanh long, trừ khi các nhà khoa học sáng chế ra một loại thuốc bón vào gốc nhưng có khả năng làm xanh tai của thứ quả có tên gọi rồng xanh. Khi thấy Mơ có vẻ thuận, chị Huyền gởi Mơ cho một người vuốt tai chuyên nghiệp ở xã Hàm Thạnh cùng huyện để cô học nghề.
Những phụ nữ làm nghề vuốt tai thanh long tại xã Mường Mán, huyện Hàm Thuận Nam.
Vuốt tai
Những ngày giữa tháng 6 này, Mơ đã thành nghề. Cô đi vuốt tai ăn công trong phạm vi mấy xã: Mương Mán, Hàm Thạnh… thảng hoặc có người còn kêu cô ra Hàm Kiệm, một xã ven quốc lộ 1A để làm nghề. Mơ kể, từ tháng 4 đến nay gần như đi làm suốt tháng, ít có ngày ở nhà vì người yêu cầu vuốt tai thanh long quá đông.
Còn tôi, trước một người bạn từng gánh cá thuê nay có việc làm, thu nhập ổn định đã không giấu được sự tò mò, muốn biết nghề vuốt tai là như thế nào? Chúng tôi hẹn nhau là sẽ đến tận vườn trông Mơ vuốt tai. Điểm hẹn là vườn thanh long của ông Thiện ở dốc Sỏi xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc.
Đúng hẹn, Mơ cùng vài người nữa đi xe máy tới. Tất cả đều bịt mặt, đội mũ mềm, vì vậy nếu họ không mở khăn ra thì suốt buổi vẫn không biết ai trong họ đẹp xấu thế nào. Vườn thanh long của ông Thiện rộng trên 1 ha. Vào việc, các cô dàn thành hàng ngang, mỗi người đảm nhiệm một bề chừng 5m với vài hàng trụ thanh long.
Mỗi người cứ theo khoảng cách đó tiến dần lên cho tới giới hạn cuối cùng của khu vườn. Trên cổ tay trái của từng cô, đều đeo một chiếc chai nhựa nhỏ màu xanh lá cây mà đầu nút chai được đục lỗ, để chỉ cần nghiêng nhẹ, nước bên trong đã chảy ra. Mơ giải thích: Đó là những chiếc chai đựng thuốc tăng trưởng do chủ vườn thanh long cung cấp. Ở tay phải còn lại, mỗi cô đều mang một chiếc găng tay vải sợi dày. Hầu như chiếc găng tay nào cũng lấm láp và ố bẩn.
“Bọn em mang găng tay là để chấm thuốc tăng trưởng. Thuốc sẽ dính vô vải thay vì dính vô da tay”- Mơ nói nhanh. Rồi để tôi chứng kiến tận mắt, Mơ bước tới một trụ thanh long đầy trái chín. Một tay cô nghiêng chiếc chai, một tay cô đặt ngón trỏ lên miệng chai để nước thuốc tăng trưởng chảy ra thấm vào vải. Sau đó, bằng những ngón còn lại của bàn tay phải, Mơ nâng từng trái thanh long lên, dùng đầu ngón tay trỏ vuốt nhẹ lên từng tai của trái.
Mỗi trụ thanh long có đến 15 - 20 trái. Các cô không ai bảo ai đều thoăn thoắt cúi, thoăn thoắt vuốt, thoăn thoắt di chuyển quanh từng trụ, tiến về phía trước, cũng như không ai nói với ai điều gì, ngay cả khi một hai cô vì bước gấp gáp, chạm người nhau.
Trò chuyện
Gần trưa, chiếc áo Mơ mặc trên người ướt đi một mảng trên phía lưng, và những cô khác cũng đã mệt sau cả mấy giờ liên tục di chuyển. Không hẹn, song các cô đều tập trung về một bụi cây có bóng mát gần đó, nghỉ giải lao. Mơ nói với tôi sau khi tháo khăn bịt mặt và cởi găng tay: “Anh thấy đó, vuốt tai tưởng là việc nhẹ nhàng, nhưng thật ra rất mệt. Trong khi vuốt phải tập trung, không để ngón tay có thuốc kích thích chạm vào bất cứ phần nào trên (da) trái vì như vậy vài ngày sau trái sẽ xuất hiện đốm. Vườn nào nhiều trái đốm thì giá bán rất thấp.
Đang lúc Mơ trò chuyện, người phụ nữ ngồi bên cạnh chêm vào: “Chủ vườn thanh long coi việc có nhiều hay ít trái bị đốm mà đánh giá tay nghề của thợ. Thợ giỏi thì không bao giờ thiếu việc”. Tôi hỏi Mơ: “Giữa nam và nữ, ai vuốt nhanh hơn?”. “Đàn ông làm nhanh nhưng nhiều người bộp chộp, không cẩn thận. Phụ nữ chậm một chút nhưng vuốt cái nào ra cái đó… hè hè...”. Người phụ nữ bên cạnh Mơ chen vào nói rồi tủm tỉm cười.
Tôi vờ như không biết ý nghĩ nghịch ngợm của chị để tiếp tục trò chuyện. Tựu chung, Mơ kể một cách một cách vắn tắt như sau: Tai thanh long là phần nhô ra trên bề mặt da của từng trái. Mỗi trái có từ 15 - 22 tai. Khi trái còn xanh, người vuốt tai chỉ cần vuốt từ nửa trái trở lên. Nếu thanh long chín đỏ, phải vuốt gần như hết cả số tai trên trái.
Các cô không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra cái việc vuốt tai thanh long, song khẳng định nghề vuốt tai có hơn chục năm trên đất Bình Thuận. Những người như Mơ được chủ vườn khoán 80.000 đồng cho một thiên (1.000) trái.
Một khu vườn rộng 1ha, sản lượng từ 8.000 - 10.000 trái, phải thuê từ 3 - 4 người vuốt/lần. Mỗi năm, thanh long thu hoạch từ 8 - 10 lần trái. Mỗi lứa trái khoảng hai tháng rưỡi, vì vậy nơi nào nhiều thanh long thì thợ vuốt tai gần như không hết việc.
Nghề vuốt tai kiêng người thấy nắng chóng mặt, thấy mưa sụt sùi. Chuộng người có tính kiên trì và lẹ mắt, đặc biệt thích hợp với nữ giới. Hiện nay, tại mỗi nơi trồng thanh long đều có đội ngũ vuốt tai chuyên nghiệp.
Buổi trưa hôm ấy, Mơ và bạn bè đã vuốt thông tầm để kết thúc công việc trước 3 giờ vì sợ mưa chiều. Những trái thanh long trong khu vườn nhờ đó sẽ kéo dài sự tươi xanh cho đến khi không còn có thể. Những người vuốt tai hôm sau lại tiếp tục làm đẹp cho những khu vườn khác, nhưng cao hơn cả, nó làm cho từng người, từng lao động chân chính cảm thấy niềm vui vì được đóng góp cho đời, cho cuộc sống bởi một công việc tưởng chừng đơn giản nhưng rất kén người.
Theo Hoàng Hạc (Báo Bình Thuận)