“Gửi” trâu, bò lên rừng
Tục “gửi” trâu, bò lên dãy Hoành Sơn của người dân ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp, Quảng Châu, Quảng Đông, thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, không biết có từ bao giờ. Nhưng theo người dân ở đây cho biết, hàng năm, cứ bắt đầu vào cuối tháng Ba âm lịch - khi vụ mùa tạm thời kết thúc, đến tháng Tám thì đàn trâu mới rời rừng già về với chủ để cày cấy. Sau vụ mùa tháng Mười, người dân lại “gửi” trâu vào rừng. Trong suốt khoảng thời gian này, đàn trâu sẽ lang thang qua các dãy núi sâu, sống đời hoang dã đúng nghĩa.
Tò mò về lí do người dân gửi “đầu cơ nghiệp”, phó thác cho núi rừng, thì ông Chu Đức Thanh, 55 tuổi, trú xã Quảng Kim, giải thích: “Đó là tập quán lâu đời, hơn nữa trong rừng có nhiều cỏ tranh. Trong khi đó, mùa hè đồng khô, cỏ chết nên nguồn thức ăn hạn hẹp, phải "gửi" trâu, bò vào rừng đỡ tốn công chăm sóc. Khi đến mùa vụ, mùa rét lại tìm về chăm bẵm”.
Buổi chiều oi ả của ngày hè nóng bức sau mùa gặt,trên các ngả đường quê ở xã Quảng Kim đã thấy hàng chục người dân mang trên mình đủ thứ đồ dùng, dẫn đàn gia súc men theo các con đường quê tiến vào dãy Hoành Sơn để "gửi" nhờ trông hộ. Cách làm này của người dân như cá cược với trời, do đàn trâu, bò được "gửi" tháng này qua tháng khác trong rừng sâu ngút ngàn.
Ông Chu Đức Thanh có đàn bò 5 con, chia thành một tốp nhỏ trong số những đàn gia súc được dẫn vào rừng. Là người có kinh nghiệm nhưng cũng phải rất khó khăn ông Thanh mới “điều khiển” được đàn bò của mình đi đúng hướng. Đôi chân thoăn thoắt, thi thoảng, miệng ông Thanh lại hô to: "ùi ùi" (nghĩa là đi), "hò hò" (nghĩa là dừng lại). Những câu này là khẩu lệnh mà bà con nơi đây vẫn dùng để chỉnh đường đi, nước bước của đàn gia súc nhà mình.
Vượt chừng hơn 5km đường rừng đến chân đèo Ngang (ranh giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình) của dãy Hoành Sơn, ông Thanh cho đàn bò dừng lại uống nước. "Trâu, bò thả trên rừng này như kiểu cá cược vậy. Có nhiều trường hợp đàn gia súc vừa mới lên đến rừng 2 tháng thì chết cả đàn. Chúng chết vì rét, bệnh tật... Cũng có những đàn sinh ra đã ở rừng, quen với khí hậu trên này nên béo tròn quanh năm", ông Thanh nói.
Đoàn người phải cuốc bộ hơn 7km đường rừng mới đến địa điểm mà họ chọn làm nơi gửi "cả cơ nghiệp". Đó là một vùng núi mênh mông, dường như lâu lắm không có dấu chân người lui tới. Thi thoảng nghe tiếng động loạt xoạt. Đấy là khi những con trâu, bò luồn rừng đi tìm nguồn thức ăn, nước uống.
Cách đó chừng 2km đường núi, men theo con đường lởm chởm đá tai mèo, sẽ đến đỉnh Hoành Sơn. Đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra các triền núi đầy cỏ tranh xung quanh, thấy trâu, bò chắc phải cả trăm con của người dân từ các xã “gửi” lên đây. Thi thoảng 1-2 tháng, người dân lại lên rừng thăm dò để nắm bắt tình hình của chúng. Việc "gửi" đàn gia súc của người dân thoáng nghe có phần đơn giản, bởi nó giúp bà con nông dân bớt vất vả vì phải bỏ công chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhưng vì phương pháp chăn thả tự nhiên này đã khiến đàn gia súc bị "rừng hóa" và trải qua vô số biến cố may rủi và "đầu cơ nghiệp" có thể không quay về được với chủ nữa.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Đến tận bây giờ, ông Từ Văn Nghị, 48 tuổi, trú xã Quảng Kim, vẫn không thể quên được câu chuyện “buồn” năm nào. Theo ông Nghị, cách đây khoảng 5 năm, trong một đợt dịch bệnh, trâu, bò thả trên rừng nối nhau chết từng đàn. Khi bà con lên rừng tìm, ai cũng ngồi sụp xuống đất khóc ròng vì trâu, bò chết hàng loạt. Nhìn xác trâu, bò chết, lòng quặn thắt. Nhiều người vì thế lâm vào cảnh nợ nần, túng quẫn.“Đàn trâu nhà tôi có 7 con, cũng bằng phương pháp "gửi" cho rừng mà chết dần, nay chỉ còn 3 con.Năm đó, tui phải đi gánh thịt trâu, bò thường xuyên. Cứ sáng ra là có người đến kêu nhìn thấy trâu chết. Có nhiều đàn chết đến 3 năm sau mới tìm thấy, chỉ còn lại từng đống xương”, ông Nghị nhớ lại.
Thực tế, việc "gửi" trâu, bò vào rừng cũng có nhiều chuyện đau lòng. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Thanh giải thích lí do bằng chất giọng trầm buồn: “Có khi trâu, bò được đưa vào rừng, bản tính hoang dã của chúng sẽ được đánh thức, nên nhiều khi chúng trở thành mối hiểm họa cho chính người chủ. Có người sau mấy tháng đi tìm lại đàn trâu, đã bị chúng lao vào húc bị thương, nhiều người thấy trâu của mình mà phải bỏ chạy thục mạng. Thậm chí, có người phải bỏ mạng giữa rừng vì bị trâu húc”.
Ông Thanh kể, lo đàn trâu, bò bị rừng hóa là một chuyện; còn lo nữa là nhiều kẻ xấu đã lợi dụng việc này để vào bẫy, bắt trâu giết thịt. Ngày trước, chuyện mất trâu, bò xảy ra như "cơm bữa", nay mọi người thường xuyên vào rừng trông nom hơn nên việc mất trộm đã ít xảy ra.Nhưng ngoài rủi ro thì cũng có cái may, vì sau khi "gửi" trâu, bò cho núi rừng vài tháng, khi lùa về lại thấy có thêm vài con nghé. Có gia đình nhờ vậy mà dần dần xây được nhà, sắm xe máy.
Có một điều đặc biệt, dù không hề làm dấu nhưng những người chủ nơi đây không bao giờ nhận nhầm trâu, bò của nhau, giữa hàng trăm con hao hao gặm cỏ giữa núi rừng. Từ xa, họ đã chỉ ra đàn trâu, bò của mình, rất chính xác. Một câu chuyện dở khóc dở cười nữa đó là, những đàn trâu, bò sống lâu năm trên rừng, dần sinh đàn đẻ lứa. Không ít người chủ dù biết đó là trâu, bò nhà mình nhưng không làm cách nào để lùa chúng trở về lại nhà, phải thuê thợ bẫy.Thợ bẫy lấy tiền công mỗi con trâu có khi lên tới 1 triệu đồng.
Anh Phan Văn Bình, ngụ xã Quảng Hợp, kể do chăn thả ở rừng cả năm trời nên anh bất lực trước 4 con bò của nhà mình đã bị "rừng hóa". Dù đã thử qua nhiều cách nhưng không tài nào bắt về được, đành phải thuê thợ bẫy. Khi bẫy được thì chúng đều bị thương nặng, buộc phải gọi họ hàng, người quen lên rừng sâu để thịt bò, mang về bán.
Ông Đàm Văn Đô, 63 tuổi, trú xã Quảng Châu, có 10 năm kinh nghiệm trong nghề bẫy trâu, bò. Theo ông Đô, hiện trên vùng rừng này còn khoảng trên 100 con trâu, bò thuộc dạng "rừng hóa". Những con này sống lâu năm trên rừng nên cứ thấy người là lao như tên lửa, không kể bụi rậm, nên rất khó để đưa chúng về được. Nghề bẫy trâu, bò thoạt nghe có vẻ đơn giản, nhưng những người thợ săn nói nếu không nhanh trí, quyết liệt và gan lì thì sẽ dễ bị trâu húc hoặc giẫm lên chân, rất nguy hiểm.