Sự việc hi hữu
TAND tỉnh Gia Lai mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Cố ý gây thương tích theo đơn kháng cáo của 8 bị cáo (vụ án gồm 18 bị cáo), trong đó có 3 bị cáo kháng cáo kêu oan. Mặc dù đã hết giờ hành chính nhưng vì phiên tòa được ấn định xét xử trong 2 ngày (9/8 và 10/8), nên HĐXX cho biết sẽ cố gắng tiếp tục để hoàn thành phần tranh luận.
Đến 18h ngày 10/8, các đương sự có ý kiến đề nghị đại diện VKSND tỉnh Gia Lai đối đáp vì kiểm sát viên không trả lời một số câu hỏi của các luật sư bào chữa và các bị cáo, chưa làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến vụ án. Lúc này, kiểm sát viên Nguyễn Văn Thanh - 1 trong 2 kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa đột nhiên đứng dậy xách cặp bỏ đi, không nói lời nào trước sự ngỡ ngàng của mọi người.
Vì bức xúc việc kiểm sát viên không đối đáp để bảo vệ quan điểm luận tội mà bỏ về một cách khó hiểu, nhiều người tham dự phiên tòa đã cùng nhau ra ngăn cản việc bỏ về của vị này. Trước sự ngăn cản của mọi người, ông Thanh phải miễn cưỡng xách cặp trở về chỗ ngồi của mình. Sau đó, phiên tòa lại tiếp tục với phần tranh luận.
Điều đáng nói là sự việc trên đã không được HĐXX lập biên bản. Do vậy, 1 trong 3 luật sư tham gia bào chữa cho 3 bị cáo đã lập biên bản về việc ông Nguyễn Văn Thanh, đại diện VKSND tỉnh Gia Lai tự ý bỏ phiên tòa ngày 10/8/2018. Nhiều người chứng kiến sự việc tại phiên toà đã cùng ký tên vào biên bản này.
Kiểm sát viên không làm tròn nhiệm vụ
Trước sự việc hi hữu, chưa có tiền lệ này luật sư Lương Quang Tuấn – Trưởng văn phòng Luật sư An Thái (đoàn Luật sư TP.Hà Nội), nguyên là kiểm sát viên vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự - xã hội thuộc VKSND Tối cao đánh giá: "Đại diện VKS là người giữ vai trò quan trọng trong vụ án hình sự. Việc bỏ về giữa chừng tại tòa rõ ràng là vi phạm và không hoàn thành trách nhiệm của một kiểm sát viên".
Luật sư Lương Quang Tuấn phân tích rõ: Viện kiểm sát đóng vai trò quan trọng từ việc kiểm sát điều tra trong quá trình điều tra, bảo vệ cáo trạng, truy tố bị can ra trước tòa. Kiểm sát viên phải bảo vệ và chứng minh được đúng tội phạm, không oan sai, không bỏ lọt, đúng người, đúng tội.
“Việc kiểm sát viên tự ý bỏ về giữa chừng tại phiên tòa không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm mà còn tỏ rõ thái độ coi thường HĐXX, thiếu tôn trọng chính công việc mình đang đảm trách, tạo ra hình ảnh xấu cho cơ quan mà mình đang là người đại diện và làm tổn hại đến sự uy nghiêm của pháp đình”, cựu kiểm sát viên nhấn mạnh.
Nhận định về cách ứng xử của kiểm sát viên Nguyễn Văn Thanh, luật sư Nguyễn Thị Tuyến – Giám đốc công ty TNHH Luật Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng: “Mặc dù ông Thanh đã trở lại “ghế nóng” sau màn bỏ về khó hiểu nhưng vẫn cần có biện pháp xử lý kịp thời, tránh làm mất đi sự nghiêm trang cần thiết của một phiên tòa”.
Luật sư Tuyến chỉ rõ: Việc xử lý kỷ luật đối với vi phạm của công chức, viên chức, người lao động thuộc VKSND các cấp trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đã được quy định tại Điều 8, Quy định về xử lý kỷ luật trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định 183/QĐ-VKSTC-T1 năm 2016.
Theo đó, người nào không thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc bỏ vị trí công tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà không có lý do chính đáng gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Theo quy định tại Quyết định 183, ngoài hình thức khiển trách, người vi phạm còn phải chịu các hình thức kỷ luật khác như: Cảnh cáo, hạ bậc lương (áp dụng đối với công chức), giáng chức (áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý), cách chức (áp dụng đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; công chức giữ chức danh kiểm sát viên, điều tra viên, kiểm tra viên) và buộc thôi việc.
"Sự việc diễn ra tại TAND tỉnh Gia Lai là hi hữu. Tuy vậy, những người tiến hành tố tụng cần rút kinh nghiệm và phải luôn trau dồi kiến thức cũng như cách hành xử đúng pháp luật để giữ sự uy nghiêm của chốn pháp đình", luật sư Tuyến nhấn mạnh.
Việt Hương