Sau 2 ngày ban hành, ngày 26/7, bộ Y tế đã khẩn cấp thu hồi công văn về việc “Tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu”. Dù chỉ “sống” trong thời gian ngắn ngủi, nhưng văn bản này đã tạo thành “sóng ngầm” trong dư luận và xã hội.
Nhiều người thấy lạ khi văn bản giới thiệu cụ thể tên thuốc, thực phẩm chức năng thậm chí có những sản phẩm năm trước được cảnh báo không có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19 cũng được đưa vào danh sách.
Theo văn bản này, tại hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu được ban hành kèm theo công văn này, bộ Y tế công bố 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19, đồng thời, ra một số danh mục sản phẩm khác như: Sản phẩm sát khuẩn, thuốc xịt họng, gel rửa tay khô thảo dược, nước súc miệng...; các sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe.
Những thông tin trên hoàn toàn trái ngược nhau, lại được đưa ra chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, khiến dư luận hết sức băn khoăn. Chỉ trong 1-2 ngày đã xuất hiện dấu hiệu về việc doanh nghiệp nâng giá các sản phẩm có tên trong danh mục được giới thiệu.
Theo lý giải của ông Nguyễn Thế Thịnh (Cục trưởng cục Quản lý Y dược cổ truyền, bộ Y tế), sau khi công văn này được ban hành, đã nhận được thông tin phản ánh về một số nội dung chưa phù hợp, gây hiểu nhầm, có nguy cơ tích trữ, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và tâm lý người dân.
“Sau khi tiếp nhận các thông tin phản ánh và sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ liên quan đến công văn này, chúng tôi đã rà soát lại nội dung. Với vai trò là cơ quan tham mưu, chúng tôi nhận thấy đây là sơ suất trong quá trình soạn thảo, tham mưu trình lãnh đạo Bộ ban hành, dẫn đến một số nội dung chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng”, ông thông tin.
Tuy nhiên, một nhầm lẫn theo kiểu “có lợi cho doanh nghiệp nhưng có hại cho dân” như vậy, có thực sự chỉ do lỗi soạn thảo văn bản?
Nếu quả như vậy thì đúng là câu nói hài hước trong chương trình Táo Quân: “Nghề đánh máy là một nghề nguy hiểm” cũng có cơ sở nhỉ?!
Trong số các sản phẩm được đề cập, công ty cổ phần Sao Thái Dương có 3 sản phẩm, trong đó có viên uống Kovir với tác dụng tăng cường sức đề kháng.
Đáng lưu ý, sau khi có công văn này xuất hiện, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Sao Thái Dương đã ký thông báo giá sản phẩm gửi đến quý khách hàng, với giá bán 1.000.000 đồng/hộp viên nang cứng Kovir (gồm 2 vỉ x 15 viên). Trong khi, trước đó, giá 1 hộp viên nang cứng Kovir tại các cửa hàng thuốc chỉ dao động từ 100.000-250.000 đồng/hộp.
Cũng liên quan đến sản phẩm được “thổi giá lên cao” này, gần 1 năm trước ngày 14/9/2020, trên website của cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) có cảnh báo: Thông tin sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir có hiệu quả cao đối với các bệnh virus từ sau lần uống đầu tiên; hỗ trợ điều trị Covid-19, là không chính xác, bởi không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị Covid -19.
Vậy tại sao, trong danh mục mới viên nang Kovir (viết có khác Covid giữa chữ K và r nhưng phát âm lại giống nhau) liệu có phải chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên hay cố tình gây nhầm lẫn đánh vào tâm lý phòng bệnh của người dân?!
Cũng trong danh mục 12 sản phẩm, dư luận đặc biệt chú ý đến sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất, vốn được biết đến với công dụng phòng và điều trị thiểu năng tuần hoàn não, mất thăng bằng, đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay... Ấy vậy, nó lại được đưa vào danh mục tăng cường, phòng chống Covid-19, bệnh do virus Sars-CoV-2, lây qua đường hô hấp.
Vấp phải những thắc mắc từ phía dư luận, ông Cục trưởng chỉ lý giải một cách sơ sài: “Sản phẩm hoạt huyết không phải là thuốc điều trị Covid-19 mà là sản phẩm trong danh sách đơn vị tài trợ, nên chúng tôi hướng dẫn sử dụng”.
Lý giải như vậy, thì quả là những người làm y tế như ông đang quá xem nhẹ sức khỏe của người tiêu dùng. Hay đó chỉ là một cách để “nhập nhèm”, “đánh lận con đen”?
Một sản phẩm không có công dụng đối với dịch bệnh nhưng chỉ cần “nằm trong danh sách” là sẽ đưa ra, không có ghi chú cụ thể, rõ ràng. Làm như vậy, thì người dân biết kiểm chứng ở đâu? Và nếu không kiểm chứng, cứ một mực tin dùng mà tự ý mua về sử dụng không đúng cách nguy cơ gây ra hậu quả khó lường.
Ai đó AQ sẽ tỏ ý thông cảm, các sản phẩm trong danh mục kia “không bổ ngang thì cũng bổ dọc”, cũng đều là thuốc, là sản phẩm chức năng có tác dụng bổ trợ, cứ mua về dùng cũng tốt. Nhưng nên lưu ý rằng, khi chỉ mới có một chút thông tin về sản phẩm nằm trong danh mục mà giá đã được đẩy lên gấp mấy lần, thì không thể xem nhẹ.
Những thông báo “nhầm lẫn” như vậy không chỉ “châm ngòi” cho nạn đầu cơ tích trữ, gây ra một “cơn sốt” khan hiếm để đẩy giá lên chót vót, mà sau cùng sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng trên thị trường và sự bất ổn trong tâm lý người dân. Không ít người gọi thẳng, đó là sự trụ lợi bất chính trên túi tiền vốn đã xác xơ của người dân trong thời dịch khó khăn.
Giữa lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, biết bao chiến sĩ áo trắng đang phải tạm gác việc riêng, xả thân quên mình nơi tuyến đầu chống dịch đang vẽ lên hình ảnh tuyệt đẹp của ngành y tế. Sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành không thể chỉ vì những suy nghĩ như vậy mà bị ảnh hưởng. Những vụ ăn chặn hay “thổi phồng” giá thiết bị y tế, những dấu hiệu của lợi ích nhóm vẫn chưa đủ để trở thành bài học lớn hay sao?
Điều cần nhất chính là bộ Y tế phải đi đến cùng sự việc, làm rõ động cơ và xử lý thích đáng, ngăn tiền lệ xấu cho những kiểu “nhầm lẫn” lạ lùng.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
Lê Duyên