Ăn mày "chảnh" và độc
Là khách quen trà chanh ở Ngã Tư Sở (Hà Nội) thì không ai là không quen với một bà ăn xin luôn biết mỉm cười với câu cửa miệng "cảm ơn các cô, các cậu". Người mảnh khảnh, ăn mặc hơi lôi thôi nhưng bà lão lúc nào cũng thường trực một nụ cười rất tươi. Người ít tiền cho 2.000 đồng đến 10.000 đồng, còn khách "sộp" bà có thể câu được 50.000 đồng/người.
Bà cụ ăn xin luôn cười và luôn khơi chuyện khôi hài làm vui lòng khách trước khi nói lời cảm ơn xin tiền
"Cần câu cơm" của bà luôn đi kèm với các dụng cụ là chiếc ca nhựa màu đỏ, chiếc túi nilon xách tay cũng là màu đỏ để đựng tiền. Nhiều vị khách phán bà cụ là "tín đồ đỏ". Ngay cả đến những người khó tính nhất cũng khó có thể từ chối bà cụ. Bà không hề "ngán" với sự từ chối thẳng thừng là những cái lắc đầu. Thậm chí cả khi bị xua đuổi, bà cụ vẫn đứng lại, "hóng" để nhanh chóng bắt chuyện khiến họ không còn cớ nào từ chối lời cảm ơn của bà thêm một lần nữa.
Khi đã "nặng" ca đỏ, bà lão "xì teen" lẩn nhanh vào góc khuất, mải mê với những tính toán riêng: "Hôm qua bị lệch một con cuối", "đêm nay có mơ được con nào không"... Hóa ra, đằng sau nụ cười niềm nở và những câu chào hỏi rất lịch sự lại là một đệ tử trung thành của lô, đề. Mỗi tối, khi băng qua đường để tìm đến với những điểm ghi lô, đề với túi tiền trong tay, bà cụ lại hí hửng hi vọng vào niềm vui trúng lớn. Những người biết sự thật chỉ còn lắc đầu ngao ngán.
Độc đáo phải kể đến người ăn xin dọc từ Nhà Chung qua thư viện Hà Nội vòng lên Quang Trung và cả quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, ông ngửa tay xin tiền mọi người nhưng chỉ với 1.000 đồng. Người đàn ông này vào khoảng 40-50 tuổi, người gầy, thường mặc một bộ đồ cũ, dáng trông như người miền ngược. "Lộ trình" xuất hiện của người đàn ông này từ lúc chập tối cho đến khuya. Ông ta đi từ quán này đến quán khác với một túi vải cũ đeo ngang vai. Gặp ai, ông ta cũng khoanh tay lại chào và sau đó chìa một tay về phía khách: "Cho tôi xin một nghìn".
Điều khiến nhiều người ngỡ ngàng, nếu cho nhiều hơn 1.000 đồng, ông ta sẽ trả lại. Anh Tùng ở Thanh Xuân cho biết: "Tôi thử đưa cho anh ta 50.000 đồng thì anh ta trả lại đúng 49.000 đồng, sau đó có hỏi gì thì anh ta cũng chỉ cười". Một vài người khách bộ hành vui tính thấy người ăn mày khác thường này thì gọi khôi hài là "chảnh", "ăn mày có tự trọng" hoặc "nhà kinh tế học hiện đại". Đôi khi gã ăn mày "chảnh" cũng trả lời bâng quơ câu hỏi của khách: "Nhà em thiếu tiền, đói quá nên phải đi xin của rơi của vãi của các anh các chị". Thực ra, ông ta chỉ xin 1.000 đồng nhưng khi dạo quanh một quán cà phê, người đàn ông này đã có thể xin tới cả mấy chục ngàn mà không làm những người cho khó chịu.
Ăn mày có bài bản
Những vị khách thường xuyên xuất hiện ở khu vực chuyên bán trà chanh ở cạnh Nhà Thờ Lớn - quận Hoàn Kiếm sẽ quen với hình ảnh một người cha dắt con mù đi ăn xin. Người tinh ý có thể dễ dàng nhận ra "hai cha con" hành nghề khá chuyên nghiệp. Nếu ai đó đáp lại cái ngả mũ xin tiền bằng cách dửng dưng hoặc buông một lời - "không có" sẽ được đáp trả bằng ánh mắt liếc xéo ranh mãnh của người con mù. Sau đó, họ nhanh chóng đi đến bàn khác "đóng kịch". Gặp bố con người mù này, không ít người cảm thấy khó chịu và tự hỏi chẳng biết mùa thật hay mù giả?
Quanh những quán nhậu, quán ăn ở quận 1, quận 3 của Sài Gòn, khách khứa không còn lạ gì với cảnh những người phụ nữ trẻ, già ẵm trên tay một em bé nhỏ đi hết bàn này đến bàn khác để xin tiền. Điều đặc biệt là những đứa trẻ này luôn ở trong trạng thái ngủ li bì, dù nhạc hay tiếng ồn có lớn đến đâu thì các em vẫn "vô tư" ngủ trên tay "mẹ", "bà". Dù biết là chiêu trò nhưng những người khách tốt bụng vẫn không thể nào từ chối, chỉ muốn "hai mẹ con" nhanh chóng rời đi để tránh phải nhìn thấy cảnh đau lòng.
Ở các thành phố lớn, khu vực mà các đối tượng ăn xin tập trung thường là những khu vực tập trung đông khách như quán cà phê, quán bia, quán vỉa hè dân dã. Ở những địa điểm này, những người "bị xin" phần lớn đều là bình dân, xởi lởi và không muốn bị làm phiền nhiều. Thời gian hoạt động chủ yếu của những "tay ăn xin già lõi" thường vào đầu giờ tối cho đến khuya là thời gian của những cuộc gặp gỡ chuyện phiếm. Chiêu đánh vào lòng thương hại của người khác vẫn luôn là chiêu được sử dụng phổ biến nhất và cũng hiệu quả nhất: Giả tàn tật, gặp tai nạn dọc đuờng, cơ nhỡ…, cứ lặp đi lặp lại, thật giả trắng đen lẫn lộn khiến người cho cũng không biết đâu là đúng, là sai. "Lịch sự" hơn, giờ nhiều người không đi xin mà mang vài thứ lặt vặt đi bán mong lòng thương của người khác. Nói là bán- mua nhưng thực chất cũng như cho không.
G.S Ngô Đức Thịnh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam (nay là Viện nghiên cứu Văn hóa Việt Nam) - giám đốc Trung tâm nghiên cứu vấn đề bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng: Hàng năm, số lượng dân cư từ các vùng quê đổ về các khu đô thị lớn để kiếm sống ngày càng nhiều hơn. Một bộ phận trong số họ là trẻ em và người già, người khuyết tật không có sức lao động buộc phải hành nghề ăn xin. Đánh vào tâm lý thương hại và tránh bị phiền phức của người dân, khách du lịch để kiếm sống. Tuy nhiên, cùng với những hoàn cảnh đáng thương có thật thì không ít trường hợp là "ăn mày giả". Những trường hợp này ăn xin chỉ là mục đích phụ, tranh thủ lúc khách không để ý để móc túi, trộm cắp. Nhiều vị khách dở khóc dở cười khi người ăn mày khuất bóng mới phát hiện ra ví tiền, điện thoại của mình không cánh mà bay. Có phản ánh với cơ quan công an địa phương thì cũng khó tìm được lại tài sản của mình.
Cũng theo GS. Thịnh, người già, người tàn tật, trẻ mồ côi đã đành nhưng cũng có nhiều người hoàn toàn khỏe mạnh cũng giả vờ khuyết tật để kiếm ăn. "Nghề" này sức lao động bỏ ra thì ít mà kiên trì, may mắn có thể kiếm được nhiều. Có những "vị ăn mày" nhem nhuốc ở vỉa hè buổi tối, ngày vẫn sống phong lưu hơn khối công chức. Báo chí cũng không ít lần lật tẩy những đường dây ăn mày giả. Điều này bao giờ cũng có hai mặt. Vừa khiến cho người dân cảnh giác hơn với những chiêu trò ăn mày nhưng cũng khiến cho những người khó khăn thực sự ít nhận được sự thông cảm của xã hội.
Mặt khác, vấn đề ăn mày cũng là một trong những trở ngại trong sự phát triển của các thành phố lớn. Vừa làm mất mĩ quan đô thị, vừa làm ảnh hưởng tới hoạt động thương mại du lịch. Một trong những tiêu chuẩn để phân loại đánh giá sự phát triển văn minh của đô thị không loại trừ khía cạnh này. Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng thực thi nhiều biện pháp cứng rắn nhưng "đệ tử cái bang" vẫn tung hoành…
"Sang" như... ăn mày?! Gần đây, người ta đề cập tới những hiện tượng gọi là "ăn mày có tổ chức", "đường dây tổ chức ăn mày"... số người khó khăn thật mà đi xin lại không nhiều. Ăn mày đã thành...nghề! Có người phải chua chát vẫy tay: "Đi ăn mày thời nay còn có tiền đi xe máy, tiêu xài như người khá giả, "sướng" hơn nhiều người đi làm phải chờ lương cuối tháng". |
Bình Minh - Đỗ Huệ