Nơi có nhiều họ "lạ" nhất
Men theo Đại lộ Thăng Long, chúng tôi hỏi thăm đường vào xã Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) để được chiêm ngưỡng những sản phẩm tâm linh tuyệt hảo. Vừa dừng chân hỏi đường, cô chủ quán nước đã nhiệt tình chỉ đường cũng như giới thiệu thêm những điều thú vị, đặc biệt chỉ ở đây mới có. Cô tên Dung, nhà ở xóm Đồng, xã Sơn Đồng.
Ông Nguyễn Trung Đa, phó chủ tịch UBND xã Sơn Đồng
Bằng giọng vui vẻ, cô Dung khẳng định: "Không làng quê nào lại có những họ lạ lùng và độc đáo như ở đây. Cả xã vỏn vẹn khoảng 8.600 nhân khẩu nhưng có tới hơn 30 họ chỉ ở đây mới có: Đức, Chung, Chí, Viết, Doãn, Duy...". Mới nghe kể một số họ như trên, chúng tôi giật mình ngỡ ngàng tưởng đây là làng của người nơi khác di cư tới. Nhìn vẻ mặt ấy, cô Dung mỉm cười: "Không phải làng mới đâu. Sơn Đồng có nguồn gốc từ hàng nghìn năm nay rồi. Không ai biết những họ này ra đời trong hoàn cảnh nào, cũng chẳng có sử sách nào ghi lại các tích ra đời của các dòng họ ấy cả. Nhưng từ đời này đến đời khác, con gái trong làng đều có họ theo tên đệm của cha đẻ".
Theo tìm hiểu của PV Người đưa tin, những họ lạ ở Sơn Đồng có nguồn gốc từ hai dòng họ lớn: Nguyễn, Trần và một số dòng họ khác. Họ Nguyễn được chia làm hai dòng lớn: Họ Nguyễn 6 chi thôn Ngoại (nay chỉ còn 5 chi) và họ Nguyễn 6 chi thôn Nội. Các chi họ Nguyễn bao gồm: Nguyễn Viết, Nguyễn Trung, Nguyễn Bá, Nguyễn Kim, Nguyễn... Thế nên, tính riêng họ Nguyễn đã có tới hơn 11 chi để đặt tên họ cho con gái. Còn lại một số họ khác: Đăng, Bỉnh...
Không biết tục lệ này được hình thành từ khi nào, chỉ biết rằng từ khi có làng đã có tục lệ này. Không gia phả, không ghi chép nhưng tục lệ ấy vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Điều đáng nói ở đây chính là chỉ con gái mới mang họ theo chi còn con trai được giữ nguyên họ chính, tên đệm là chi của mình. Ví dụ: Nguyễn Trung Hiệp mọi người sẽ hiểu đây là họ Nguyễn chi Trung. Cách đặt như vậy chính là để phân biệt các chi trong dòng họ Nguyễn với nhau. Còn con gái thì không được phép lấy họ Nguyễn ở trước mà chỉ được lấy chi ra làm họ.
Nhiều người đi làm ăn xa, định cư ở nơi khác nhưng vẫn giữ phong tục đặt tên họ cho con gái như trên. Thế nên, khi có việc cần xác thực quan hệ huyết thống, gia đình, nhiều người gặp rắc rối lớn. Bởi thông thường, người cha họ nào thì con cái ruột mang họ đó, kể cả khi cha mẹ bỏ nhau. Trường hợp người phụ nữ sinh con một mình thì con cái mang họ của người đó... Do việc bố họ này con họ khác nên chuyện xin giấy tờ, sổ sách của họ gặp rất nhiều rắc rối. Vừa cười, anh Nguyễn Viết Văn vừa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện có thật về người chị gái của anh. Ngày ấy, khi đỗ vào trường sư phạm dưới Hà Nội, khi xuống làm thủ tục nhập học, chị gái anh phải về nhà xin giấy xác nhận của địa phương để chứng minh quan hệ huyết thống với người cha đẻ. Lý do nhà trường đưa ra chính là tại sao cha đẻ họ Nguyễn, con gái lại mang họ Viết?
Nói thêm về điều này, ông Đa khẳng định việc đặt tên cho con gái theo chi họ như trên chỉ phổ biến đối với thế hệ trung niên trở về trước. Ngày nay khi đặt tên cho con gái, giới trẻ có cách biến đổi để phù hợp với xu thế, tránh những rắc rối, rườm rà trong quá trình xác nhận giấy tờ, thủ tục. Hiện con gái ở đây đã được phép lấy tên họ chính của cha như con trai.
Con gái Sơn Đồng ngày nay được lấy họ chính của cha
Mấy chục đời nội tộc cũng không được kết hôn
Không chỉ có nhiều họ lạ, đây còn là mảnh đất thắm đượm tình đoàn kết. Bởi người dân nơi đây vô cùng coi trọng và đề cao quan hệ nội tộc. Với họ, đã "dính dáng" máu mủ, giỗ chạp hay giỗ tổ… vẫn ngồi ăn cỗ cùng nhau thì nam nữ không bao giờ được lấy nhau, dù là họ hàng xa vài chục đời. Ngược lại, ngoại tộc chỉ cần qua 2 đời là có thể lấy được nhau.
Không gia phả cũng chẳng có ghi chép, thế nhưng người Sơn Đồng tuân thủ vô cùng nghiêm ngặt những quy định "bất thành văn" ấy. Thế nên, từ xa xưa đến nay, khi nam nữ thanh niên trong làng có ý định tìm hiểu để tiến tới hôn nhân, ngay trong lần gặp đầu tiên, họ đã phải hỏi nhau đến tận "chân tơ kẽ tóc" về gốc tích gia đình người ấy. Nếu việc này xảy ra ở nơi khác là chuyện vô duyên thì ở đây là "chuyện thường ở huyện".
Nói về điều này, ông Nguyễn Viết Vũ (Khu công nghiệp làng nghề, xóm Đình, xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội) đã kể cho chúng tôi nghe trường hợp dở khóc dở về quy định ấy. Chuyện xảy ra với chính gia đình người em chi dưới trong nội tộc dòng họ nhà ông.
"Gia đình tôi thuộc họ Nguyễn 6 chi thôn Ngoại nhưng nay chỉ còn 5 chi, bao gồm họ Nguyễn Viết, Nguyễn Trung, Nguyễn Bá, Nguyễn Kim và Nguyễn. Áp vào gia phả, tôi thuộc chi Nguyễn Viết. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chính là họ Nguyễn Viết của tôi cũng như các chi khác muôn đời vẫn là họ hàng có cùng chung huyết thống với nhau. Thế nên, con cháu nội tộc họ Nguyễn 6 chi không bao giờ được lấy nhau, kể cả vài chục đời cũng không được lấy. Đây là điều cấm có từ thời xa xưa, do các cụ để lại, bởi theo quan niệm của các cụ, nội tộc có cùng máu mủ, huyết thống. Tuy nhiên, ngoại tộc chỉ cần cháu cô, cháu cậu (tức 3 đời) là lấy được nhau".
Không riêng gì dòng họ Nguyễn, các dòng họ lớn khác ở Sơn Đồng cũng đều có quy định đó. Họ quá lớn khiến hầu hết người dân trong làng đều có quan hệ họ hàng với nhau. Thế nên, đám thanh niên làng luôn tránh chuyện trùng lặp bằng việc đến làng khác tìm hiểu. Rất nhiều đôi nam nữ trong làng khi mới đặt quan hệ tìm hiểu đã vội vã chia tay hoặc chuyển thành bạn bè bởi… có họ với nhau (thanh niên không biết họ hàng, nhưng qua lời nói truyền tai con nhà nọ, con nhà kia..., người lớn biết để khẳng định họ hàng rồi họ mới được phép tìm hiểu tiếp hay thôi). Thế nhưng ra khỏi làng không cẩn thận cũng yêu phải "người cùng huyết thống" vài chục đời.
Vừa cười, ông Vũ vừa kể cho tôi nghe câu chuyện về đứa cháu trai con của anh họ ông. Cách đây mấy năm, cháu ông có tìm hiểu và yêu một cô gái ở làng bên, cách nhà khoảng 4km. Chúng dẫn nhau về ra mắt gia đình, được cả hai bên đều yêu quý. Yêu nhau được một thời gian, gia đình ông có mang cơi trầu sang nhà gái làm cái lễ để đi lại, sau đó đợi ngày lành tháng tốt sẽ tổ chức lễ cưới cho đôi trẻ. Thế nhưng chưa đầy một tháng sau khi mang cơi trầu sang nhà gái, đôi trẻ tự nhiên chia tay mà không hiểu lý do vì sao. Nói đến đây, ông cười: "Cũng may cho chi họ nhà tôi, nếu chúng cưới nhau thì phạm điều cấm kỵ của dòng họ rồi. Cấm mà vẫn phạm phải thì hậu quả vô cùng khó lường".
Rồi ông kể tiếp: "Số là đúng thời gian nhận cơi trầu, họ nhà gái tìm được ngôi mộ tổ bị thất lạc bao đời nay. Trên mộ ấy có ghi là con cháu của dòng họ Nguyễn nhà tôi (Dòng họ Nguyễn có người thất lạc nhưng không rõ ở đâu). Theo suy đoán của tôi, chắc cụ tổ của gia đình ấy đến đó làm ăn rồi định cư ở đó. 5 năm sau khi phát hiện, họ lên mời dòng họ nhà tôi xuống xác nhận họ hàng (tấm bia ấy viết bằng chữ Nho, ghi chép rõ ràng cụ là con thứ 5 của cụ tri phủ, phủ Nam Hà)".
Do có nhiều đôi trẻ yêu nhầm người trong họ nên các ông bố bà mẹ luôn nhắc nhở con cái mình muốn tìm hiểu ai trước tiên phải rành về họ tộc. Sau khi cha mẹ xem xét kỹ lưỡng thì con cái mới được phép đi xa. Mấy chục năm nay, điều này trở thành quy tắc bất di bất dịch. Cũng theo chia sẻ của ông Vũ, ở làng chưa có trường hợp nào lấy phải người trong họ.
Hồng Mây - Yến Dương