Cứu nông dân bằng cách... chế rượu vang
Đó là tiến sỹ Nguyễn Công Ngữ, hậu duệ đời thứ 6 của Nguyễn Công Trứ (ngụ 139 Cầu Giấy, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Người ta nhắc đến ông cũng bởi chữ "ngông" bởi ông đã làm những việc mà chưa ai từng làm từ trước đến nay: Biến hoa quả thành rượu vang - một loại rượu tây hóa. Bên cạnh đó, người ta nhắc đến ông bởi ông là "người hùng của thung lũng trắng".
Khi chúng tôi đến nhà ông, ông đang miệt mài nghiên cứu trong phòng nghiên cứu mini của mình. Căn phòng chỉ rộng chừng vài mét vuông, xung quanh là dụng cụ thí nghiệm và các loại rượu ông nghiên cứu ra. Bắt đầu vào câu chuyện, ông mời chúng tôi nếm thử ly rượu vang mơ do ông tạo ra. Ông chỉ về phía tủ đựng rượu nói: "Đây là những thành quả nghiên cứu hơn 20 năm qua của tôi. Chúng đều là những nông sản của Việt Nam mình". Rồi ông kể cho chúng tôi nghe cái duyên đến với danh vị "ông vua rượu vang đất Việt" của mình.
Ngày ấy, vừa nghỉ công tác tại viện Công nghệ sau thu hoạch (năm 2004), nghe tin mận Tam Hoa của người Mèo ở Lào Cai đang có nguy cơ bị "tuyệt chủng", ông khăn gói lên đó. Đến nơi, ông thấy cả một vùng mận trù phú, bạt ngàn đang bị người dân chặt bỏ chỉ còn lại 1/3 diện tích.
Nhìn cảnh người dân chở mận ra đường đổ đi khiến con đường trở nên đen đỏ vì mận, ông thấy đau lòng vô cùng. Mận Tam Hoa là đặc sản của Lào Cai, là cây chủ lực giúp người Mèo nơi đây thoát khỏi đói nghèo. Thế nhưng, nó lại đang bị chặt bỏ vì không tiêu thụ được. Thương người nông dân, bằng những kiến thức đã học và tích lũy trong thời gian công tác, ông lao vào nghiên cứu, tìm hướng tiêu thụ mới cho mận Tam Hoa.
Sau hai tuần miệt mài nghiên cứu đến quên ăn, quên ngủ, sau nhiều thất bại vì mận Tam Hoa cùi dày, ngọt đậm nhưng không có mùi nên khi chế rượu không có mùi thơm hấp dẫn, cuối cùng, ông kết hợp mận Tam Hoa với mận Tả Van (một loại mận bản địa) có mùi thơm đặc biệt thành rượu vang. Trước đó, ông đã có kinh nghiệm chế biến quả mơ thành rượu vang theo đơn đặt hàng của công ty Cổ phần xây lắp phát triển Nông Lâm Việt Nam.
Ông Nguyễn Công Ngữ bên bằng khen Quốc tế năm 2007 trong việc nghiên cứu, sáng chế thành công rượu cognac hạnh nhân làm từ hạt mơ có thể phòng chống bệnh ung thư.
Nhờ công của ông, mận Tam Hoa của Lào Cai tồn tại đến ngày nay và trở thành đặc sản. Nhắc đến loại quả này, người ta không chỉ nghĩ đến vang mận mà còn nhắc đến mứt mận, ô mai mận... Đối với ông, được đi sâu vào đời sống của người nông dân, được nghiên cứu, tìm hướng đi mới cho họ là một điều vô cùng hạnh phúc. Ông hạnh phúc khi được giúp người nông dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
"Còn nhớ những ngày mới đặt chân lên đây, nhìn cảnh người dân đi đổ mận, tôi đau đớn vô cùng. Tôi đau một nhưng họ đau mười. Làm sao không đau đớn, xót xa khi niềm hi vọng chỉ là thứ bỏ đi, vun đắp để đợi ngày thu hoạch nhưng thu hoạch xong là đổ đi... Đây chính là động lực thúc giục tôi phải mau chóng cho ra kết quả để "cứu" họ. Họ nghèo lắm, nghèo tới mức mà có cháu bé, chỉ được tôi tặng một cây bút chì thôi mà cháu bé ôm cổ và nằng nặc kéo tôi về nhà chơi để cảm ơn", ông Ngữ kể.
Thành công trong việc biến mơ, mận thành rượu vang, ông tiếp tục nghiên cứu các loại quả khác của Việt Nam. Đối với ông, bất kể loại hoa quả nào có vị ngọt đều có thể làm rượu được. Ông thường bảo Việt Nam là một nước có nhiều vùng tiểu khí hậu nên thực vật, cây trái vô cùng đa dạng. Gần như vùng nào cũng có cây quả đặc sản, thế nên, trong hơn 20 năm qua, ông đã nghiên cứu thành công rất nhiều loại vang hoa quả: Thanh long, táo ta, táo mèo, nhân cộng vỏ quả cà phê...
Không chỉ nghỉ hưu mới nổi danh mà ngay từ những năm còn công tác trong viện Công nghệ sau thu hoạch, ông đã nổi danh do phát minh ra loại sợi lương thực. Ngày ấy, Việt Nam đang trong thời kỳ chiến tranh, lương thực thiếu trầm trọng, phải nhận viện trợ từ nước ngoài. Trong số hàng viện trợ khi ấy, ngoài lúa mì ra còn có thêm tiểu mạch chưa được chế biến. Hàng viện trợ không đủ cung cấp cho người dân cả nước, người ta phải ăn sắn thay cơm. Người lớn ăn sắn không sao nhưng trẻ em ăn thì bị táo bón.
"Ngày ấy hàng triệu trẻ em ăn sắn bị táo bón, thấy thế, tôi mới nghĩ ra cách trộn sắn, ngô và bột mì với nhau sau đó ép thủy lực thành sợi lương thực. Sau khi ăn thử nghiệm không có ai bị táo bón nữa, tôi được phân công chỉ đạo xây dựng 12 nhà máy chế biến sợi lương thực để cung cấp cho người dân ở Thái Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc...". Sáng kiến này của ông đã nhận được bằng khen của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước khi "nhận" danh vị "ông vua rượu vang Việt Nam".
"Thoái vị" làm... thầy thuốc
Khi đã ở đỉnh cao của vinh quang, ngoài nghiên cứu chế rượu vang, ông còn nghiên cứu, chế biến một số loại thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Ngay từ nhỏ, ông đã được tiếp xúc với y học cổ truyền (bố ông là thầy lang làng chuyên chữa các bệnh về xương khớp, rắn cắn cho mọi người). Thế nên ngoài công việc nghiên cứu chế biến rượu vang, ông dành thêm thời gian để nghiên cứu thuốc chữa bệnh từ những thảo dược vốn có của Việt Nam.
Khi chúng tôi hỏi vì sao ông lại quyết định như vậy, ông mỉm cười bảo: "Cái này là từ thực tế mà thành duyên nghiệp. Cái nghiệp ấy nó vận vào tôi từ ngày còn nhỏ khi chứng kiến bố tôi chữa bệnh cho mọi người. Trong những năm tháng công tác, ngoài công việc chuyên môn, tôi còn nghiên cứu thêm cả thuốc để chữa bệnh cho chính mình và người thân".
Ngày ấy, ông bị gút, mỗi khi phát bệnh, đau đớn vô cùng bởi các ngón chân bị sưng tấy, đau nhức. Bệnh kéo dài được hơn một năm thì ông nghiên cứu ra viên uống được chiết xuất từ một số thảo dược, uống một thời gian ngắn là khỏi bệnh. Cũng trong thời gian này, ông còn chữa cho vợ khỏi các bệnh về đau nhức xương khớp, thế nên bà mới không phàn nàn, ngăn cản ông vì nghiên cứu mà "quên" gia đình.
Một lần khác vào viện thăm người bạn bị tai biến mạch máu não, nhìn bạn nằm bất động trên giường, ông thấy thương vô cùng. Trở về nhà, ông lại tiếp tục lao vào nghiên cứu thuốc giúp cải thiện và chữa bệnh tai biến. Sau một thời gian dài mày mò tìm hiểu, nghiên cứu, ông cho ra đời loại thuốc viên được làm từ nhiều thảo dược quý mang tên tuần hoàn não.
Để làm được điều này là cả quyết tâm lớn cộng thêm lòng thương người mà ông được dạy từ tấm bé. Ngày ấy, cha ông vẫn thường dạy ông phải làm những việc có ích. Ông cụ cũng dặn ông, lớn lên nhớ làm thầy thuốc hoặc thầy giáo, nên ông rất thích nghiên cứu thuốc chữa bệnh cứu người. Khi nghiên cứu thành công thuốc giúp người tai biến có sức khỏe, đi lại được, ông không công bố rộng rãi mà chỉ giúp chữa trong nhà và bạn bè. Ai biết đến nhà nhờ thì ông nhiệt tình giúp đỡ. Những bệnh nhân bị tai biến nằm liệt giường, chỉ uống 6 - 9 viên tuần hoàn não của ông mà có thể chống gậy, ngồi dậy đi lại được.
Anh Nguyễn Văn Hạnh (Nam Định) cho biết, bố anh là ông Nguyễn Văn Thế, 87 tuổi, bị tai biến hồi tháng 10 năm ngoái, điều trị ở bệnh viện Việt Nam - Ba Lan (TP.Vinh, Nghệ An). Sau khi đỡ hơn, trở về nhà được khoảng 2 tháng thì phải đi cấp cứu 2 lần, chuẩn bị đưa ra Hà Nội thì có người quen mách mua thuốc của ông Ngữ. Sau khi uống đến viên thứ 9 thì ông Thế đi lại được. Kể đến đây, anh Hạnh nói: "Tôi nghĩ bố tôi đi lại được là do thuốc của ông Ngữ. Trước đó, tôi có mua cho bố tôi 3 viên an cung ngưu hoàng hoàn đồng nhân đường của Trung Quốc với giá 800.000 đồng/viên về uống nhưng không có chuyển biến.
Vậy mà chỉ uống 9 viên thuốc của ông Ngữ với giá 50.000 đồng/viên thì cụ lại khỏi". Không riêng ông Thế khỏi bệnh mà ông Nguyễn Hữu Sinh (60 tuổi, thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, Cam Lộ, Quảng Trị) uống thuốc của ông gần 1 tháng thì có thể ngồi dậy, đang phục hồi dần...
Ngoài nghiên cứu và chế tạo ra các loại thuốc chữa bệnh đau nhức xương khớp, gút, tai biến mạch máu não..., ông còn là người sáng chế ra gạo lứt nảy mầm. Đây là một phát kiến tình cờ ông phát hiện ra. Khi ông bị ốm, vợ ông nấu cháo đậu xanh cho ông ăn. Lúc đãi đỗ ở bể nước, ông từ nhà xuống thấy nhiều đậu xanh quá liền bảo vợ nấu một nửa còn một nửa đem phơi. Sáng hôm sau, ông thấy nửa đậu xanh kia nảy mầm, từ đó nung nấu ý tưởng nghiên cứu gạo lứt nảy mầm phục vụ cho cộng đồng (gạo lứt nảy mầm có tác dụng rất tốt với người bị tiểu đường, dạ dày, người già ốm... vì nó có chất chống lão hóa, giảm huyết áp, dễ tiêu...).
Giúp người là hạnh phúc Đối với ông, được giúp đỡ người khác là điều vô cùng hạnh phúc. Thế nên chẳng quản ngại tuổi cao hay kinh tế, ông luôn miệt mài nghiên cứu, sáng chế các sản phẩm có ích để phục vụ cộng đồng. Đối với ông, những thành công mà ông đã gặt hái được suốt mấy chục năm qua vẫn chưa thấm vào đâu so với cái mà xã hội cần nên ông vẫn miệt mài làm việc, miệt mài nghiên cứu. |
Hồng Mây