Trong thi cử Nho học thời xưa có hiện tượng một số người sức học bình thường nhưng lại đỗ đạt, người học giỏi thì trượt hoặc có những người nhờ vào vận may mới đỗ đạt cao rồi làm quan, trở thành những nhân vật nổi tiếng. Sách vở và giai thoại dân gian còn cho biết nhiều chuyện thú vị liên quan đến việc thi cử của các sĩ tử; một trong số đó là câu chuyện lạ về chuột báo ơn tiến sĩ Vũ Miên.
Tiến sĩ vinh quy về làng. Tranh minh họa.
Ông nghè giỏi lịch sử
Tiến sĩ Vũ Miên (1718 – 1782) người làng Liên Trì, xã Xuân Lan, huyện Lương Tài, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Dòng họ ông vốn gốc họ Vũ ở làng Mộ Trạch, xứ Hải Dương, sau di cư đến lập nghiệp ở Lương Tài, đến Vũ Miên là đời thứ bảy.
Năm 31 tuổi, Vũ Miên đi thi hội khoa Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) đời Lê Hiển Tông và đỗ đầu (Hội nguyên), rồi thi Đình đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Khi vinh quy về quê hương, dân làng đã đón rước ông bằng một bức trướng lớn viết dòng chữ:
Triệu thuỷ tích tòng Đông Mộ Trạch
Thành danh kim thị Bắc Lương Tài.
Nghĩa là:
Mở đầu xưa từ Mộ Trạch trấn Hải Đông
Thành danh nay ở Lương Tài xứ Kinh Bắc.
Cá chép vượt Vũ Môn. Tranh cắt giấy.
Sau khi đỗ đạt, Vũ Miên được bổ làm quan trải các chức Lại bộ Tả thị lang kiêm Tế tửu Quốc tử giám, Tổng tài Quốc sử quán, Hành tham tụng, tước Liên Khê hầu, Nhập thị bồi tụng. Ở trên cương vị nào, Vũ Miên cũng dốc lòng, hết sức vì công việc, sống nhân ái, gần gũi với nhân dân; có lần về quê ông đã mời tất cả con nợ trong tổng đến ăn cơm và đốt hết mọi giấy nợ, xóa nợ cho mọi người.
Trong các lĩnh vực hoạt động, Vũ Miên có nhiều đóng góp lớn với ngành sử học. Năm Ất Mùi (1775), ông được làm Tổng tài Quốc sử quán, chủ trì việc biên soạn bộ Quốc sử tục biên, sau đó cùng một số người như Phan Trọng Phiên, Uông Sĩ Lãng...soạn Đại Việt lịch triều đăng khoa lục liệt kê danh sách những người đỗ đạt trong một số khoa thi. Ngoài ra Vũ Miên còn là người rất giỏi văn thơ, tác phẩm của ông nổi tiếng có thể kể tới tập Bắc sứ tự thuật ký, còn thơ được tuyển chọn nhiều bài trong Việt thi tục biên.
Năm Nhâm Dần (1782) khi đang giữ chức Hành tham tụng Tả thị lang bộ Binh, ông ốm nặng, chúa Trịnh Sâm nghe tin liền sai trung sứ đến thăm, hỏi những điều mà ông muốn giãi bày. Mặc dù sức rất yếu nhưng Vũ Miên vẫn cố gượng dậy, ông tự tay viết tờ khải nói những chuyện được mất, thẳng thắn chỉ ra nguy cơ gây hại cho việc triều chính, khuyên chúa không nên vì quá yêu Tuyên phi Đặng Thị Huệ mà bỏ con trưởng (Trịnh Tông) lập con thứ (Trịnh Cán) nếu không sẽ gây họa hoạn không lường trước được.
Viết xong ông mất, thọ 65 tuổi, triều đình thương tiếc truy tặng chức Thượng thư, ban tên thụy là Ôn Cẩn.
Chuột báo đáp ơn
Là một nhân vật có danh tiếng nên xung quanh cuộc đời, sự nghiệp của Tiến sĩ Vũ Miên có nhiều giai thoại; trong cuốn Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ ghi lại một câu chuyện kỳ lạ liên quan đến việc đỗ đạt của ông như sau:
“Vũ Miên người Liên Trì khi nhỏ học rất tối tăm, suốt ngày đọc đi đọc lại chỉ được một trang sách mà vẫn cố sức học mãi không thôi, về sau cũng nổi tiếng văn học trong thời ấy; nhưng văn chương ông nghèo nàn, viết suốt ngày vẫn thường không đủ.
Khoa thi năm Mậu Thìn (1748), vào đến trường đệ tứ, ông gặp đề bài đều nhớ cả nhưng viết không kịp, đến xẩm tối mới nộp xong quyển thi mà đi ra. Về đến nhà trọ, cởi áo ra nghỉ ngơi, xem lại thì thấy nộp nhầm quyển nháp, còn quyển chính có đóng dấu vẫn còn ở trong ống. Bấy giờ ngồi than thở ân hận mãi, sau đem những đoạn văn làm ban ngày ra nhuận sắc, viết lại tinh tươm vào quyển có đóng dấu. Trời gần sáng thì viết xong rồi chợp mắt, ngủ mãi đến trưa mới tỉnh dậy. Xem trong ống quyển thì quyển văn có đóng dấu ấy không thấy đâu nữa, trong bụng hoang mang, chỉ sợ bộ Lễ đòi quyển có dấu thì không biết lấy đâu ra mà trả lại được. Bàng hoàng lo sợ tới năm bảy ngày. Đến khi yết bảng thì thấy tin đồn rằng ở Liên Trì có Vũ Miên đỗ Hội nguyên, ông vẫn không tin bèn đến đình Quảng Văn xem yết bảng, quả nhiên có tên mình thật.
Ông vừa vui mừng vừa kinh ngạc, không biết duyên cớ làm sao. Có người bảo rằng: Nhà ông ba đời không nuôi mèo cho nên được báo cái ơn ấy, chẳng biết có phải không?”.
Việc chuột báo ơn, mang quyển thi của Vũ Miên đến để vào nơi chấm thi đem lại vận may đỗ đạt chỉ là câu chuyện hoang đường. Tuy thời xưa có nhiều người mê tín nhưng có không ít thí sinh bằng thực lực, tài năng và trí tuệ của mình đã thi đỗ, giành được học vị cao, Vũ Miên là một trường hợp như vậy. Ông thành đạt do khổ công rèn luyện, học tập để rồi trở thành một vị quan xuất sắc, tha thiết với việc dân việc nước… Thế nên câu chuyện trên chỉ là một giai thoại vui về Tiến sĩ Vũ Miên được dân gian xây dựng, nó cũng như bao giai thoại nhuốm màu sắc lạ kỳ về các danh nhân trong lịch sử Việt Nam mà chúng ta đã biết.
Theo Kiến thức