Lạ lùng tết trẻ em bị... đuổi đi chăn trâu

Lạ lùng tết trẻ em bị... đuổi đi chăn trâu

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Cứ mỗi khi đến tết xíp xí, trẻ con người Thái sẽ được người lớn thỏa mãn mọi yêu cầu, dù là nhỏ nhất.

Trẻ con không được ăn tết

Tết xíp xí được xuất xứ từ một truyền thuyết lâu đời của người Thái. Theo tục lệ xa xưa, vào ngày tết Nguyên đán, trẻ con không được ở nhà. Chúng bị người lớn "lùa đi" chăn trâu, chăn ngựa đến tối mờ mới được về nhà. Tết chỉ dành riêng cho người lớn, và như thế, trẻ con không hề được biết đến ngày tết cổ truyền dân tộc.

Những ngày gần tết, trẻ nghe thấy người lớn bàn nhiều đến món ăn ngon đã đánh thức sự háo hức, mong chờ của trẻ thơ. Nhưng đến ngày tết, chúng chỉ biết thèm thuồng theo đuôi đàn trâu, đàn ngựa vào trong rừng.

Ba ngày tết, trẻ con đều phải đi chăn trâu đến tối mịt. Khi cúng về đến nhà thì cũng là lúc bữa tiệc tết kết thúc. Trẻ còn chỉ còn biết đứng khép nép dưới nhà ngóng trông sự ban phát từ bữa tiệc tết của người lớn. Nhưng sự ngóng trông đó trở nên vô vọng khi bữa cơm đưa đến chỉ là một bát cơm rau như thường nhật. Bàn tiệc còn dư thừa rất nhiều món ngon vật lạ bên hũ rượu nồng nhưng trẻ con chỉ biết đó là của người lớn và mình không được phép.

Món ăn duy nhất mà trẻ con được thưởng thức vào ngày tết Nguyên đán là món cơm nếp nhiều màu. Một món không thể thiếu trong các ngày lễ, tết, cúng bái của người Thái. Món cơm nếp này không chỉ tượng trưng cho nét văn hóa đặc trưng của đồng bào mà nó còn thể hiện sự đủ đầy cho vụ mùa sau của người dân tộc. Con trẻ được hưởng đặc sản của vùng miền mình thì sẽ thừa hưởng được những đức tính truyền thống tốt đẹp.

Sự cần cù, chịu thương chịu khó làm ra hạt gạo, sự thông minh trong việc kết hợp cây lá rừng để làm ra món cơm nếp màu cho dân tộc và sự khéo léo trong việc đồ xôi để có gói cơm thơm dẻo…

Sự kiện - Lạ lùng tết trẻ em bị... đuổi đi chăn trâu

Trẻ con người Thái đang háo hức đón tết xíp xí

Với cuộc sống nghèo khó, vô hình trung chúng bị mất đi quyền được chăm sóc yêu thương của người lớn. Văn hóa ngày tết xưa của người Thái chủ yếu được tổ chức quanh bầu rượu. Khi nhập tiệc rượu, người lớn say sưa ồn ào nên họ quên lũ trẻ chăn trâu ngoài rừng và cũng quên không phần cỗ chúng.

Lũ trẻ tủi thân và tìm cách trả thù bằng cách: buộc mõm tất cả trâu, ngựa lại không cho ăn cỏ. Từ đó, để sửa sai, người Thái mới lấy ngày 14/7 làm một ngày tết riêng cho trẻ con.

Sự thèm thuồng món ngon ngày tết đã trở thành mơ ước của con trẻ. Chúng mong ước nhanh chóng được trở thành người lớn để được nếm các món ngon mà chúng chưa từng biết mùi vị. Và trên tất cả chúng mong trở thành người lớn để có quyền được hưởng mọi thứ chúng thích, không bị kìm hãm bởi bất cứ "quyền lực" nào. Chính những ước muốn quá giản dị đó đã ra đời tết xíp xí - tết dành riêng cho trẻ con.

Và theo truyền thuyết này, hằng năm người Thái kế tục và duy trì đến tận bây giờ. Cứ đến ngày 14/7 âm lịch hàng năm là nhà nhà làm cỗ cúng tết cho trẻ con. Vào ngày này trẻ con là nhân vật chính, tùy vào điều kiện của từng gia đình có thể tổ chức tết to, nhỏ khác nhau nhưng không thể thiếu đi các món ăn truyền thống trước kia của người Thái. Đặc biệt nhất là lễ cúng vía trâu mang một ý nghĩa rất đặc trưng cho ngày tết này.

Lễ cúng này ngoài ý nghĩa tâm linh con trâu là tài sản quý phải được thần linh che chở, bên cạnh đó còn ghi nhận công việc chăn trâu của trẻ con. Qua đó như một sự giải thoát cho con trẻ thoát khỏi sự vất vả để được hưởng sự yêu thương, bao bọc của gia đình trong những ngày lễ của năm. Sau khi cúng lễ xong con gà sẽ dành cho bọn trẻ chăn trâu trong gia đình.

Mỗi đứa sẽ được thưởng một con gà, chúng rủ nhau mang lên đồi tự liên hoan mừng ngày tết xíp xí. Ngày tết này trâu, ngựa được nhốt ở nhà do người lớn chăm sóc, còn trẻ con được thoải mái nô đùa, lên đồi chơi cả ngày với đủ trò chơi dân gian mà chúng thích.

Ngày tết đoàn tụhai cõi âm - dương

Tết xíp xí đối với đồng bào Thái (cả người Thái đen và người Thái trắng) đều mang ý nghĩa rất lớn. Ngày 14/7 âm lịch được cộng gộp bởi nhiều ý nghĩa của ngày lễ gia đình. Ngày tết này còn mang ý nghĩa xá tội cho người đang sống. Trong một năm, nếu người nào đó mắc tội, đến ngày tết xíp xí có thể trình giải những lỗi lầm mình mắc phải để được các cụ tổ tiên cứu giúp.

Người Thái cũng quan niệm tháng 7 là tháng mưa lũ, có thể xảy ra nhiều tai ương nên phải hội tụ con cháu về nhà bên mâm cơm để được tổ tiên căn dặn và nhắc nhở. Tháng 7 là thời điểm khi vụ mùa đã hoàn thành, con trâu, con ngựa được nghỉ ngơi, và đây là thời điểm tốt nhất con người cần được ngồi lại để tổng kết những thành quả, rủi ro và cảm ơn các thánh thần.

Tết xíp xí cũng mang ý nghĩa như ngày lễ vu lan nhưng ở khía cạnh rộng hơn là tưởng nhớ đến tổ tiên, đến những người đã khuất, những người đã có công tạo lên những phong tục bản sắc cho họ.

Người Thái quan niệm con người luôn tồn tại trong hai tầng của vũ trụ: Tầng đất và tầng âm phủ. Người sống tồn tại trên đất, còn người chết thì tồn tại dưới âm phủ. Nhưng họ đều có thể gặp nhau trong những ngày lễ tết, lúc người sống tưởng nhớ đến người chết qua những câu niệm, nén hương. Vì họ suy nghĩ khi người chết ra đi về cõi âm nhưng vì thương con cháu nên họ vẫn có thể che chở cho người sống được.

Và chính quan niệm này mà tục cúng lễ vào ngày tết xíp xí là truyền thống bắt buộc không thể thiếu ở mỗi gia đình người Thái.

Kế tục và thừa hưởng nhiều ý nghĩa của các ngày lễ, ngày nay tết xíp xí của người Thái vừa mang nhiều dấu ấn của ngày đoàn viên gia đình. Tuy nhà nào cũng phải có mâm cơm cúng ngày tết xíp xí nhưng mâm cỗ chính lại chỉ được quy tụ chung về nhà ông bà.

Đến ngày 14/7 âm lịch, tất cả con cháu, dâu, rể đều phải họp mặt đầy đủ về nhà ông bà vào buổi sáng để tham gia mâm cỗ tết xíp xí. Mọi người quây quần bên mâm cơm với chén rượu chúc nhau sức khỏe, công danh và may mắn. Đến buổi chiều không khí ngày tết dịu xuống với các bữa tiệc nhỏ tại mỗi gia đình thành viên.

Bình Minh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.