“Thần y” bịt mặt, “cò mồi” vây quanh bệnh nhân
Phải năm lần bảy lượt qua dinh thự của “thần y” Phùng Đắc Chung ngự tại làng Hạ, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, PV báo Người Đưa Tin mới “lọt” được vào hàng ngũ những người xếp hàng chờ tới lượt được “thần y” Chung bắt mạch, bốc thuốc. Vị “thần y” này tự cho mình có khả năng chữa bách bệnh và để giữ “uy tín” nên đã đặt ra những quy định ngầm.
Luật bất thành văn, bệnh nhân nếu muốn được thầy khám phải đặt số từ trước, không có số thì dù nhà ở xa, bệnh nặng tới đâu, đội ngũ “cò mồi” cũng không cho vào gặp “thần y”. Nhiều người vì không nắm được “luật” đành ngậm ngùi ra về hoặc phải thuê trọ trong những căn phòng nhỏ được xây kế sát dinh thự của “thần y” để chờ lấy số.
Theo quan sát của PV, trên tường của ngôi biệt thự mà “thần y” đang dùng làm nơi hành nghề khám bệnh, bốc thuốc cứu người có dòng chữ: “Muốn được khám bệnh thì liên hệ số điện thoại: 09741033xx - 01666822xx, chỉ gọi từ 7h - 8h tối. Khóa máy là hết số”. Qua tìm hiểu, PV được biết, chỉ khi nào bệnh nhân đã qua cửa “cò mồi” thì mới có cơ hội diện kiến “thần y” và dù có đông khách đến mấy, “thần y” Chung cũng chỉ tiếp bệnh nhân tới 11h hàng ngày.
Lần đầu tiên, chúng tôi tới nhà “thần y” mà không hẹn trước. Một người phụ nữ tên Mộc (nhà ngay bên cạnh biệt thự của ông Chung) nhắc nhở chúng tôi lấy số điện thoại của bà mà đặt lịch trước, đảm bảo sẽ được khám không phải mất công đi lại. Vì không tin lời “cảnh báo” của người phụ nữ này nên chúng tôi không đặt lịch, kết quả là phải ra về. Chúng tôi đành phải gọi điện cho cô Mộc. Cuộc gọi đầu tiên vào khoảng 19h, đầu dây bên kia cô Mộc khá gay gắt: “Hết số rồi!”. Mặc cho chúng tôi năn nỉ, mong sự thương cảm nhưng cô Mộc vẫn lên giọng: “Đã bảo hết số là hết số rồi. Lần sau gọi điện đi”, rồi cúp máy. Hôm sau, chúng tôi gọi sớm hơn, lúc này cô Mộc đon đả: “Tên gì, quê ở đâu. Số 23 nhé. Mai nhớ tới sớm”.
Đúng lịch hẹn, như sợ “con mồi” không đến, cứ nửa tiếng cô Mộc lại gọi nhắc lịch cho chúng tôi một lần. Vừa xuống xe khách tại khu vực ngã ba Hợp Thịnh đã có rất nhiều xe ôm vây lấy chúng tôi. Họ túc trực ở ngã ba từ sáng đến tối, chỉ để chở bệnh nhân từ các tỉnh xa đến khám bệnh, điều trị. Họ “thổi” tài nghệ của lang Chung lên tận trời xanh.
Khi chúng tôi đến biệt thự của “thần y” Phùng Đắc Chung, sau một hồi hỏi han, cô Mộc “xin” chúng tôi tiền “cảm ơn”. Theo quan sát của PV, ở đây, hệ thống “an ninh” được tổ chức rất chặt. Từ ngoài cổng vào trong nhà đều được gắn camera, 4- 5 “cò mồi” ngồi quan sát theo dõi nhất cử nhất động của người nhà bệnh nhân.
Phía trên nhà, một người phụ nữ (những người đến khám bệnh nói đó là vợ của “thần y” Chung-PV) đang đứng, tay cầm túi nilon màu đen bọc kín. Nhiều bệnh nhân chưa hiểu “quy định” nên đặt ra những câu hỏi nhưng người phụ nữ này có thái độ không trả lời.
Bí ẩn bài thuốc gia truyền trong túi nilon màu đen
Sau khi vượt qua các cửa ải PV đã được vào phòng khám và mục sở thị cách hành nghề của “thần y” Chung. Theo quan sát của PV, ông Chung ngồi trong một căn phòng cửa đóng then cài, mặt luôn bịt khẩu trang kín mít. Những người đến khám bệnh được xếp theo số thứ tự. Ai được đọc tên sẽ được bảo vệ dẫn vào để “thần y” bắt mạch, khám bệnh... Điều ngạc nhiên, bệnh nhân dù có mắc nhiều bệnh khác nhau nhưng đều được đắp một miếng thuốc lên cổ (nhìn giống miếng cao dán-PV). Theo đám “cò mồi” thì những miếng dán đó là “miếng dán thần”, dù đau nhức đến mấy cũng sẽ khỏi.
Khi khám bệnh, “thần y” không nói năng gì, chỉ sờ tay, bắt mạch. Sau đó, “thần y” ghi những hàng chữ rất nhỏ vào mảnh giấy đã được chuẩn bị sẵn. Bệnh nhân được thăm khám xong, mang mảnh giấy đưa cho vợ “thần y” và khi ra sẽ được cấp một bọc thuốc màu đen.
Theo tìm hiểu của PV, rất nhiều bệnh nhân mắc ung thư cũng tìm đến nhà “thần y” Chung để cậy nhờ nhưng khi được hỏi thì phần lớn người dân xã Hợp Thịnh đều khẳng định, chưa một bệnh nhân nào tới đây trị ung thư mà khỏi bệnh, dù họ ở xa hay gần. Thuốc chỉ là mấy thứ lá cây trên rừng. Thậm chí họ còn tiết lộ các công đoạn thuốc rất mất vệ sinh. Vậy mà người bệnh khắp nơi ai cũng tin, có những ngày, hơn chục ô tô ra vào, đông như đi hội.
Ngồi bên ngoài, ông Lương Đức Phúc (Hà Nam) đang cố van nài vợ “thần y” để mình được khám vì ông đã cố gọi vào 4 số điện thoại được cho là “đường dây nóng” kết nối với “thần y” nhưng không ai nghe máy nên ông đánh liều bắt xe đến. Tuy nhiên, ông Phúc chỉ nhận được cái lắc đầu lạnh lùng của người phụ nữ này: “Lấy số rồi mai tới khám sau”!
Một người phụ nữ kéo ông Phúc ra một góc thầm thì: “Muốn được việc đừng gọi vào mấy số in trên tờ rơi kia, không ai nghe máy đâu. Họ in số lấy lệ thôi. Ông lấy số điện thoại của mấy người gác cổng kia kìa. Họ là “cò” đấy. Đưa họ 50 nghìn đồng là mai được khám. Mất chút tiền nhưng được việc mình còn hơn”.
Ông Nguyễn Văn Hải (67 tuổi, quê Yên Bái) lộ rõ sự mệt mỏi trên gương mặt khi phải chờ tới lượt. Ông bảo, đây là lần thứ ba ông đi lấy thuốc ở đây. Ông bị u vòm họng đã ngót nghét 2 – 3 năm. Ở Yên Bái có nhiều bài thuốc nam nhưng ông vẫn lặn lội đường xa tới tìm “thần y” Chung.
Khi được hỏi về cách bắt bệnh của “thần y” Chung, với kinh nghiệm nhiều lần đi khám, ông Hải bảo rằng, đau chỗ nào, u ở đâu, thầy sẽ sờ nắn ở đó!? Ông Hải rầu rĩ nói: “Tôi uống mãi có khỏi đâu nhưng uống vào thấy nó mát, dịu cơn đau nên bao năm nay theo rồi, giờ cứ theo thôi. Giờ tôi cũng chỉ biết còn nước còn tát thôi”.
Không chỉ riêng ông Hải mà rất nhiều bệnh nhân dù không biết thực hư “biệt tài” chữa bệnh của lang Chung thế nào nhưng vì những lời đồn thổi của “cò mồi” và cũng vì tâm lý “có bệnh vái tứ phương” nên chấp nhận đến đây trao số phận cho “thần y”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh khẳng định, ông Chung không có giấy phép hành nghề y. Thời gian gần đây, ông này có đi học hay không thì phía xã không nắm được vì không ai báo cáo chính quyền địa phương. Ông Đạo cho biết thêm, dù biết “thần y” này không thể chữa được bách bệnh như lời đồn thổi, dù đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản nhưng chính quyền xã Hợp Thịnh đành bất lực vì… dân các nơi họ cứ muốn đến?! |
M.Hằng - N.Huệ