Sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung (gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế) do việc xả thải của công ty thép Formosa gây nên, đời sống ngư dân gặp vô vàn khó khăn. Trước tình hình đó, các nhà khoa học của Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) đã đưa ra ý tưởng sản phẩm “Tour du lịch Formosa” - Huyền thoại cá thép hóa rồng.
Theo thông tin mà phía STDe cung cấp, mô hình này khai thác du lịch theo tư duy đột phá, tập trung khai thác các khía cạnh văn hóa và tinh thần tiềm ẩn của cá và thép để sáng tạo nên những trải nghiệm du lịch độc đáo, hấp dẫn và giàu tính nhân văn. Tour du lịch sẽ đi qua 4 tỉnh, kết nối 5 điểm du lịch quan trọng nhất gắn với cuộc đời và quá trình tu tập của cá - thép trước khi hoá rồng.
Tuy nhiên giải thích cho ý nghĩa của ý tưởng lạ lùng và có phần khó hiểu này của STDe, bà Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững cho rằng: “Vì thương đồng bào miền Trung khi mất cả du lịch, cả cá nên chúng tôi phải nghĩ ra hướng đi khác để giúp người dân có cơ hội công ăn, việc làm, nguồn thu từ du lịch … Ý tưởng này nhằm cứu người dân”.
Bà Hạnh cũng cho biết thêm, toàn bộ hoạt động khoa học này là do phía STDe tự bỏ tiền nghiên cứu chứ không có ai hỗ trợ cả và kiểu “du lịch thảm họa” như thế này thế giới đã làm nhiều rồi.
Tuy nhiên ý tưởng này đã vấp phải ý kiến phản đối của chính những người làm trong lĩnh vực du lịch. Trao đổi với phóng viên báo Người đưa tin, ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc công ty du lịch Hanoi Redtours cho biết: “Thú thật tôi thực sự ngỡ ngàng về cả ý tưởng lẫn tên gọi của dự án này. Đúng là hiện nay trên thế giới người ta tổ chức những Tour du lịch tìm lại dấu tích thảm họa nhưng đó là chuyện đã qua và nó chủ yếu mang tính chất thảm họa thiên nhiên.
Việc du lịch tới đó giúp du khách chứng kiến sự hồi sinh để tìm lại một sự kiện, một bài học. Tôi lấy ví dụ, chúng ta có thể thực hiện những Tour du lịch tới vùng đất từng hứng chịu 2 quả bom nguyên tử ở Nhật. Qua đó người ta sẽ hiểu được nỗ lực phục hồi của người dân nơi đây, hiểu được sự kinh khủng của chiến tranh … Vì thế nó mang tính giáo dục rất cao”.
Thế nhưng nhìn lại sự cố môi trường do Formosa gây ra, ông Hoan cho rằng nó hoàn toàn khác hẳn về tính chất. “Đầu tiên vùng đất này đã hồi sinh chưa? Tiếp nữa là vùng đất đó không phải thảm họa thiên nhiên mà do con người gây nên. Vậy chúng ta dẫn du khách tới đây để chứng kiến sự thiếu trách nhiệm của công ty này à? Bởi thế sự hấp dẫn của điểm đến hoàn toàn không có.
Ngoài ra, tên của dự án nghe cũng rất buồn cười. Thông thường khi nhắc tới tên một dự án du lịch, người ta thường muốn tôn vinh điểm đến đó như một địa điểm hấp dẫn, thu hút. Nó gần như là sự ủng hộ, cổ súy cho điểm đến đó. Ấy nhưng trong trường hợp này, lẽ nào chúng ta lại đi cổ súy cho những vi phạm nghiêm trọng của công ty Formosa? Có thể ý tưởng này sẽ được thực hiện nhưng phải sau khoảng 20 năm nữa khi những thảm họa đã được xử lý triệt để” – ông Hoan nhận định.
Phạm Thiệu