Theo dự thảo nghị định, bên cạnh những thu nhập chính phải chịu thuế TNDN như hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.., còn có nhiều thu nhập khác của doanh nghiệp cũng thuộc diện chịu thuế.
Các khoản thu nhập chịu thuế TNDN bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp đang hoạt động, chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng quyền góp vốn và các hình thức chuyển nhượng vốn khác.
Đề xuất đánh thuế thu nhập đối với tiền gửi ngân hàng đã từng gây nhiều tranh cãi.
Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.
Thu nhập từ quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ, thu nhập từ chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật.
Thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản (trừ bất động sản), trong đó có các loại giấy tờ có giá khác.
Đặc biệt, dự thảo thông tư cũng đưa thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ, chênh lệch tỉ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính, khoản chênh lệch tỉ giá hối đoái phát sinh trong kỳ... vào diện phải nộp thuế TNDN.
Riêng các khoản thu nhập từ việc hoàn nhập các khoản dự phòng, từ bán phế liệu, phế phẩm không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh đang được được hưởng ưu đãi thuế, bộ đề xuất không đưa vào diện áp thuế.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2013, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng đã đề xuất đánh thuế thu nhập đối với những khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng nhằm hướng dòng tiền này vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ngay sau đó, đề xuất này đã chịu hàng loạt chỉ trích của dư luận, người dân và giới chuyên môn vì cho rằng điều này hết sức bất hợp lý, ích kỷ, thiếu hiểu biết, thậm chí thiếu đạo đức. Ít lâu sau đó, đề xuất này đã bị nhiều người quên lãng.
Những “ông vua” tiền mặt Thời gian qua, trong điều kiện kinh tế khó khăn, lãi suất ngân hàng tăng cao, môi trường kinh doanh gặp nhiều trở ngại, nhiều doanh nghiệp đã chủ động sử dụng tiền nhàn rỗi hoặc lợi nhuận để gửi ngân hàng hoặc cho các doanh nghiệp khác vay để hưởng lãi suất. Nhờ vậy, dù kinh doanh còn khó khăn nhưng một số doanh nghiệp vẫn lãi lớn nhờ hoạt động tài chính. Báo cáo tài chính quý II/2013 của các doanh nghiệp cho thấy hàng chục đơn vị có số dư tiền mặt hàng ngàn tỉ đồng được gửi tại các ngân hàng. Điển hình, PV Gas có đến 17.700 tỉ đồng tiền mặt tính đến 30-6, Petrolimex cũng có trên 8.200 tỉ đồng, Masan Group 6.400 tỉ đồng, Vingroup 6.000 tỉ đồng, Đạm Phú Mỹ hơn 6.000 tỉ đồng. Các doanh nghiệp khá quen thuộc khác như Kinh Đô, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, FPT, Vinamilk có từ 1.500 - 4.900 tỉ đồng trong tài khoản. |
Theo Người lao động