Nhà thơ, Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ, biên tập viên Ban Văn học nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV6) mới chuyển cho tôi, trong vai khách mời, một list câu hỏi để chuẩn bị cho chương trình “Đối thoại mở trực tiếp” mà nhà đài sẽ thực hiện vào hạ tuần tháng 9 năm 2023, chủ đề: “Dạy và học môn Văn trong nhà trường phổ thông hiện nay, những chuyện cần bàn”. Một chủ đề lớn và nóng, thực tế là nó luôn khiến cho dư luận xã hội phải sôi lên sùng sục. Và cái list câu hỏi cũng đủ để tôi, kẻ vốn biết rất lờ mờ về những chuyện của giáo dục phổ thông, phải xây xẩm mặt mày.
Chỉ cần lấy một ví dụ thôi, bằng câu hỏi đầu tiên: “Tầm quan trọng của môn Văn trong nhà trường phổ thông?”.
Để trả lời câu hỏi này theo cách phải đạo thì khá dễ. Như Maksim Gorky, bậc tổ phụ của nền văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa từng nhận định chắc nịch: “Văn học là nhân học”.
Vì thế, môn Văn, qua các tác phẩm được dạy trong nhà trường phổ thông, sẽ giúp học sinh hình thành nhân cách, khơi nguồn trí tuệ, mở mang tri thức. Làm giàu có cho đời sống tâm hồn học sinh và vươn dậy sự rung động trước vẻ đẹp của nghệ thuật ngôn từ.
Bồi đắp cho học sinh tinh thần tự tôn dân tộc, niềm yêu tiếng nói của cha ông, mối cộng cảm với đời sống nhân loại v.v... Tất nhiên, không thể bỏ qua một mệnh đề vô cùng quan trọng mà người ta thường nêu ra mỗi khi nói về văn học và môn Văn trong nhà trường phổ thông: hướng học sinh đến Chân – Thiện – Mỹ.
Nhưng điều rắc rối, có lẽ lại chính ở điểm này. Hình như chẳng bao giờ có một bộ tiêu chuẩn Chân – Thiện – Mỹ duy nhất và phổ cập cho tất cả, một bộ tiêu chuẩn Chân – Thiện – Mỹ do Thượng đế ấn chứng và con người cứ an tâm mà thể theo.
Bảo rằng văn học phải hướng đến Chân – Thiện – Mỹ là một cách phát biểu khá hời hợt, nếu không muốn nói là khá tùy tiện. Sự thực là, có những tác phẩm được cộng đồng người đọc (diễn giải) này coi là Chân – Thiện – Mỹ, thì lại bị cộng đồng người đọc (diễn giải) kia coi là Giả trá – Độc hại – Xấu xí, và ngược lại. Đây chính là một trong những nguyên nhân đưa đến những vụ “phần thư” khét tiếng đã từng xảy ra trong lịch sử.
Dĩ nhiên quan điểm về Chân – Thiện – Mỹ để áp vào tác phẩm văn chương có thể mang tính thời điểm, tức là có thể có sự thay đổi trong cách nhìn nhận, đánh giá về cùng một tác phẩm, trong cùng một cộng đồng, ở những thời điểm khác nhau.
Nhưng cũng chỉ khác đến mức tác phẩm từng bị coi là “tà thư”, “hắc thư” trong quá khứ thì nay được phép xuất bản chính ngạch và lưu hành công khai mà thôi. Còn để nó được đưa vào chương trình giảng dạy môn Văn trong nhà trường phổ thông, dù chỉ ở dạng tác phẩm tham khảo, thì giống như đưa con voi qua lỗ trôn kim vậy, thật khó lòng mà tưởng tượng nổi.
Bởi vì, có thể mượn một ý của triết gia mác-xít người Pháp, Louis Althusser, đại ý: nhà trường, ở đây đang nói nhà trường phổ thông, là một cỗ máy sản xuất ý thức hệ. Giáo dục trong nhà trường phổ thông, bất luận ở đâu và thời đại nào, đều là giáo dục mang tính định hướng, tính mục đích rất rõ ràng, không mập mờ đánh lận con đen. Dạy, bao giờ cũng là dạy để người học trở thành một cái-gì-đó, theo một mô hình nhân cách nào đó, ít nhất là về phương diện lý thuyết.
Và bởi thế, văn chương, cái nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất trong việc đào sâu đến tận cùng và diễn tả bằng hết đời sống bên trong của con người, khi được đưa vào nhà trường phổ thông, buộc phải qua một quá trình lựa chọn vô cùng khắt khe, để sao cho các tác phẩm được lựa chọn có thể phụng vụ tối ưu tính định hướng, tính mục đích của cỗ máy sản xuất ý thức hệ này.
Đến đây, tôi nghĩ, đã có thể có câu trả lời tương đối thỏa đáng cho câu hỏi về tầm quan trọng của môn Văn trong nhà trường phổ thông của ông tiến sỹ ngôn ngữ nhà đài. “Tương đối thỏa đáng thôi”, vì nó mới chỉ cắt nghĩa được việc cần phải có môn Văn – và không môn học nào có thể thay thế được – trong chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông. Còn dạy và học môn Văn như thế nào, lại là một câu chuyện khác, phức tạp hơn gấp bội.