NASA vừa phát hiện một vùng tối khổng lồ trên bề mặt khí quyển của mặt trời. Các hình ảnh được ghi nhận bởi Đài thiên văn Năng lượng mặt trời của NASA vào ngày 8/11 và 20/11 vừa qua.
Nó có hình dạng như một lỗ hổng tối đen và bắn ra các chùm hạt về phía Trái Đất. Đây là một trong những phát hiện khá thú vị từ quan điểm khoa học, nhưng cũng gây nên những mối lo ngại với nhiều người.
Mặc dù vậy, trên thực tế, đây không phải là một hiện tượng thiên nhiên hiếm có hay bất thường gì. Chúng được gọi là các lỗ coronal (lỗ Nhật hoa), không phải là một hố đen theo nghĩa thực.
Lỗ Nhật hoa được hình thành do sự thay đổi từ trường của các ngôi sao. Nó tương tự như những lỗ thủng tầng ozon trên Trái đất, không có lỗ thủng thực tế nào trên bề mặt khí quyển mà chỉ đơn giản là một vùng lạnh hơn và có mật độ plasma thấp hơn.
Khi từ trường của mặt trời thoát ra ngoài khí quyển, thay vì được giữ lại, chúng tạo ra những cơn gió tốc độ cao, khiến cho một vùng khí quyển của mặt trời mở ra để cho những dòng chảy phân tử thoát ra ngoài, ánh sáng nơi này cũng sẽ bị mờ đi, tạo nên những vùng tối.
Lỗ Nhật Hoa này được cho là có liên quan đến một số cực quang mạnh được phát hiện ở phía Nam Hoa Kỳ vào đầu tháng. Khi các hạt điện tích của gió mặt trời đến gần mặt đất, một phần chúng bị mắc kẹt ở từ trường của trái đất và chệch hướng tới các cực. Các tia này va chạm với các hạt không khí và ion hóa chúng.
Trên bầu khí quyển của trái đất, ở độ cao 70 đến 400 km, chúng va chạm với các nguyên tử và phân tử trong không khí. Các hạt này sẽ tỏa sáng, làm bầu trời phát sáng với nhiều mày sắc khác nhau.
Trung tâm dự đoán thời tiết mặt trời (SWPC) cho biết, gió mặt trời từ các lỗ Nhật hoa có thể gây ra những nhiễu loạn trong từ quyển của trái đất, gây nguy hiểm cho các vệ tinh và lưới điện.
Theo Space, BI