Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CIC Group, HoSE: CKG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 521,7 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.
Giá vốn hàng bán giảm ít hơn mức giảm của doanh thu nên lãi gộp đạt 115 tỷ đồng - giảm 42% so với quý IV/2021. Biên lợi nhuận thu hẹp từ 30,1% cùng kỳ về 22% quý IV/2022.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của CIC Group giảm tới 95% so với cùng kỳ xuống còn 2,4 tỷ đồng, chi phí tài chính cũng giảm 80% còn 5,5 tỷ đồng. Đồng thời, các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 40% xuống mức 65,9 tỷ đồng.
Kết quả, mặc dù đã tiết giảm các khoản chi phí nhưng CIC Group báo lãi trước thuế 49 tỷ đồng và lãi sau thuế 39,5 tỷ đồng, đồng thời giảm 55% so với cùng kỳ.
Theo thuyết minh, doanh thu và giá vốn trong lĩnh vực địa ốc giảm lần lượt về 451,8 tỷ đồng và 357 tỷ đồng, tương ứng giảm 22% và 10% so với cùng kỳ dẫn tới lãi gộp trong lĩnh vực này giảm tới 49% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận lĩnh vực địa ốc chiếm khoảng 82% tổng lợi nhuận gộp trong quý IV/2022. Như vậy, nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận công ty giảm do hụt lợi nhuận lĩnh vực địa ốc.
Nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc trong các quý trước đó, luỹ kế năm 2022, CIC Group vẫn báo lãi 170 tỷ đồng, tăng 11% với mức doanh thu 1.445 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.
Phía doanh nghiệp cho biết, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh đã ổn định, công ty đẩy nhanh tiến độ thi công, khối lượng thi công nhà hoàn thiện nhà bàn giao cho các khách hàng. Ngoài ra, công ty cũng tiết giảm tối đa các chi phí và công nợ trong năm đã thu hồi nhiều nên khoản dự phòng nợ phải thu giảm nhiều.
Các nguyên nhân trên dẫn tới lãi trong quý IV/2022 tuy giảm nhưng lợi nhuận cả năm 2022 vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Trong năm 2022, CIC Group đặt kế hoạch doanh thu 1.320 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 164 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được, công ty vượt 9% kế hoạch doanh thu và 5% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tại ngày 31/12/2022, quy mô tài sản của CIC Group tăng nhẹ 6% so với đầu năm lên 4.961 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở hàng tồn kho gần 2.820 tỷ đồng và gần 1.142 tỷ đồng từ các khoản phải thu ngắn hạn.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả chiếm tới 77%, ghi nhận ở mức 3.820 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn lên đến 2.054 tỷ đồng, nợ dài hạn ghi nhận 1.765 tỷ đồng, đồng thời tăng 3% so với đầu năm, phần lớn đến từ vay và nợ thuê tài chính.
Vốn chủ sở hữu của CIC Group cuối năm 2022 là 1.141 tỷ đồng, vốn góp chiếm đa số với 952,6 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn gần 51,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bên cạnh 49 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và gần 50 tỷ đồng từ lợi ích cổ đông không kiểm soát.
Trước đó, cuối tháng 8/2022, công ty đã thông qua kế hoạch chào riêng lẻ 13,4 triệu cổ phiếu cho 27 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động 201 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, CIC Group thông báo “quay xe" tạm dừng phát hành riêng lẻ 13,4 triệu cổ phiếu.
Mục đích huy động vốn là thanh toán nợ vay đến hạn, các khoản nợ phải trả cho đơn vị thi công, tiền mua vật liệu, tiền lương, tiền công cán bộ, nhân viên.
Trải qua nhiều đợt tăng vốn từ năm 2012 đến nay, vốn điều lệ doanh nghiệp tăng từ 80,96 tỷ đồng lên 866 tỷ đồng. Trong đó, mặc dù nhiều cổ đông có gốc nhà nước vẫn sở hữu số lượng cổ phiếu như nhau nhưng do ảnh hưởng pha loãng cổ phần nên liên tục giảm sở hữu và với việc thực hiện thoái vốn nhà nước. Việc tạm dừng phát hành riêng lẻ cũng làm giảm áp lực pha loãng cổ phần.
Tại phiên giao dịch ngày 2/2, mã CKG giao dịch quanh vùng giá 20.600 đồng/cổ phiếu.