“Lãi suất cho vay dưới 7% DN mới sống được”

“Lãi suất cho vay dưới 7% DN mới sống được”

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ của đất nước trong gần 1 năm qua đang nảy sinh nhiều lỗ hổng trong cách điều hành của NHNN.

Ông đánh giá như thế nào về các biến động trong lĩnh vực về tài chính, ngân hàng thời gian gần đây?

Theo tôi, cho đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định phương thức điều hành của NHNN chính là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bất cập với nền kinh tế. Thực tế cho thấy, NHNN không điều tiết được nguồn tín dụng đến các doanh nghiệp (DN), với lãi suất hợp lý. Bên cạnh đó, trong quản lý, điều hành hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), NHNN cũng không đạt yêu cầu.

Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Nếu ai quan tâm đến kinh tế, tài chính đều thấy rõ là trong năm vừa qua, các NHTM đã dùng "vũ khí lãi suất" để tiếp cận với nguồn huy động, xây dựng các tài khoản vượt kích cỡ, góp phần đẩy mức lãi suất từ 6 -7% cách đây 2 năm, lên 18 - 24%/năm trong 11 tháng qua. Hậu quả của việc này là cả nền kinh tế chịu sự chi phối bởi một hiện tượng "phá rào" của các NHTM nhưng NHNN không quản lý, điều tiết kịp thời. Cũng có lẽ vì thế mà hàng vạn doanh nghiệp đã "lãnh đủ" và người lao động mất việc làm.

Có thể nói rằng, trong thời gian qua, NHNN có quyền trong tay nhưng hiệu quả điều hành thì không bám theo cái thực quyền đó. Chẳng hạn, NHNN hoàn toàn có thể cho NHTM vay với lãi suất 3%, sau đó các NHTM cho doanh nghiệp vay với lãi suất không vượt quá 7%. Đấy là việc cần làm ngay trước mắt sau cơ quan này lại không làm. NHNN phải điều tiết làm sao để các NHTM xác lập một mức lãi suất cho DN vay hợp lý để họ có thể "sống sót" được. Nghĩa là, một mặt bằng lãi suất cho nền kinh tế đủ sức cạnh tranh với thị trường quốc tế, phù hợp với luật chơi chung của môi trường hội nhập.

Bất động sản - “Lãi suất cho vay dưới 7% DN mới sống được”

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành.

Với tình hình hiện nay, việc trước mắt chúng ta cần làm là gì, thưa ông?

Theo tôi, việc cần ưu tiên thời điểm này chính là NHNN phải cho triển khai ngay phương thức tối ưu cung ứng phương tiện tín dụng cho nền kinh tế và xác định lưu lượng tiền tệ cần thiết để phục hồi nền kinh tế. Đặc biệt, cần cung ứng đầy đủ lưu lượng tín dụng mà cộng đồng DN cần để sản xuất kinh doanh. Đồng thời xác định lãi suất cho vay hợp lý, tạo thế cạnh tranh được với thế giới. Cụ thể, mức lãi suất cho DN vay sẽ không quá 7%.

Để làm được điều này, NHNN sẽ cho các NHTM vay với lãi suất 3% và chỉ đạo các NHTM cho DN vay với lãi suất 7%. Mức chênh lệch là 4% thì NHTM đã có thể hoạt động tốt rồi. Mặt khác, sẽ có quy định cụ thể để NHTM không huy động tiền trong dân với lãi suất cao nữa, tránh gây xáo trộn thị trường như trước đây. Đấy là công việc mà NHNN phải làm để nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững, không tạo ra lạm phát và cũng như không tạo ra thiểu phát.

Thêm một vấn đề nữa là NHNN phải điều hành biện chứng, linh động theo thay đổi trên thị trường. Nghĩa là, phải thường xuyên theo dõi lưu lượng tiền tệ biến động như thế nào. Ngày nào thấy lưu lượng huy động quá cao thì NHNN phải có động thái điều tiết ngay và khi nào nền kinh tế thiếu vốn, thiếu tín dụng, như "ruộng khô, lúa cháy" thì phải biết cách điều tiết như thế nào cho "ruộng đủ nước, không ngập, không khô".

Là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ông có đề xuất gì để giúp kinh tế đất nước, đặc biệt là lĩnh vực tài chính - ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay?

Tôi đã hai lần có đề xuất với Chính phủ, vào các thời điểm tháng 8/2011 và tháng 3/2012. Tôi cũng đã có văn bản gửi các vị có trách nhiệm, nhưng đến nay vẫn chưa thấy kết quả gì cả. Bên cạnh đó, trong các cuộc họp với Chính phủ có hơn 30 chuyên gia trong nước và nước ngoài, tôi cũng có kiến nghị trực tiếp, nhưng cho đến nay cũng chưa có phản hồi cụ thể.

Có những người hỏi tôi rằng "Ông nói lạ chưa, ông lấy đâu ra tiền mà cho NHTM vay với lãi suất 3% trong khi Chính phủ phải đi vay với lãi suất 11-12%?". Sở dĩ họ hỏi như vậy là vì chưa hiểu sâu về vấn đề tiền tệ; cũng như sự khác biệt giữa vai trò của ngân hàng Trung ương và Chính phủ. Bởi vì, Chính phủ vay tiền là để tiêu dùng cho ngân sách, còn NHNN là lấy nguồn tiền từ quyền phát hành được luật pháp ủy nhiệm để cho DN vay, qua hệ thống NHTM, để phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo ra các sản phẩm xã hội, công ăn việc làm cho người lao động;... Và đó là tiền vay mà NHTM phải thu hồi lại để trả lại cho NHNN, không phải là cho không. Cho nên đó là hai vấn đề khác nhau.

Theo ông, Quốc hội có cần thành lập một ủy ban để điều hành nguồn tiền cho vay, cũng như các vấn đề khác liên quan đến ngân hàng hay không?

Quan điểm của tôi là tất cả các ngân hàng lớn nhỏ đều phải tuân thủ đầy đủ các quy định của luật Về các tổ chức tín dụng. Chúng ta đã ban hành luật thì cần phải áp dụng một cách nghiêm túc.

Trên tinh thần đó, Quốc hội không cần thiết phải thành lập một ủy ban độc lập nào cả, vừa gây tốn kém và cũng nảy sinh không ít bất cập, có khi chồng chéo hơn nữa. Theo tôi, Thống đốc NHNN là người có trách nhiệm làm tất cả những việc đó, theo đúng quy định của luật Về NHNN và luật Về các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, bất cứ ngân hàng nào phạm luật, không thực thi theo quy định đều phải được xử lý nghiêm minh, đủ tính răn đe. Đối với những trường hợp có nỗ lực cải thiện tình hình thì tạo điều kiện cho họ thời hạn để khắc phục. Nếu cách này vẫn chưa khắc phục được, thì cứ theo pháp luật mà làm. Nếu là vi phạm dân sự thì sẽ bị xử lý theo luật Dân sự; hoặc nếu là vi phạm hình sự thì đưa ra hình sự giải quyết, thậm chí rút giấy phép theo quy định của luật Các tổ chức Tín dụng, hoặc giải thể theo luật Phá sản nếu DN không còn đủ khả năng hoạt động nữa.

Trong trường hợp ngân hàng tuân thủ đầy đủ các quy định nhưng còn gặp khó khăn thì NHNN sẽ nghiên cứu hỗ trợ theo luật pháp quy định. Trong đó, có Điều 10 và 11 của luật Về NHNN. Qua thực thi, nếu xét ra không đủ thì lúc đó sẽ đề xuất ra Quốc hội bổ sung.

Xin cảm ơn ông!

Chương - Đức (thực hiện)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.