Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Quyết định số 1232/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ trong năm 2020 để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 4,8%/năm.
Như vậy, hiện nay, mức lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội vẫn được giữ nguyên so với năm 2019.
Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP thì mức vốn cho vay tối đa được quy định như sau:
- Đối với xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê: Mức cho vay tối đa bằng 80% tổng mức đầu tư dự án hoặc phương án vay và không vượt quá 80% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay;
- Đối với xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán: Mức cho vay tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư của dự án, phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Ai được mua nhà ở xã hội?
Theo Điều 49 Luật Nhà ở 2014, có 9 đối tượng được mua nhà ở xã hội, cụ thể:
Một là, người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Hai là, hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn.
Ba là, hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
Bốn là, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.
Năm là, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.
Sáu là, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
Bảy là, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Tám là, các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định.
Cuối cùng, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Theo Điều 51 Luật Nhà ở 2014 quy định 9 đối tượng trên sẽ được mua nhà ở xã hội, thuê, thuê mua nếu đáp ứng đủ 3 điều kiện: Nhà ở, cư trú, thu nhập, cụ thể:
Điều kiện 1, về nhà ở
Theo đó, các đối tương trên phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu.
Điều kiện 2, về cư trú
- Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội.
- Trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này.
Điều kiện 3: Về thu nhập
- Các đối tượng 4, 5, 6 và 7 thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân (vì người nộp thuế thu nhập cá nhân là những người có thu nhập cao).
Hiện nay, ngưỡng thu nhập chịu thuế tối thiểu của cá nhân là 11 triệu đồng (tương đương 132 triệu đồng một năm) mới phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Mức giảm trừ với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng một tháng.
- Trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo (có sổ hộ nghèo, cận nghèo).
Lưu ý, đối tượng 1, 8, 9 thì không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về thu nhập (chỉ cần thuộc đối tượng đó và đáp ứng điều kiện về nhà ở và cư trú là được hưởng chính sách nhà ở xã hội).
H.M