Từ hôm nay (23/9), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng một loạt lãi suất điều hành sau thời gian giữ ổn định kể từ tháng 10/2020 đến nay. Cụ thể, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng 0,3%; Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng 1%/năm
Quyết định được đưa ra ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất 0,75 điểm % lần thứ 3 liên tiếp trong năm nay trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tại Mỹ đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 40 năm.
Ngoài ra, động thái này của NHNN cũng diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi vay.
Mức cũ | Mức thay đổi | |
Lãi suất tái cấp vốn | 4%/năm | 5%/năm |
Lãi suất tái chiết khấu | 2,5%/năm | 3,5%/năm |
Lãi suất huy động từ 1 tháng đến dưới 6 tháng | 4%/năm | 5%/năm |
Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn/dưới 1 tháng | 0,2%/năm | 0,5%/năm |
Giảm áp lực tỉ giá
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh, Thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia nhận định, việc tăng lãi suất tái cấp vốn của NHNN là cần thiết để ứng phó với áp lực về tỉ giá hối đoái từ bên ngoài, sau khi Mỹ và các nước châu Âu tăng lãi suất thị trường vốn.
“Việc tăng lãi suất của Việt Nam có tác dụng tăng giá đồng Việt Nam và tương quan với đồng USD, đồng thời có tác dụng kiểm soát lạm phát. Đặc biệt là lạm phát được nhập khẩu từ bên ngoài, tức là thông qua các hàng hóa nhập khẩu bên ngoài như xăng dầu và vật liệu cơ bản...”, ông Nghĩa nói.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, để ổn định kinh tế vĩ mô có rất nhiều cách thức, công cụ. Việc tăng lãi suất vừa rồi là một biện pháp khá mạnh nhằm giúp cho tỉ giá biến động không quá lớn.
Trước áp lực FED tăng lãi suất trên 0,75 điểm % thì việc tăng lãi suất là một cách cần thiết. Nhưng với mức tăng lãi suất điều hành với nền kinh tế Việt Nam cũng không phải là lớn, thể hiện ở việc chúng ta giảm lãi suất điều hành và chưa tăng trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, nguyên tắc của động thái tăng lãi suất này là dấu hiệu chính sách tiền tệ sẽ làm chặt chẽ hơn và giảm áp lực lên tỉ giá.
“Để phục hồi kinh tế, chúng ta phải cố gắng thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển, chủ yếu dựa vào chính sách tài khóa, từ đầu tư công, hỗ trợ người lao công, hỗ trợ sản xuất kinh doanh”, ông Thành cho hay.
Theo ông Võ Trí Thành, những nỗ lực của NHNN và Chính phủ đang làm để kiềm chế tỉ giá và việc tăng lãi suất điều hành là một cách giảm được nhiều áp lực lên tỉ giá hiện nay. “Chúng ta chấp nhận để cho tỉ giá biến động nhưng không phải là quá lớn”, ông Thành nhận định.
Chứng khoán biến động
Lãi suất điều hành tăng cũng sẽ có tác động nhất định tới thị trường chứng khoán. Theo đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Lãi suất tăng sẽ làm cho thị trường chứng khoán có những phản ứng tiêu cực. Vì thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng bởi khoản tiền vay từ ngân hàng, lãi suất tăng thì nhà đầu tư sẽ ít vay hơn. Từ đó, nhà đầu tư nghĩ đến chuyện thay vì đầu tư vào chứng khoán thì sẽ chuyển sang gửi tiền ngân hàng”.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng đánh giá, giai đoạn hiện tại đang có một lợi thế đối với các nhà đầu tư, khi giá thị trường chứng khoán và giá thị trường bất động sản ở mức thấp. Chỉ số P/E tại thị trường chứng khoán đang ở mức 12 hoặc 11 lần. Đây là một mức đầu tư lý tưởng.
Theo ông Nghĩa, tại thời điểm này nhà đầu tư cần chọn danh mục đầu tư ở mức độ trung bình. Đặc biệt nhà đầu tư cần lưu ý với mức độ rủi ro như vậy thì hệ số P/E cần phải thấp.
Cùng với đó, TS. Võ Trí Thành cũng cho biết nhà đầu tư cần nắm phân tích qua triển vọng, phát triển kinh tế vĩ mô, đặc biệt cần phòng ngừa, tính toán đến những rủi ro khác nhau để chia sẻ đầu tư tài chính.