Trò chuyện với PV, một lãnh đạo ngân hàng Techcombank (đề nghị giấu tên) cho biết, mối quan tâm của doanh nghiệp hiện nay không nằm ở lãi suất mà ở nhu cầu của thị trường. Nói hạ lãi suất mãi cũng chỉ đến thế bởi doanh nghiệp sẽ chẳng mấy quan tâm. "Cầu đang không có mà lúc nào cũng ra rả nói về cung, bản thân doanh nghiệp cũng khổ, ngân hàng chúng tôi cũng khó. Cũng phải thừa nhận, lãi suất giảm sẽ kích cầu nền kinh tế nhưng có phải lúc nào cũng "ép" giảm được đâu", vị này băn khoăn.
"Một số người cho rằng, lãi suất nên hạ xuống 6,8 rồi 10%/năm nhưng theo tôi đó chỉ là những ý nghĩ chủ quan. Sau khi "cân đong đo đếm", nếu thấy hợp lý, các ngân hàng sẽ tự khắc hạ. Bản thân Techcombank, lãi suất huy động cao nhất hiện chỉ còn 12%/năm, thay vì mức 12,5% như trước kia. Chúng tôi sẽ hạ cả lãi suất huy động và cho vay với những đối tượng phù hợp. Techcombank cũng là một đơn vị kinh doanh, đúng hơn là kinh doanh tiền tệ. Chính vì thế, chúng tôi không thể "làm liều" được", vị lãnh đạo Techcombank nhấn mạnh.
Bình luận về việc giảm lãi suất liệu có khả năng "cứu" doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đại Lai, nguyên phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển (NHNN) cho rằng, việc giảm lãi suất ngân hàng thời điểm này không phải là một "liều thuốc" "cứu" được các doanh nghiệp. Vì đến nay, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình cảnh quá khó khăn, thậm chí đã phá sản từ lâu. Việc ứng cứu bây giờ có thể nói là tương đối muộn. Hơn nữa, trên thực tế, các doanh nghiệp muốn tồn tại phải dựa vào sức của chính mình. Việc vay vốn ngân hàng chỉ là một kênh thứ yếu đối với các doanh nghiệp.
"Một thực tế mà ai cũng thấy được, hiện nay, bản thân lãi suất cũng không phải là quá cao nhưng rất ít doanh nghiệp muốn vay. Tôi được biết, ở các ngân hàng có gói tín dụng 11-12%, thậm chí là 10% nhưng cũng không có nhiều người vay bởi cái họ cần là nguồn cầu thì đã xuống đến mức báo động", TS. Lai nói.
Có cái nhìn tổng quan, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc giảm lãi suất không có ý nghĩa gì lắm đối với doanh nghiệp không vay vốn hoặc không được vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, nó lại rất có ý nghĩa với hàng vạn doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng và đang hoạt động bình thường, kể cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Số doanh nghiệp này chính là trụ cột hiện tại của nền kinh tế. Bởi vậy chúng ta phải duy trì và tiếp sức cho họ.
Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, câu hỏi làm thế nào để họ có lợi nhuận, cạnh tranh được với đối thủ nước ngoài là điều sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Hạ lãi suất giúp duy trì khả năng sống sót của các doanh nghiệp còn lại. Và như vậy mới duy trì được lực lượng lao động đang gặp khó khăn rất lớn ở các đơn vị này, cho dù họ hoạt động với công suất và thị trường hạn chế.
Tìm đến vốn ngoại lãi suất rẻ Lãnh đạo một công ty xây dựng lớn tại Hà Nội thừa nhận, các ngân hàng thương mại chào lãi suất quá cao so với chi phí tài chính và hiệu quả đầu tư nhà giá rẻ. Đơn cử, lãi suất cho vay riêng dự án nhà ở xã hội tại BIDV khoảng 12,5%, Vietinbank là 15%/năm (cả dự án nhà thương mại). Theo vị lãnh đạo này, nếu doanh nghiệp vay lãi suất 12,5%/năm thì trong 3 năm đầu tư, chi phí vốn lên tới 37,5%, dự án không còn hiệu quả. Do đó, doanh nghiệp thường tìm kiếm nguồn vốn ngoại với lãi suất rẻ hơn, chỉ 4-5%/năm. |
Văn - Văn