Lại thêm một mùa Tết xa quê…

Lại thêm một mùa Tết xa quê…

ctv ban tk

ctv ban tk

Thứ 2, 12/02/2024 13:00

Trong tâm thức của mỗi chúng ta, Tết cổ truyền luôn chứa đựng những dấu ấn đặc biệt và biết bao kỷ niệm gắn liền từ thuở ấu thơ. Để rồi khi bôn ba nơi đất khách quê người, gọi điện về nhà thấy bố mẹ, họ hàng tất bật gói bánh chưng, làm mâm cỗ, trang trí nhà cửa đón Tết, nỗi nhớ nhà da diết lại trào dâng trong tim.

Thêm một mùa Tết xa quê
 
Những ngày ngày, không khí Tết đã rộn ràng khắp các con phố, nẻo đường.  Gác lại những bộn bề, lo toan, những người đi làm xa nhà lại vội vàng ra bến xe, ga tàu, sân bay cho kịp chuyến tàu, xe ngày cuối năm để kịp về sum họp với gia đình. Ai ai cũng háo hức được trở về nhà sau một năm lao động đầy vất vả. 
Xã hội - Lại thêm một mùa Tết xa quê…

Chị Nhàn cùng các đồng nghiệp người Việt làm mâm cơm tất niên với những món truyền thống ngày Tết.

 
Tết là để sum vầy, để đoàn tụ, là dịp để gia đình quây quần bên nhau, cùng kể cho nhau nghe những chuyện mà cả năm chưa có dịp ngồi lại nói với nhau. Nhưng, ở đâu đó, cách đất nước Việt Nam hàng ngàn cây số, có những người con xa xứ chẳng thể về quê hương đón Tết. Không phải là họ không muốn về, mà do khoảng cách địa lý, điều kiện kinh tế, công việc, lịch học còn dang dở và những mối lo khác khiến họ không thể trở về. Chính vì lẽ đó, càng cận kề ngày Tết, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của những Việt kiều bôn ba nơi xứ người lại càng cồn cào hơn. 
 
Những ngày giáp Tết, Nhật Bản vào đông, tuyết rơi trắng xoá, lạnh ngắt, nhưng sao lạnh bằng nỗi lòng của những người con phải xa gia đình, xa quê hương. Đã có rất nhiều người con của Việt Nam phải ngậm ngùi “ăn Tết” qua màn hình điện thoại. Như chị Vũ Thanh Nhàn (25 tuổi, sống và làm việc tại tỉnh Ichinomiya, Nhật Bản) cho biết, chị đã sang làm việc tại xứ sở Mặt trời mọc được 5 năm và cũng từng đó cái Tết không ở nhà.  Tuy nhiên, cứ vào dịp Tết cổ truyền dân tộc, chị và các đồng nghiệp người Việt vẫn cùng nhau mua đồ về nấu mâm cơm Tết để thỏa nỗi nhớ quê nhà. 
 
“Nhật Bản không ăn Tết ta mà họ ăn Tết Tây, vì thế những ngày Tết ta nếu rơi vào ngày trong tuần chúng tôi vẫn phải đi làm bình thường. Tuy nhiên, những ngày gần Tết, cảm giác lạ lắm, vẫn háo hức được đón Tết như ở nhà. Dù ở xa nhưng ngày nào tôi cũng gọi điện về cho bố mẹ để cập nhật tình hình sẳm sửa, chuẩn bị đón Tết của gia đình, họ hàng. Xa quê mới thấy Tết đối với mình có ý nghĩa đến nhường nào. Nhìn mọi người tất bật gói bánh chưng, muối hành, làm mâm cỗ Tết càng khiến tôi nhớ nhà da diết. Năm nay, lại thêm một mùa Tết xa quê hương”, chị Nhàn bồi hồi chia sẻ.
Xã hội - Lại thêm một mùa Tết xa quê… (Hình 2).

 Mâm cơm cúng gia tiên của gia đình chị Xuân tại Humburg.

 
Lưu giữ hồn Tết ở “trời Tây”
 
Có lẽ, trong tâm thức của mỗi người con xa quê, Tết cổ truyền luôn chứa đựng những dấu ấn đặc biệt và biết bao kỷ niệm gắn liền từ thuở ấu thơ. Cũng như rất nhiều những người con xa quê khác, chị Lê Xuân (28 tuổi, đã sinh sống và lập gia đình hơn 10 năm tại Thành phố Hamburg, Đức) vẫn luôn cố gắng giữ gìn những nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của người Việt. Dù con chị được sinh ra tại Đức, nhưng chị luôn dạy con nói tiếng Việt song song với tiếng Đức. Hai vợ chồng chị cũng tích cực giao lưu với cộng đồng người Việt tại Đức để cho các con nhỏ được kết bạn và cùng nhau tìm hiểu về những ngày lễ truyền thống của Việt Nam. Chị vẫn thường kể cho bọn trẻ nghe về những ký ức, những nỗi nhớ của chị về Tết. 
 
Dù tận “trời Tây”, nhưng những phong tục, tập quán đã ăn vào máu thịt, nên những ngày Tết chị Xuân cùng gia đình vẫn tranh thủ đi chùa để cầu sức khoẻ, cầu bình an, cầu cho năm mới thuận lợi.
 
Giống như chị Xuân, rời quê hương Việt Nam từ khi còn trẻ nhưng ký ức về Tết luôn ở trong tiềm thức của chị Nguyễn Thị Huyền (35 tuổi). Sống tại Thành phố Hamburg, Đức gần 15 năm nhưng chưa bao giờ chị Huyền quên hương vị Tết quê nhà. Xa quê đã lâu và ít có dịp trở về quê hương ăn Tết, nên chị đã lập bàn thờ gia tiên tại nơi gia đình hiện tại đang sinh sống. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Tết, dù bận nhưng gia đình chị vẫn cố gắng chuẩn bị mâm cơm tất niên tươm tất nhất có thể, mang đậm hương vị Tết Việt với những món ăn như bánh chưng, thịt gà luộc, giò, chả nem… để thắp hương gia tiên. 
Xã hội - Lại thêm một mùa Tết xa quê… (Hình 3).

Gia đình chị Huyền cho con đến chùa Bảo Quang ở Hamburg để chụp ảnh kỷ niệm ngày Tết.

 
Nhắc đến Tết thì không thể thiếu hoa mai, cành đào, nên để không khí Tết cổ truyền được “rõ nét” hơn, chị Huyền luôn cắm một bình hoa đào trong căn nhà nhỏ của mình. Dù không thể đầy đủ mọi thứ và đầy đủ người thân trong gia đình như khi ở Việt Nam, nhưng chính những người con xa xứ nơi đây cũng tạo nên một cái Tết của riêng mình, luôn nhắc nhở nhau nhớ về nguồn cội.
 
“Mặc áo dài, cùng nhau ăn một bữa cơm với những món đặc trưng của ngày Tết, gọi video về Việt Nam chúc Tết người thân, họ hàng là những điều suốt những năm qua gia đình tôi thường làm. Tôi còn nhớ, những năm đầu xa quê hương, cứ đến Tết là tôi khóc nhiều lắm. Khóc vì nhớ gia đình, người thân, khóc vì nhớ da diết những cái Tết đầm ấm, sum vầy. Tôi luôn nhớ không khí rộn ràng, náo nức của ngày Tết, vì thế để vơi đi nỗi nhớ, tôi luôn cố gắng sắp xếp công việc để nấu nướng cúng gia tiên, cả nhà cùng nhau đón giao thừa và lì xì cho các con, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp trong năm mới. Đối với tôi, Tết có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng”, chị Huyền bộc bạch. 
 
Đối với mỗi người Việt Nam cho dù bạn là ai, đang làm việc, học tập ở phương trời nào, thì Tết cổ truyền vẫn luôn là một nét đẹp “hiếm có” mà mỗi chúng ta đều muốn lưu giữ.
 
HÀ ANH
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.