Ngày 29/11, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Nhật Cường do có kháng cáo của 11/14 bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và miễn trách nhiệm trong việc nộp tiền phạt khắc phục hậu quả, gồm:
Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính), Trần Ngọc Ánh (Phó Tổng giám đốc), Đỗ Quốc Huy (Giám đốc bán hàng), Nông Văn Lư (nhân viên), Hoàng Văn Phong (trưởng ngành hàng Apple), Nguyễn Thị Bích Hằng (kế toán trưởng), cùng làm việc tại Công ty Nhật Cường.
Ngoài ra còn có bị cáo Lê Hoài Phương (nhân viên Công ty Nhật Cường Quảng Châu, Trung Quốc) và 4 bị cáo thuộc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn gồm Nguyễn Bảo Trung, Ngô Đức Tùng, Phạm Văn Hiệp và Ngô Tuấn Sửu (Giám đốc công ty).
Liên quan vụ án, VKSND Tp.Hà Nội cũng có kháng nghị đối với bản án hình sự sơ thẩm của TAND Tp.Hà Nội đã tuyên trước đó.
Theo kháng nghị, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND Tp.Hà Nội không triệu tập người đại diện Công ty Nhật Cường tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiếu sót.
Cơ quan công tố cho rằng toàn bộ khoản tiền 221 tỷ đồng thu lời bất chính từ hành vi buôn lậu được nhập vào Công ty Nhật Cường, theo dõi, hạch toán, quản lý trên phần mềm ERP của Công ty Nhật Cường do bị can Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) là chủ sở hữu toàn bộ công ty này (hiện bị can Bùi Quang Huy đang bỏ trốn).
Quan điểm của VKS là, các bị cáo từ Phó Tổng giám đốc đến nhân viên Công ty Nhật Cường đều là người làm công ăn lương, giữ vai trò giúp sức cho bị can Bùi Quang Huy, không được ăn chia khoản tiền thu lợi bất chính này.
Do đó, VKSND Tp.Hà Nội quyết định kháng nghị, đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm theo hướng đưa Công ty Nhật Cường tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; buộc Công ty Nhật Cường phải nộp lại khoản tiền 221 tỷ đồng thu lợi bất chính từ hành vi buôn lậu để tịch thu sung quỹ nhà nước, không buộc các bị cáo thuộc Công ty Nhật Cường phải liên đới nộp lại khoản tiền thu lợi bất chính nêu trên.
Quá trình đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm, cựu Phó Tổng giám đốc Nhật Cường là Trần Ngọc Ánh trình bày vẫn giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và miễn trách nhiệm dân sự.
Theo lời khai của bị cáo này, ban đầu, Ngọc Ánh có tư tưởng chấp nhận bản án sơ thẩm song suy nghĩ lại thì thấy “hơi nặng” nên làm đơn lên xin giảm nhẹ. Bị cáo Ánh thừa nhận tòa sơ thẩm quy kết bị cáo là không oan và không có tình tiết giảm nhẹ mới. Tuy nhiên, bị cáo Ánh mong HĐXX xem xét khi đã ăn năn hối cải, tích cực hỗ trợ cơ quan điều tra sớm kết thúc điều tra vụ án.
Đối với bị cáo “dù chỉ một ngày, một tuần được hưởng khoan hồng cũng tốt” nên bị cáo tha thiết mong tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Cũng giống các bị cáo khác khi cho rằng toàn bộ số tiền thu lợi bất chính đều đổ về Công ty Nhật Cường. Hơn nữa, cơ quan điều tra cũng thu hồi nhiều tài sản của Nhật Cường nên người phải chịu trách nhiệm bồi thường là Bùi Quang Huy và công ty chứ không phải những người làm công ăn lương như các bị cáo đứng đây. Do vậy, cả 11 bị cáo đều xin HĐXX phúc thẩm miễn trách nhiệm bồi thường dân sự.
Trong trong phần thẩm vấn, bị cáo Nông Văn Lư khai bản thân chỉ là lái xe, là người làm công ăn lương, chuyên vận chuyển hàng và không được hưởng lợi “một đồng nào” từ tiền buôn lậu của công ty.
Bị cáo khai, khi đưa hàng về kho, bị cáo không được ai yêu cầu xuất trình hoá đơn. Chỉ khi nào lãnh đạo giao nhận hàng Lư mới làm và cũng không được cầm hoá đơn, chứng từ kèm theo.
Trong phần trình bày, người lái xe liên tục nói “choáng” với phần buộc khắc phục 10 tỷ đồng tiền buôn lậu. Đây cũng là lý do bị cáo nhanh chóng làm đơn kháng cáo sau phiên xử sơ thẩm vừa kết thúc. “Bị cáo hoảng loạn đến mức chỉ kháng cáo về phần dân sự mà quên luôn trách nhiệm hình sự. Bởi thế tại toà hôm nay bị cáo mong được HĐXX xem xét giảm thêm cả hình phạt 7 năm cho bị cáo”, Lư trình bày.
Chiều nay, HĐXX tiếp tục làm việc.