Báo Giao thông đưa tin, chiều 12/9, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, bệnh viện vừa phát hiện một bệnh nhân bị mắc bệnh Whitmore.
Theo đó, bệnh nhân Đặng Xuân H. (61 tuổi, trú ở thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) có tiền sử bị bệnh đái tháo đường type II. Cách đây 1 tuần bệnh nhân bị sốt cao liên tục, ngón 2 bàn chân phải có khối áp-xe sưng, nóng, chảy dịch có mùi hôi.
Ngày 9/9/2019, ông H. được người nhà đưa vào Khoa Nội tiết - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh điều trị. Trong quá trình điều trị tại khoa, bệnh nhân có diễn biến nặng dần: Sốt cao, rét run, huyết áp tụt. Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (bệnh Whitmore).
Mặc dù được điều trị tích cực bằng kháng sinh phối hợp, nhưng bệnh nhân đáp ứng chậm với quá trình điều trị, vẫn sốt cao, rét run, tình trạng nhiễm trùng nặng do vậy bệnh viện đã tiến hành làm thủ tục chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.
Bác sỹ Võ Hoài Nam - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Bệnh nhân H. có tiền sử bị bệnh đái tháo đường type II, biến chứng loét ngón 2 bàn chân phải mà vẫn làm việc đồng áng. Việc tiếp xúc với bùn đất mà không có phương tiện bảo hộ nên đã bị vi khuẩn Burkholderia pseudomallei xâm nhập qua vết loét mà không biết.
Cũng theo bác sỹ Nam: Bệnh whitmore có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh whitmore từ khoảng 40-60%. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh.
Theo báo Tổ quốc, trước đó, đầu tháng 8, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận một nữ bệnh nhân mắc căn bệnh whitmore khá hy hữu. Bệnh nhân bị vi khuẩn whitmore "ăn" cánh mũi.
Trước khi đến bệnh viện, bệnh nhân này từng được chẩn đoán nhầm là nhiễm trùng huyết do tụ cầu. Tuy nhiên, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, kết quả cấy máu và mủ ở vết thương lại cho thấy nữ bệnh nhân này dương tính với vi khuẩn whitmore.
PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, khi phát hiện căn bệnh các bác sĩ đã thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị để không ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân.
Theo đó, trong giai đoạn bệnh tấn công, các bác sĩ điều trị bằng phác đồ đặc hiệu kết hợp với kháng sinh. Sau khi tình trạng toàn thân ổn định, bệnh nhân tiếp tục được điều trị kháng sinh kết hợp với các liệu pháp điều trị của chuyên khoa tai mũi họng.
Đối với trường hợp này, rất may là chỉ tổn thương da, phần mềm ở cánh mũi và chưa tổn thương đến xương. Đến nay, sau hai tuần điều trị vết thương đã hết mủ và ăn da non.
"Bệnh nhân cần tiếp tục giai đoạn duy trì bằng thuốc, điều trị trung bình ít nhất 3 tháng và được theo dõi chặt chẽ bởi các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm nếu không bệnh sẽ có khả năng tái phát, lúc đó tỉ lệ tử vong sẽ rất cao" – bác sĩ Cường cho hay.
Cũng theo ông Đỗ Duy Cường, trước đây, từ 5 – 10 năm mới có khoảng 20 ca mắc whitmore. Tuy nhiên, chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 20 ca mắc căn bệnh này.
Trong đó, chỉ tính riêng tháng 8 đã ghi nhận 12 ca mắc whitmore nặng được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Các bệnh nhân được nhập về Trung tâm Bệnh Nhiệt đới từ các khoa khác nhau như hô hấp, cơ xương khớp, da liễu…
Quốc Tiệp (tổng hợp)