Làm ăn bết bát, doanh nghiệp vẫn hút nhà đầu tư nhờ... đất vàng

Làm ăn bết bát, doanh nghiệp vẫn hút nhà đầu tư nhờ... đất vàng

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 2, 02/10/2017 06:00

Câu chuyện cổ phần hóa (CPH) Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) gây xôn xao dư luận thời gian qua đã hé lộ nhiều bất cập về công tác quản lý ở những thương vụ CPH doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt những doanh nghiệp có sở hữu đất vàng.

Kịch bản cũ

Đầu tiên phải kể đến sự việc hàng loạt nghệ sĩ của VFS lên tiếng về thực trạng của hãng này sau hơn một năm CPH. Theo đó, nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy Việt Nam (Vivaso) không giữ đúng cam kết về đầu tư làm phim mà thu gọn địa điểm sản xuất phim để mở nhà hàng, khách sạn tại trụ sở VFS ở số 4 Thụy Khuê, Hà Nội.

Sự việc gây xôn xao dư luận với nhiều dấu hỏi nhận định về động cơ thật sự của Vivaso khi thâu tóm Hãng phim Truyện Việt Nam càng thêm được củng cố.

Còn nhớ, năm 2016 VFS tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và Vivaso – một doanh nghiệp vận tải không liên quan gì đến nghệ thuật đã trở thành cổ đông lớn nhất, với tỷ lệ sở hữu lên tới 65% cổ phần, tương đương 32,5 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ cần bỏ ra mấy chục tỷ đồng, đại gia Nguyễn Thủy Nguyên – Chủ tịch Vivaso đã nắm quyền chi phối cả hãng phim, cũng như nắm thêm quyền tại hàng loạt khu đất vàng với giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng mà hãng này đang quản lý.

Khi đó dư luận đã đồn đoán rằng động cơ thật sự của ông chủ Vivaso không phải là làm phim mà chỉ thông qua thương vụ CPH để thâu tóm đất vàng.

Đó là khu đất trụ sở rộng 5.450m2 tại số 4 Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội); Kho chứa đạo cụ rộng hơn 900m2 tại ngõ 151 Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình); Kho chứa vật liệu nổ, đạo cụ, trường quay phim rộng gần 6.400m2 tại Đông Anh và khu đất 1.200 m2 tại quận 1 (TP.HCM).

Bất động sản - Làm ăn bết bát, doanh nghiệp vẫn hút nhà đầu tư nhờ... đất vàng

Vụ việc Vivaso mua Hãng phim truyện Việt Nam dấy lên nhiều đồn đoán về động cơ thâu tóm đất vàng số 4 Thụy Khuê của đại gia Nguyễn Thủy Nguyên .

Điều đặc biệt, cuối năm 2014, Vivaso cũng đã từng bị thâu tóm bởi một DN kinh doanh bất động sản là Công ty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường (Vạn Cường). Hiện, Vạn Cường là cổ đông lớn nhất của Vivaso và sở hữu hơn 70% cổ phần tại tổng công ty này.

Ông Nguyễn Thủy Nguyên trở thành chủ tịch Vivaso sau thương vụ Vạn Cường mua Vivaso, đồng thời được kế thừa nhiều khu đất vàng của Vivaso gồm các cảng sông lớn nhất miền Bắc như cảng Hà Nội, cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc, cảng Hòa Bình, cảng Hà Bắc... và trụ sở Vivaso tại số 158 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội với diện tích gần 800m2, ước tính mỗi mét đất tại đây có giá lên tới hơn 100 triệu đồng.

Sau khi mua lại Vivaso, ông Nguyên chủ yếu vận hành DN này thông qua các hoạt động cho thuê trụ sở, kho bãi, không thấy bất cứ thông tin nào về đầu tư phát triển liên quan đến vận tải thủy.

Kịch bản này cũng được cho là khá quen thuộc đối với nhiều thương vụ CPH DN Nhà nước khác. Nó cũng lý giải vì sao nhiều DN Nhà nước không có chiến lược kinh doanh rõ ràng, thậm chí làm ăn bết bát nhưng khi lên sàn vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư.

Đó chính là trường hợp của Tổng công ty Rau quả, Nông sản (Vegetexco), một doanh nghiệp mà Tập đoàn T&T của bầu Hiển (Đỗ Quang Hiển) nắm quyền chi phối trở thành nhà đầu tư chiến lược của công ty TNHH MTV Đầu tư Việt Hà (VietHa Corp) năm 2016. Hiện tại, VietHa Corp sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước như bia Việt Hà, bia Halida, bánh mứt kẹo Hà Nội, bánh kẹo Tràng An, cùng với đó là quỹ đất lên tới 26.292 m2 tại Hà Nội.

Tương tự là vụ việc Thaigroup của bầu Thụy chi hơn 1.000 tỷ đồng trong cuộc chạy đua gay cấn để mua 52% cổ phần tại công ty cổ phần Du lịch Kim Liên (sở hữu Khách sạn Kim Liên).

Nhiều lỗ hổng

Từ đây, mối lo ngại về nguy cơ đất vàng bị thâu tóm thông qua con đường nắm quyền cổ đông chiến lược khi doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa là có cơ sở.

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng cho rằng: “Đang có một lỗ hổng quá lớn trong việc quản lý nguồn đất công giao cho các DN có vốn Nhà nước. Sau cổ phần hóa, nếu các mảnh đất vàng đó DN vẫn dùng thì họ chẳng có lợi ích gì, nhưng nếu họ chuyển mục đích sang đất dự án xây dựng khách sạn, trung tâm thương mại… thì đáng lẽ phải định giá đúng giá thị trường. Muốn vậy phải đấu giá công khai, chứ nếu chỉ tự xác định giá thì xác định theo cơ sở nào…”.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền (GĐ công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) chia sẻ: "Một trong những lỗ hổng của luật là bắt đấu giá cổ phần công khai nhưng luật lại cho phép DN bán cổ phần cho cổ đông chiến lược.

Đây chính là câu chuyện công ty vận tải thủy mua Hãng phim Truyện Việt Nam. Vận tải thủy thì biết gì về phim, tại sao lại làm cổ đông chiến lược của hãng phim? Phải chăng mục đích của họ không phải là phim ảnh gì mà chẳng qua chỉ là ở chỗ mảnh “đất vàng”?”.

Tại buổi họp báo về tình hình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) năm 2017, do Bộ Tài chính vừa tổ chức ngày 27/9 tại Hà Nội, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng cục Tài chính doanh nghiệp (bộ Tài chính) thừa nhận có lỗ hổng trong quản lý đất đai của quá trình CPH. “Tới đây, luật quản lý tài sản công sẽ quản lý chặt chẽ hơn đối với tài sản này, nhất là đối với CPH các doanh nghiệp lớn” - ông Tiến nói.

Đại diện bộ Tài chính cũng cho biết, Bộ này đang xây dựng dự thảo Nghị định về CPH DNNN, trong đó sẽ có quy định với một số ngành nghề kinh doanh, điều kiện chọn cổ đông chiến lược là phải cùng ngành nghề. Để trở thành nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp CPH trong thời gian ít nhất 3 năm...

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.