Có người dùng cả thanh xuân để hưởng thụ, cũng có người dành cả đời để chuộc lỗi. Chúng tôi đang nói đến một vị thần rừng đặc biệt ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.
Năm 19 tuổi, ông Yongping bỏ học đi đốn củi phụ giúp gia đình. Trong một lần nọ, ông bị một thân cây đè lên chân khiến xương đùi dưới bị gãy.
Sau khi cưa chân, ông đã rất xấu hổ, ông nhận ra, làm đau thiên nhiên, thiên nhiên cũng có thể làm đau mình lại.
Với sự động viên của vợ, ông đã đi làm chân giả sau 1 năm nhốt mình nhưng vẫn luôn đau đáu về những gì xảy ra trong quá khứ.
Để sửa sai cho hành động trong quá khứ, ông Yongping đã dành cả thanh xuân của mình để trồng rừng.
Đã 32 năm, hình ảnh người đàn ông với đôi chân cụt trồng lại 100 ha rừng khiến nhiều người cảm phục.
6h sáng, ông Yongping cho chân giả vào ống quần rồi cắm chiếc đùi vào chân giả, đeo túi thức ăn và cầm gậy chống đi.
3km đường đi với người thường vốn không là chuyện dễ dàng, với người khuyết tật lại càng là một thử thách. Trời nắng đã vậy, mưa càng vất vả khi bùn đất có nguy cơ sạt lở.
Trèo lên đỉnh núi cao 300m, ông Yongping hạnh phúc nhìn thấy những tầng cây xanh do mình trồng tạo.
Ông Yongping nói: "Tôi từng coi mình là lâm tặc và luôn cố gắng chuộc lại mọi lỗi lầm với cây cỏ nơi đây. Con cháu tôi xứng đáng nhận những điều tốt đẹp nhất từ những cánh rừng này".
Để có nước tưới cây, gia đình ông đã phải kéo ống từ nhà lên nhờ những gia đình xung quanh núi.
Trời xanh hiểu lòng người ban những cơn mưa quý giá biến một vùng đất trũng trở thành 1 chiếc hồ chứa nước để giúp ông hoàn thành tâm nguyện.
Để thuận tiện, ông dựng một ngôi nhà gỗ trên đỉnh núi và nghỉ ngơi mỗi trưa. Ông thường nhìn vào cái chân giả của mình và nhớ về bài học lớn nhất của cuộc đời.
Đến thời điểm hiện tại, ông Yongping đã trồng được hơn 100ha rừng với 20 loài cây quý hiếm có giá trị kinh tế cao.
Trước hành động của ông, người dân địa phương ca ngợi: "Ông ấy làm điều mà hiếm người khỏe mạnh làm được. Lão nông này làm hết sức mình để kết nối người dân địa phương lại với nhau, cũng là người tuần tra cho ngọn núi này".
"Tôi muốn có nhiều cây xanh để duy trì sự sống cho con người. Điều đó khiến cho những giấc ngủ của tôi nhẹ nhõm hơn. Điều duy nhất tôi mong mỏi là trong tương lai sẽ không có ai còn chặt trộm cây", ông Yongping tâm tư.
Minh Anh (Theo Bejing News)