Như đã nói trong các kỳ trước, hàng loạt các spa, cơ sở làm đẹp đã bất chấp quy định của pháp luật khi “nổ” tưng bừng về công dụng của tế bào gốc.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra sở Y tế Hà Nội, cho biết: "Quan điểm của thanh tra sở Y tế là sẵn sàng hợp tác với báo Người đưa tin trong việc thanh, kiểm tra và xử lý các thẩm mỹ viện, cơ sở làm đẹp có sai phạm. Việc thẩm mỹ viện quảng cáo sai, chúng tôi sẽ xử phạt và yêu cầu sửa lại đúng theo nội dung đã xin phép. Việc thứ hai, nếu thẩm mỹ viện, spa quảng cáo mà không xin phép thì xử phạt và dỡ luôn biển quảng cáo".
Vì chăm sóc sắc đẹp là những ngành nghề dịch vụ có điều kiện đặc biệt nên có các quy định rõ ràng. Cụ thể, nếu trong đơn vị có thể vừa có khám chữa bệnh, vừa có dịch vụ làm đẹp, ngành y tế sẽ quản lý cả việc khám chữa bệnh và các mỹ phẩm sử dụng trong quá trình làm đẹp cho con người.
Theo quy định, các cơ sở này phải có phòng khám chuyên khoa, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó phải có tên bác sĩ, số giấy phép hoạt động khám chữa bệnh.... Cơ sở nào tiến hành quảng cáo sai sự thật hoặc không tuân thủ theo quy định sẽ bị phạt và có thể cấm hoạt động nếu tái phạm nhiều lần.
Đối với lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp thông thường, ngành y tế thường không quản lý các dịch vụ mà chỉ quản lý về mỹ phẩm. Nếu qua kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở nào có sử dụng tiêm filler, tiêm tế bào gốc…thì spa đó sẽ bị xử phạt vì không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Hành vi cung ứng dịch vụ không có giấy phép sẽ bị xử phạt tới 60 triệu đồng và bị buộc phải chấm dứt hoạt động đó.
Theo ông Cường, các cơ sở muốn quảng cáo phải có cơ quan chuyên môn nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Với các spa, vì không phải là đối tượng kinh doanh có điều kiện đặc biệt như phẫu thuật thẩm mỹ nên không được cơ quan nào phê duyệt các quảng cáo liên quan đến y tế. Do vậy, các spa, cơ sở làm đẹp thường sử dụng các kênh phi chính thống để quảng cáo trái phép.
Qua kiểm tra, các sai phạm mà các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ thường mắc nhiều nhất vẫn là quảng cáo sai sự thật, thổi phồng các giá trị thật của sản phẩm, quảng cáo quá các dịch vụ làm đẹp của cơ sở họ…
Ông Nguyễn Việt Cường cho biết : "Làm đẹp bằng tế bào gốc từ động vật, thực vật hay con người là một phương pháp khám chữa bệnh do bộ Y tế quản lý và chỉ những cơ sở y tế được cấp phép mới được thực hiện. Phòng khám tư nhân được phép thực hiện việc làm đẹp này. Trên thực tế, các spa không được phép làm dịch vụ này nhưng vẫn “nổ” để thu hút khách hàng".
Sau buổi làm việc với PV báo Người đưa tin, thanh tra sở Y tế Hà Nội đã thành lập đoàn thanh tra các cơ sở theo phản ánh của báo. Kết quả kiểm tra cho thấy, các cơ sở đều có vi phạm về việc quảng cáo phân phối thực phẩm chức năng có tế bào gốc nhưng chưa có giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Nhiều spa quảng cáo sai sự thật như lăn kim thẩm mỹ…, đã bị xử phạt theo quyết định số 108/QĐ-XPVPHC ngày 13/4/2017.
Trong đó, các spa, quảng cáo "nổ" mạnh nhất như công ty TNHH ADPHA hay công ty JBP…. Đặc biệt, công ty TNHH JBP Việt Nam có địa chỉ tại 121B, Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội có bán loại thuốc uống nhau thai người Laennec P.O Human. Trên website tebaogoc.net, sản phẩm Laennec P.O Human do JBP phân phối được quảng cáo là tuân thủ theo quy chuẩn của bộ Y tế… Nhật Bản. Trước khi thanh tra sở Y tế vào cuộc, cục Quản lý Dược đã tiến hành kiểm tra và phát hiện hàng loạt sai phạm ở công ty này.
Theo đó, hàng loạt các sản phẩm của công ty này đưa ra thị trường không đáp ứng được quy định. Nhiều sản phẩm chưa ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhiều sản phẩm của công ty này không đúng với quảng cáo trên các sản phẩm của mình…
Có thể thấy, các hoat động của các cơ sở làm đẹp, spa… đang có rất nhiều vấn đề về việc quảng cáo cũng như truy xuất nguồn gốc. Nói về vấn đề này, ông Cường thừa nhận: "Năm vừa rồi, chúng tôi cũng kiểm tra và xử phạt rất nhiều cơ sở làm đẹp về vấn đề này. Có trường hợp, nơi quảng cáo không phải là nơi trực tiếp thực hiện các dịch vụ làm đẹp mà chỉ là bên trung gian quảng cáo nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn".
Nói về trách nhiệm trong việc quản lý các spa, cơ sở làm đẹp quảng cáo sai sự thật, ông Nguyễn Việt Cường cũng thừa nhận: "Các quảng cáo sai sự thật thường đến từ những nguồn phi chính thống như mạng xã hội, trang web thuê bên thứ 3… Đây là vấn đề khiến chúng tôi rất đau đầu vì rất khó quản lý, không như việc quảng cáo trên báo hình hoặc trực tiếp trên trang web của cơ sở đó".
Thông qua báo Người đưa tin, Thanh tra sở Y tế Hà Nội khuyến cáo những người đi làm đẹp nên tìm hiểu kỹ các dịch vụ làm đẹp. Ngoài những thông tin từ đội ngũ tư vấn viên spa, nên tham khảo thêm các thông tin khuyến cáo từ ngành y tế. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường ở các spa, cơ sở làm đẹp thì người dân phản ánh ngay với cơ quan chức năng, sở Y tế của địa phương đó.
Mỹ phẩm có tế bào gốc có thể gây ra phản ứng phụ Ông Trần Ngọc Quế, Giám đốc ngân hàng tế bào gốc Việt Nam, đã đưa ra những khuyến cáo về mỹ phẩm tế bào gốc. Ông Quế cho rằng: “Một số loại mỹ phẩm được giới thiệu là sản xuất theo ứng dụng công nghệ tế bào gốc nhưng trên thực tế không có tế bào gốc trong thành phẩm mà chỉ chứa các yếu tố nuôi dưỡng, phát triển tế bào thông qua các dịch nuôi, chỉ có thể tạo lớp sừng cho da đóng vai trò rào cản, giúp bảo vệ da và cơ thể khỏi các tác động xấu của môi trường, không có khả năng điều trị. Tế bào gốc hay các sản phẩm liên quan khi đã trộn chung với mỹ phẩm sẽ không còn tác dụng, thậm chí còn có thể gây ra những phản ứng phụ cho da. Do vậy, người tiêu dùng nên thận trọng trước khi sử dụng... " |
L.C - D.N