Bộ tộc Apatani tại Ấn Độ có một nghi thức tôn giáo kì lạ đó là đục mũi. Khi trưởng thành, hầu hết phụ nữ trong bộ tộc sẽ phải thực hiện nghi lễ khoan mũi và theo đó phải đeo 2 nút cúc đen ở mũi.
Không những thế, những người phụ nữ trưởng thành phải xăm mặt vĩnh viễn. Đó là những hình xăm chạy dọc theo khuôn mặt từ đỉnh trán xuống tới cằm.
Người dân bộ tộc tin rằng việc cắm mũi, xăm mặt sẽ ngăn chặn những người phụ nữ không bị cướp đi khỏi bộ lạc.
Bộ tộc Apatani sống trong một ngôi làng nhỏ nằm sâu trong thung lũng Ziro, họ còn được gọi là những người Tani. Vẻ đẹp của người Tani được đánh giá bởi tộc trưởng, một người phụ nữ đẹp phải là những phụ nữ sở hữu nút mũi lớn.
Những cái nút mũi của họ được gọi bằng tên "yaping hurlo" nhét vào 2 bên cánh mũi đã bị đục lỗ.
Nhiều phụ nữ lớn tuổi tại khu vực Ziro đều cảm thấy tự hào với dáng vẻ đặc biệt của mình, thậm chí còn khẳng định đây là một yếu tố quan trọng để tô đậm nền bản sắc mà tộc người Apatani đã dày công gây dựng.
Tuy nhiên, kể từ khi chính quyền trung ương Ấn Độ ra lệnh cấm tập tục đeo khuyên nong mũi vào những năm 1970 thì việc làm này đã dần bị mất đi.
Giới trẻ hiện nay cũng rất khó chấp nhận việc xăm trổ trên mặt vì điều đó khiến họ gặp khó khăn khi giao tiếp với xã hội bên ngoài.
Kỳ lạ chẳng kém, phụ nữ của bộ tộc Mursi và Surma ở Ethiopia lại tạo điểm nhấn trên gương mặt bằng cách đục môi, để môi có thể nhét vừa một cái đĩa lớn.
Ai có lỗ thủng càng lớn thì càng hấp dẫn. Vậy nên, ngay từ còn nhỏ, các bé gái đã được đục thủng môi dưới, nhét vào một vật gì đó. Những vật thay thế lớn dần lên, cho đến khi để vừa một cái đĩa lớn.
Những chiếc đĩa môi kỳ quái được coi là biểu tượng văn hóa, gắn với đời sống tinh thần của người Mursi.
Để đánh dấu sự thay đổi từ một cô gái thành một người phụ nữ ở tuổi 13, những cô gái Mursi bắt đầu đeo đĩa môi. Đầu tiên, họ rạch ra một phần ở môi dưới và đeo vào đó một chốt bằng gỗ.
Trong vài tuần sau đó, vết thương sẽ lành lại và cái chốt được thay bằng một cái to hơn. Quá trình kéo rộng này vô cùng đau đớn, theo thời gian những cái chốt lớn dần lên sẽ được gắn vào môi.
Khi cái lỗ ở môi dưới đã đủ rộng, cô gái sẽ phải đeo chiếc đĩa gỗ hay đất sét đầu tiên có đường kính khoảng 4cm.
Chiếc đĩa cuối cùng có thể có đường kính từ 8cm đến 20cm, một số người phụ nữ thậm chí phải đập bớt răng dưới để lấy chỗ cho những chiếc đĩa.
Những chiếc đĩa bằng đất sét, được gọi là dhebinya. Đĩa được làm đơn chiếc và trang trí nhiều họa tiết khác nhau.
Chiếc đĩa cuối cùng mà một người phụ nữ đeo có thể là màu trắng, nhuộm đỏ hoặc đen. Những cô gái chưa chồng sẽ đeo đĩa bằng gỗ gọi là kiyo.
Phụ nữ ở bộ tộc Mursi không nhất thiết lúc nào cũng phải đeo đĩa và những lúc đó bạn sẽ thấy họ càng thêm kỳ quái với phần môi dưới dài thẽo thượt.
Những phụ nữ đã có chồng phải đeo đĩa khi phục vụ đồ ăn cho chồng và trong những nghi lễ quan trọng như đám cưới, các trận chiến đấu…
Có khá nhiều giả thuyết về việc người Mursi bắt đầu đeo đĩa. Nhiều người cho rằng đĩa càng to thì nhà trai càng mất nhiều tiền lễ cho gia đình cô gái. Người khác lại cho rằng việc đeo đĩa như vậy là một cách cầu chúc người phụ nữ "mắn" hơn trong chuyện sinh con đẻ cái.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, tục lệ kỳ quặc này cũng dần mai một và tới nay, chỉ còn một nhóm bộ lạc người Ethiopia sống trong thung lũng Omo, phía Tây Nam đất nước còn làm theo thói quen truyền thống này.
Kì quặc là vậy mà ở nơi đây, những cô gái nào không đeo đĩa môi bị coi là xấu xí thậm chí không lấy được chồng!
Mời quý độc giả tiếp tục đón đọc tuyến bài Làm đẹp kinh dị với nhiều nội dung vô cùng hấp dẫn sẽ được xuất bản vào lúc 19h00 tối hàng ngày trên báo điện tử Người Đưa Tin.
Minh Anh (Nguồn Beautifulwithbrain)