Dù hiện đại hay cổ đại, một bờ môi đỏ mọng luôn là chuẩn mực của nét đẹp con gái.
Từ nghìn năm trước, con người đã quan tâm đến việc làm đẹp, đặc biệt là tô son môi đỏ. Đôi môi đỏ ban đầu để phân biệt quý tộc với các tầng lớp thấp hơn, sau này trở thành cách trang điểm.
Từ lâu, sử dụng son môi trở thành một việc làm đẹp không thể thiếu của người phụ nữ. Việc họ tô lên môi những màu sắc để chúng tươi tắn và quyến rũ hơn là một cách làm mình nổi bật hơn.
Công thức chế tạo son môi thời cổ đại bao gồm những thành phần kỳ lạ.
Khoảng từ năm 3.500 TCN, son môi đã được người Sumer (Iraq cổ đại) tạo ra bằng cách trộn chì trắng với đá đỏ được nghiền vụn. Nữ hoàng Sumer Schub-ad được cho là người đầu tiên dùng son màu. Lúc ấy loại son này rất độc hại nhưng lại được phái nữ rất ưa dùng.
Phụ nữ Ai Cập cổ đại rất thích tô son màu đỏ. Bức tượng bán thân nổi tiếng của nữ hoàng Nefertiti với đôi môi màu đỏ của bà trở thành một ví dụ mang tính biểu tượng cho vẻ đẹp nữ tính.
Người Ai Cập đã tự điều chế một công thức lạ và có phần ghê rợn để tô đỏ đôi môi.
Họ đã dùng cách nghiền những con bọ độc trộn với nước ép quả để tạo nên màu son đỏ đầy quyền lực. Thế nhưng tạo ra màu son này là không hề dễ dàng vì nó đòi hỏi khoảng 70.000 bọ cánh cứng chỉ để tạo ra nửa cân son đỏ.
Lại có các tài liệu lịch sử ghi chép cách mà người Ai Cập cổ đại dùng là nghiền nát hồng ngọc và các loại đá quý khác, trộn với chì trắng bôi lên môi để đôi môi có màu đỏ ánh lên màu ngọc bích.
Nếu muốn thêm phần tỏa sáng, họ đã trộn các thành phần này với vảy cá nhỏ. Các nhà khoa học đánh giá nhiều hợp chất và nọc độc côn trùng trong công thức này khá nguy hiểm.
Còn người Hy Lạp cổ đại lại quan tâm đến tóc giả và thuốc nhuộm tóc hơn là tô son môi.
Vào năm 1000 TCN, ở Hy Lạp cổ đại chỉ có gái mại dâm mới tô son để phân biệt với hội chị em phụ nữ gia giáo, quyền quý.
Công thức chế tạo son thời kỳ này gồm thuốc nhuộm đỏ và rượu vang kết hợp với một số thành phần khá kỳ lạ như mồ hôi cừu, nước bọt con người hay phân cá sấu.
Trong thời trung cổ, người ta hướng nhiều hơn về son dưỡng. Họ tạo ra hỗn hợp từ sáp ong và dầu, đôi khi thêm các loại thảo mộc có mùi thơm và cho một chút màu từ rượu vang đỏ. Đôi khi, họ sử dụng mỡ cừu, mỡ trăn.
Dĩ nhiên, hỗn hợp này có xu hướng tự nhiên và ít nguy hiểm hơn các công thức chế tạo son môi khác.
Ở Mỹ, từ thế kỷ 15 đến 18, phụ nữ Mỹ đã truyền tai nhau cách mút chanh để đôi môi đầy đặn và đỏ ửng, mặc dù phương pháp này cực kỳ có hại cho răng.
Ở Anh, nữ hoàng Elizabeth I được biết đến là người dẫn đầu xu hướng làm đẹp cho phụ nữ thời kỳ này.
Thế kỷ 16, bà sáng tạo cách làm đẹp diện mạo bằng khuôn mặt trắng như phấn và đôi môi màu đen tương phản. Nữ hoàng tin rằng màu đen có sức mạnh ma thuật, có thể tránh khỏi mọi điều đen đủi, kể cả cái chết.
Son môi bà dùng chủ yếu được tạo ra từ sáp ong và thuốc nhuộm thực vật. Công thức son môi bao gồm cochineal - một loại côn trùng, kẹo cao su Ả Rập (nhựa cây cứng), lòng trắng trứng và sữa. Bà phát minh chì kẻ môi bằng cách trộn thạch cao với sắc tố đỏ, sau đó để nó khô dưới ánh mặt trời rồi vẽ lên môi.
Nhiều thỏi son thời đó được tìm thấy trong thành phần có chứa chì cacbonat, chất gây độc cho cơ thể. Sau khi nữ hoàng Elizabeth qua đời, nhiều nhà nghiên cứu phát hiện lượng lớn chì trên môi bà. Giáo hội sau đó cấm dùng son môi.
Thời kỳ Nữ hoàng Victoria vào cuối những năm 1800 tiếp tục cấm sử dụng son môi đỏ khi cho rằng đó là vật dụng làm đẹp của gái mại dâm. Năm 1915, cây son đầu tiên trong ống kim loại trượt đã được Maurice Levy phát minh và đưa vào thị trường.
Công thức khi ấy của son môi là côn trùng nghiền nát trộn sáp ong và dầu ô liu. Hỗn hợp này sẽ bị ôi trên môi chỉ sau vài giờ bôi, tuy nhiên cũng không ngăn được phụ nữ sử dụng nó để làm đẹp.
Mặc dù hiện nay các công thức ấy không được sử dụng, thế nhưng đó cũng chính là minh chứng cho câu chuyện về cách làm đẹp.
Hãy là một quý cô thông minh khi làm đẹp!
Mời quý độc giả tiếp tục đón đọc tuyến bài Làm đẹp kinh dị với nhiều nội dung vô cùng hấp dẫn sẽ được xuất bản vào lúc 19h00 tối hàng ngày trên báo điện tử Người Đưa Tin.
Minh Anh (Nguồn Beautifulwithbrain, Passion)