Quy định trách nhiệm khi xảy ra sự cố vẫn chưa rõ
Chia sẻ tại toạ đàm “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Nhu cầu, lợi ích và giải pháp phát triển”, ông Đào Du Dương - Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam nhấn mạnh: Lợi ích mang lại cho cộng đồng của điện mặt trời là khá rõ ràng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện triển khai có nhiều vướng mắc.
Chỉ ra những yếu tố này, ông Dương liệt kê ra 7 vấn đề. Yếu tố đầu tiên ông chỉ ra là các quy định điều kiện lắp đặt cho điện mặt trời vẫn chưa có quy định rõ ràng. Hay những quy định về trách nhiệm khi xảy ra sự cố vẫn chưa rõ, mặc dù đây là điều rất quan trọng khi làm điện áp mái.
“Hiện nay những thẩm định về tiêu chuẩn, tính hợp pháp là vẫn chưa rõ, và đa phần mang tính tự phát. Điều đó dẫn đến chi phí thẩm định lớn, ước tính khoảng từ 300 - 500 triệu đồng”, ông cho hay.
Yếu tố thứ hai là thiếu tính nhất quán và quy định xuyên suốt. Theo ông Dương, chi phí để thực hiện, cấp phép không phải là nhỏ nhưng hiện nay mỗi nơi, mỗi địa phương làm khác nhau. Một số doanh nghiệp vẫn còn lúng túng do vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. “Điều này cần cụ thể rõ, thủ tục tránh nhiêu khê”, ông nhấn mạnh.
Tiếp đến là vấn đề phòng cháy chữa cháy. Hiện nhiều doanh nghiệp đang phải làm hồ sơ rất khó khăn. Cũng rất mong các thủ tục rõ ràng và thuận tiện hơn.
Thứ tư là vấn đề nghiệm thu các chủ đầu tư. Ông đề xuất chỉ nên định kỳ có đoàn liên ngành thực hiện kiểm tra, đưa ra các ý kiến, kiến nghị để doanh nghiệp đỡ bị nhiêu khê. Và cũng nên có đầu mối, đường dây nóng để nhận ý kiến và đưa ra hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Thứ năm, cần phải có quy định về tiêu chí lắp đặt. “Thời gian vừa qua có hiện tượng ồ ạt lắp đặt điện mặt trời mái nhà, khiến bị đội giá thành, chất lượng công trình chưa đảm bảo”, ông chỉ ra.
Thứ sáu là cần có định nghĩa về “tự dùng”. Các khái niệm, định nghĩa về “pin năng lượng”, “tự dùng” nên rõ ràng hơn, phù hợp với thực tế hơn để có một thái độ đúng hơn.
Yếu tố cuối cùng, ông Dương cho đó là việc doanh nghiệp cần những kênh cung cấp những thông tin chính thống, chính xác. Ngoài ra, ông cũng lưu ý về vấn đề xử lý rác thải, đặc biệt là việc xử lý các tấm pin đã hết hạn sử dụng. Ông cho rằng đây sẽ là một vấn đề lớn trong tương lai gần.
Sử dụng năng lượng tái tạo không còn là tùy chọn
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, để xây dựng vị thế có tính bền vững cho ngành dệt may Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất nói chung, về vấn đề năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng nguồn nước, đảm bảo vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, thì Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp sử dụng điện tái tạo nhằm tạo động lực chuyển đổi mạnh hơn nữa mô hình này ở doanh nghiệp.
Trong đó, cần tập trung vào các giải pháp để triển khai và phải tuân thủ giải pháp trong từng doanh nghiệp. Bởi, Việt Nam là nước cam kết và tuân thủ.
“Có nghĩa là trong câu chuyện này, không phải Nhà nước tuân thủ mà cộng đồng doanh nghiệp và người dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật”, ông Giang nhấn mạnh.
Cũng theo ông Giang, bên cạnh đó thì các doanh nghiệp nên đề xuất với Chính phủ để thúc đẩy mô hình điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp sản xuất để hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực trong nước thật tốt để đáp ứng việc áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến.
Vị Chủ tịch Vitas cho biết, hiện các doanh nghiệp dệt may cũng khá áp lực trong việc thực hiện chuẩn mực và đánh giá về thị trường chiến lược, đặc biệt là thị trường Mỹ và Châu Âu…
Đơn cử, trong chiến lược 10 năm tới mà châu Âu đưa ra sẽ có nội dung đánh giá các doanh nghiệp mà họ nhập khẩu khi áp dụng nặng lượng sạch để đáp ứng về môi trường khí thải, nguồn nước… “Đây chính là áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp trong ngành dệt may để hoàn thiện nó”, ông nhấn mạnh.
Do đó, theo ông Giang, giải pháp của doanh nghiệp ngay trong lúc này là phải chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng để sẵn sàng hỗ trợ cho ngành hàng xuất khẩu khi sử dụng năng lượng tái tạo. Việc sử dụng năng lượng tái tạo trong nhà máy sẽ là điểm cộng cho các doanh nghiệp về môi trường, nguồn nước… trong đó có ngành dệt may.
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Long - Giám đốc Phát triển Kinh doanh CME Solar nói rằng: Việc sử dụng năng lượng tái tạo không còn là tùy chọn mà là bắt buộc đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo lập luận của ông Long, muốn xuất khẩu được phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về năng lượng, phải chuyển năng lượng hóa thạch thành năng lượng tái tạo, không còn cách nào khác. Hơn nữa, Việt Nam cũng đã cam kết sẽ giảm phát thải ròng xuống 0% vào năm 2050.
Để triển khai điện mặt trời áp mái, ông Long cho rằng, doanh nghiệp có 2 hướng: Một là tự đầu tư và hai là kêu gọi nhà đầu tư.
Theo đó, nếu doanh nghiệp có dòng tiền nhàn rỗi lớn, thì có thể tự đầu tư. Nếu không, không nên đi vay tiền để đầu tư. “Theo tính toán thì nếu so tỉ suất sinh lời của điện mặt trời so với lãi suất ngân hàng thì phần lợi ích thu lại cho doanh nghiệp là không đáng để triển khai”, ông nói.
Ông Long khuyên doanh nghiệp nên để những nhà đầu tư về năng lượng tái tạo cung cấp cho doanh nghiệp, không nên tự làm vì tốn thời gian và nhiều rủi ro.
Hiện nay trên thị trường Việt Nam cũng có khá nhiều nhà đầu tư, nhiều nhà phát triển điện mặt trời lớn, có tên tuổi từ Anh, Đức, Úc,... để các doanh nghiệp chọn để cộng tác. Tuy nhiên, khi chọn nhà đầu tư, doanh nghiệp nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ, đừng vội tin vào những đơn vị nào quảng cáo nhiều, hoành tráng.