Trong sự nghiệp của tôi, có nhiều chuyến công tác đáng nhớ, nhưng đáng nhớ nhất là lần đi công tác thực hiện vệt điều tra liên quan đến vụ việc cá chết trên biển miền Trung liên quan đến Formosa vào tháng 4 năm 2016.
Đó sự kiện nóng nhất, phức tạp nhất, căng thẳng nhất mà tôi và ê-kip của mình thực hiện vào thời điểm đó cũng như cho đến nay. Đó là sự kiện mà một ê-kip phóng viên trẻ lần đầu tiên phải đối mặt với những áp lực của công việc làm báo điều tra.
Ê-kip của tôi khi tiếp cận các thông tin từ hiện trường, phản ánh của người dân, đến khi lặn xuống biển ghi hình ảnh về cống thải của doanh nghiệp, hay ghi lại phỏng vấn thách thức của ông Chu Xuân Phàm… là những thông tin mở màn cho cả xã hội vào cuộc, lên tiếng và tìm ra nguyên nhân cá chết trên biển miền Trung.
Có rất nhiều kỷ niệm khi đi tác nghiệp liên quan đến sự kiện này. Có lẽ đáng nhớ nhất chính là cảm giác khi chúng tôi đến với bãi biển ở Quảng Trạch, Quảng Bình, lúc ấy, dọc bãi biển chất đầy những xác cá. Khi chúng tôi cùng với ngư dân đi nhặt cá trên bờ, những nỗi xót xa của người dân khi biển bị ô nhiễm, khi cá chết, khi kế mưu sinh bị ảnh hưởng và cuộc sống hoang mang vô định.
Người dân khóc, phóng viên khóc. Hà Tĩnh, miền Trung cũng là quê hương của tôi. Những gì diễn ra trên biển thời điểm đó khiến nhiều người dân Việt cảm thấy đau lòng. Đó cũng là một trong những lý do khiến chúng tôi tập trung tìm hiểu bằng được nguyên nhân của vụ việc.
Khi tiếp cận với cống xả thải, tận mắt chứng kiến những dòng nước thải ra từ đường ống, khi chúng tôi đưa toàn bộ tư liệu đó đi hỏi những người có trách nhiệm của Formosa, điều nhận lại được chính là câu nói về sự lựa chọn: “Chọn cá hay chọn thép” của ông Chu Xuân Phàm.
Mọi chuyện sau đó, như các bạn đã biết, thúc đẩy lực lượng chức năng vào cuộc, Chính phủ, bộ TN&MT, lực lượng chức năng điều tra gấp rút và đã tìm được nguyên nhân. Cảm giác đi đầu là cảm giác hạnh phúc của mỗi PV. Tuy nhiên, với mỗi PV truyền hình thì việc hợp đồng tác chiến với ê-kip của mình vô cùng quan trọng. Formosa cũng là sự kiện mà chúng tôi “đốt đuốc đi đầu”. Nhiều áp lực, nhiều căng thẳng nhưng chúng tôi vẫn hay đùa nhau, với truyền hình thì “hình là máu”, vì vậy, phải có được hình ảnh, bảo vệ hình ảnh và sử dụng hình ảnh để truyền tải thông điệp đến khán giả. Những hình ảnh đầu tiên luôn là những hình ảnh ấn tượng và mang lại cảm giác hạnh phúc.
Làm mảng điều tra nó như một loại ma tuý, khiến mình nghiện và đam mê hơn. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn lựa chọn mảng này. Đó là cách tôi thoả mãn đam mê của mình cũng như góp phần vào việc xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, mang lại bình yên, không gian sống trong lành cho người dân và cho chính bản thân mình, gia đình mình.
Mảng điều tra là mảng nguy hiểm, đòi hỏi sự dấn thân, nhưng cũng là mảng mà nhiều phóng viên, nhà báo thích tham gia và lựa chọn để theo đuổi. Vì khi làm điều tra tức là mình góp phần vào việc bóc tách những mảng tối, những góc khuất của những sự vụ trong cuộc sống mà người dân, dư luận hay lực lượng chức năng đều mong muốn tìm được câu trả lời tận gốc của vấn đề. Khi làm điều tra, nhà báo góp phần công sức của mình vào việc khám phá những vấn đề nóng, hấp dẫn.
Với tính cách thích khám phá những điều mới lạ, thích làm những công việc mạo hiểm nên tôi thích mảng này. Tất nhiên, là cũng phải thực sự biết hi sinh, đối mặt với những khó khăn, gian khổ khi làm điều tra. Thậm chí, có lúc, phải xác định đánh đổi bằng cả máu của mình. Nhưng bù lại, những vụ việc đó được sáng tỏ, người dân biết thông tin, lực lượng chức năng có thêm cơ sở điều tra, và mình góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Nguyễn Huệ (ghi)