Ngày 2/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng xác nhận, bệnh nhân T.X.V, 17 tuổi, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đã hoàn toàn hồi phục và có thể xuất viện vào ngày 2/11.
Bệnh nhân T.X.V nhập viện khuya 22/10 vì tai nạn giao thông. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, kích thích, la hét, đa chấn thương, tim đều, phổi ran ẩm, bụng mềm. Sau vài giờ, bệnh diễn tiến nặng dần, bệnh nhân lơ mơ, khó thở, được xử trí đặt nội khí quản, hỗ trợ thở máy.
Chiều 23/10, mặc dù đã được điều trị nội khoa tích cực và được cài máy thở hỗ trợ tối đa, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy máu) luôn ở mức thấp.
Bác sĩ Nguyễn Kỳ Sơn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng), hội chẩn với bác sĩ Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM) về chỉ định ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể).
Ngay sau khi hội chẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy cử bác sĩ đến Tp.Đà Lạt cùng các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng đặt ECMO cho bệnh nhân. Bệnh nhân duy trì ECMO liên tục trong 4 ngày, sau đó được sử dụng máy thở kết hợp ECMO trong 2 ngày để cai ECMO.
Mặc dù đã được chuyển giao kỹ thuật trước đó nhưng đây là trường hợp đầu tiên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng thực hiện đặt ECMO.
Bác sĩ Nguyễn Kỳ Sơn cho biết, tình trạng bệnh nhân nguy kịch, thời điểm đó nếu chuyển viện cũng không được. Phổi bệnh nhân gần như ngưng hoạt động nên khả năng suy đa tạng rất cao. Việc dùng ECMO là biện pháp tối ưu.
Giải thích về ECMO, bác sĩ Kỳ Sơn cho biết: "Có thể nói nôm na ECMO như tim phổi nhân tạo, khi chức năng tim, phổi của bệnh nhân bị suy yếu thì dùng ECMO để thay thế nhằm cứu các cơ quan khác của cơ thể, từ đó có thể cấp cứu, điều trị bệnh nhân tốt nhất".
Theo bác sĩ Kỳ Sơn đánh giá, phổi bệnh nhân đã hồi phục 98%. Hiện, bệnh nhân đã vận động nhẹ, có thể tự ăn uống.