Trước đó, ban Quản lý rừng Lâm Viên phối hợp với kiểm lâm địa bàn tiến hành tuần tra và phát hiện tại tiểu khu 157 thuộc đối tượng rừng nội ô (trên địa bàn phường 4, TP.Đà Lạt) có nhiều cây thông khoảng 40 năm tuổi (đường kính gốc từ 20 đến gần 60cm, chiều cao từ 8 đến 14m) bị đốn hạ.
Ghi nhận tại hiện trường, tại lô b, khoảnh 2 (tiểu khu 157), hàng chục cây thông bị cưa hạ, phần thân, lá vẫn còn nguyên, gỗ bị xẻ vứt ngổn ngang. Xung quanh khu vực còn có rất nhiều cây thông khác bị đổ thuốc độc, đẽo vỏ chết khô. Cạnh đó, 2 xe máy xúc đang ngang nhiên san ủi đất rừng trái phép, khi cơ quan chức năng tới nơi thì các đối tượng bỏ xe rời khỏi hiện trường.
Sau đó, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành xác minh một đối tượng có liên quan đến vụ chặt phá rừng. Tuy nhiên, khi Hạt Kiểm lâm Đà Lạt mời đối tượng lên để xác minh, làm rõ thì các đối tượng không đến và không thông báo lý do.
Theo ghi nhận của kiểm lâm địa bàn và người dân sinh sống trong khu vực thì nhiều năm qua, tại khu vực này thường xuyên xảy ra hành vi lấn chiếm đất rừng trái phép để làm nhà ở, sản xuất nông nghiệp. Các đối tượng chặt phá rừng, san ủi lấy đất sang nhượng trái phép với giá khoảng 150 triệu đồng/100 m2.
Trước đó, vào giữa tháng 10, tại xã Tà Nung (Đà Lạt) cơ quan chức năng cũng phát hiện có gần 200 cây thông ba lá 30 năm tuổi (đường kính gốc từ 15 - 60cm, cao từ 12 - 16m), bị khoan gốc đổ thuốc diệt cỏ vào bên trong. Diện tích rừng thông bị đầu độc khoảng 8.500m2.
Gần đây nhất, ngày 3/11, Đoàn công tác liên ngành gồm Kiểm lâm TP.Đà Lạt, đội Cảnh sát Kinh tế, Công an TP.Đà Lạt, ban Quản lý rừng Lâm Viên (Lâm Đồng) đã tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng thông hơn 40 năm tuổi tại tiểu khu 151, thuộc phường 12, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) và phát hiện có hàng chục cây thông 40 năm tuổi bị chặt hạ.
Sau quá trình điều tra theo dõi lực lượng chức năng đã bắt được 2 đối tượng. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, tranh thủ thời tiết mưa và chặt hạ cây, nếu thành công thì lấy đất để bán.
Ngoài ra, 1 năm trở lại đây, nhiều khu rừng thông ở Đà Lạt và huyện Lạc Dương, Lâm Hà (Lâm Đồng) cũng bị đầu độc bằng bơm thuốc vào thân cho cây héo khô, chết dần.
Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra và xử lý theo pháp luật.
Theo Ngọc Hà (Dân trí)