Ngày 21/7, ông Nguyễn Đức Cứ - Trưởng Phòng Kinh tế, Tp.Đà Lạt cho biết, tổ kiểm tra giám sát này nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh không lành mạnh, hạn chế và tiến tới chấm dứt việc sử dụng "cò" đặc sản gây rối an ninh trật tự, chèo kéo khách gây phản cảm.
Theo ông Nguyễn Đức Cứ, việc thành lập 2 tổ kiểm tra giám sát có sự phối hợp giữa Ban Chỉ đạo 389 với Phòng Kinh tế thuộc Đội Cảnh sát kinh tế, Đội Quản lý thị trường số 1 và đại diện UBND các phường trên địa bàn Tp.Đà Lạt vào cuộc tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh hàng đặc sản trên địa bàn.
Nhiệm vụ là tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng tiếp thị thiếu văn hóa, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, các cơ sở kinh doanh có sử dụng hoạt động tiếp thị kém lành mạnh trên địa bàn Thành phố này, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, trường hợp vi phạm nhiều lần, lập hồ sơ đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh theo quy định.
Qua đó, 2 tổ kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh hàng đặc sản sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày 22/7 cho đến hết ngày 31/12.
Được biết, hiện Công an Tp.Đà Lạt đang điều tra, làm rõ vụ việc gần 10 người cầm dao, gậy bóng chày đuổi đánh nhau trước khu du lịch Thung lũng tình yêu – Đồi mộng mơ. Nhóm người trên hầu hết là "cò" đặc sản làm việc tại các cửa hàng kinh doanh đặc sản tại khu vực trên.
Vụ việc xảy ra đã làm xe máy của khách hàng để trước quầy đặc sản bị hư hỏng, hàng trăm người dân và khách du lịch đang tham quan nghỉ dưỡng hoảng loạn bỏ chạy.
Cũng liên quan đến "cò" đặc sản, ngày 18/7, Đội Cảnh sát kinh tế Công an Tp.Đà Lạt vào cuộc xác minh vụ việc, một video clip xuất hiện trên mạng xã hội liên quan đến một "cò" mứt (làm từ trái cây, là đặc sản của Tp.Đà Lạt - PV) tại Tp.Đà Lạt liên tục chửi bới do xung đột với hướng dẫn viên.
Tình trạng "cò" du lịch, "cò" đặc sản tranh giành, chèo kéo du khách với những lời lẽ thô tục sau thời gian dài tạm lắng, thì nay bùng phát trở lại làm xấu hình ảnh du lịch Tp.Đà Lạt.
Ngày 19/7, Công an Tp.Đà Lạt cho biết đã xác định được 11 người cầm dao, gậy rượt đuổi nhau tại khu vực gần khu du lịch Thung lũng tình yêu. Hiện, cơ quan Công an đang củng cố hồ sơ để xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân có thể do mâu thuẫn cá nhân giữa “cò” của 2 cửa hàng đặc sản ở khu vực gần khu du lịch Thung lũng tình yêu.
Đối với clip lan truyền mạng về cảnh “cò" đặc sản xô xát với hướng dẫn viên (HDV) du lịch, đội Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, Công an Tp Đà Lạt cũng đã vào cuộc điều tra.
Bước đầu xác định, ngày 17/7, P.N.D.A, HDV du lịch trên xe khách 45 chỗ (thuộc Hiệp hội du lịch tỉnh Khánh Hòa) dẫn khách đi tham quan tại Đồi Robin (Khu du lịch Cáp treo, Tp.Đà Lạt) thì xảy ra mâu thuẫn với Thái Hữu Thanh, 36 tuổi, ngụ đường Nguyên Tử Lực, phường 8, Tp.Đà Lạt.
Nguyên nhân, Thanh muốn lên xe du lịch để mời khách mua mứt đặc sản tại cơ sở kinh doanh “SKY” trên đường Nguyên Tử Lực, nhưng HDV không đồng ý.
Thanh cho rằng, P.N.D.A là “cò” của cơ sở kinh doanh đặc sản Hương Đà trên đường Trần Quốc Toản (phường 1, Tp.Đà Lạt) nên đã có lời qua tiếng lại và cầm bảng chữ ghi nội dung cơ sở Hương Đà chi phần trăm cho hướng dẫn viên và tài xế (25% doanh thu lượng mứt khách mua) để cảnh báo với du khách.
Tại cơ quan công an, Thanh thừa nhận có hành vi tranh giành khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ không đúng theo quy định pháp luật. Công an tiếp tục xác minh, làm rõ nội dung trong clip nêu trên và sẽ xử lý nghiêm trường hợp các cá nhân vi phạm hoạt động “cò” du lịch.
Các cơ quan chức năng bước đầu xác định, SKY và một cửa hàng trên đồi Robin có sử dụng "cò" để chèo kéo du khách.
Công an Tp.Đà Lạt cũng đã phối hợp đoàn liên ngành của Thành phố này kiểm tra tại SKY và Hương Đà, phát hiện nhiều vi phạm như: kinh doanh một số mặt hàng đặc sản không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhiều nhân viên chưa có giấy khám sức khỏe, không có hợp đồng lao động, chưa xuất trình được giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm…
Đoàn đã lập biên bản, niêm phong, tạm thu giữ một số mặt hàng đặc sản không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng trị giá trên 50 triệu đồng để tiến hành xem xét, xử lý.
Ngoài ra, theo phản ánh có tình trạng một số quầy kinh doanh đặc sản quảng cáo có vườn dâu tây, hứa hẹn sau khi khách mua mứt sẽ dẫn đi tham quan và bán với giá chỉ có vài chục ngàn đồng mỗi ký (kg).
Thế nhưng sau khi du khách mua mứt, 'cò' dẫn họ đến vườn dâu của người khác rồi chuồn thẳng. Đến khi tiếp xúc với các chủ vườn dâu, du khách mới biết đã bị lừa. Thực tế giá dâu tây bán tại vườn lên đến mấy trăm ngàn đồng mỗi ký.