Định giá tài sản chưa bằng 1/3 giá trị thực!
Do có vay mượn tiền của các đối tác để làm ăn, bà Phạm Thị Hồng - Chủ doanh nghiệp tư nhân Hồng Hưng, địa chỉ 357, đường Phan Đình Phùng (TP Đà Lạt), bị Tòa án TP. Đà Lạt tuyên phải trả cho nhiều người với số tiền hàng chục tỷ đồng. Để đảm bảo thi hành án, cơ quan THA TP. Đà Lạt đã kê biên, tổ chức bán đấu giá khối tài sản của bà Hồng ở địa chỉ 357, đường Phan Đình Phùng, bao gồm trạm xăng, khu nhà đất gần 4.000m2 mà bà Hồng và con cháu đang ở.
Cuối năm 2008, Chi cục THA TP. Đà Lạt đã ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản với trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng. Kết quả ngày 20/2/2009, khối tài sản của bà Hồng đã được đem ra đấu giá với giá khởi điểm 37,2 tỷ đồng. Sau 3 vòng đấu cho có “lệ”, công ty TNHH Phương Trang đã mua được với giá ‘nhỉnh” hơn giá khởi điểm… 50 triệu đồng.
Theo chứng thư thẩm định số 90929/TĐ ngày 10/9/2009 của công ty cổ phần giám định- thẩm định Miền Nam, thì khối tài sản nhà đất và trạm xăng của bà Hồng tại địa chỉ 357- Phan Đình Phùng có giá trị 126,1 tỷ đồng. Kết quả thẩm định của Công ty cổ phần định giá miền Nam do cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng yêu cầu định giá tài sản của bà Hồng cũng có giá trị đến 61 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại thời điểm tổ chức đấu giá, khối tài sản này nếu bán ra thị trường cũng có giá trị xấp xỉ 100 tỷ đồng. Vô lý hơn, để định giá khối tài sản của bà Hồng thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực, cơ quan THA TP Đà Lạt đã áp dụng quyết định số 45/2007 đã hết hiệu lực của UBND tỉnh Lâm Đồng về giá đất trong nội thành Đà Lạt để làm căn cứ định giá.
Như vậy, dư luận đã đúng khi cho rằng, vụ kê biên, tổ chức bán đấu giá khối tài sản của bà Hồng là “kịch bản” hoàn hảo, khi mà cơ quan THA TP Đà Lạt đã bất chấp các quy định của pháp luật, để đem khối tài sản của bà Hồng ra bán với giá thấp hơn giá trị thực… 1/3 lần.
“Kịch bản” bất chấp pháp luật!
Làm việc với PV, bà Phạm Thị Hồng bức xúc cho biết, toàn bộ quá trình định giá, tổ chức bán đấu giá khối tài sản của cá nhân bà, bà và các thành viên trong gia đình hoàn toàn không được biết. “Họ tự ý kê biên, định giá rồi móc ngoặc bán đấu giá tài sản của tôi với giá trị như cho không. Trong khi đó, tôi là đối tượng phải được biết và được ưu tiên đầu tiên trong quá trình đấu giá, thì họ lại cố tình bỏ qua, thử hỏi công lý và pháp luật ở đâu khi nơi ở và nơi thờ tự dòng họ duy nhất của gia đình tôi bị ăn cướp một cách trắng trợn như vậy?”.
Đi sâu tìm hiểu vụ việc, chúng tôi nhận thấy vụ việc này có quá nhiều bất thường, khi mà Luật THA dân sự đã quy định, khi định giá và phát mãi tài sản, cơ quan THA phải thông báo cho chủ tài sản biết về mức giá sàn của khối tài sản (điều 98), vậy mà ngày 25/11/2008 và 30/12/2008 cơ quan THA TP Đà Lạt ra các quyết định, thì ngay sau đó đã vội vàng lập biên bản định giá tài sản mà không hề có mặt chủ tài sản là bà Hồng.
Nghiêm trọng hơn, cơ quan THA đã không để cho người phải thi hành án và người được thi hành án thực hiện cái quyền tối thiểu nhất là tự thỏa thuận về giá, khi mà các quyết định kê biên, thành lập hội đồng đấu giá diễn ra gần như… cùng một lúc!
Điều đáng nói, quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản vội vã đó (ngày 30/12/2008) đã không đủ thành phần theo quy định, ngay cả việc định giá tài sản ngày 02/01/2009 cũng thiếu vắng đại diện Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và chủ tài sản do không có trong quyết định cũng như không được thông báo. Ngay cả ngày tổ chức bán đấu giá, bà Hồng và các con của bà đang sinh sống tại địa chỉ nhà 357- Phan Đình Phùng cũng không được thông báo để tham dự. Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng tới nguyên tắc công khai, khách quan… và trình tự thủ tục cần phải thực hiện khi bán đấu giá tài sản thi hành án.
Như vậy, quá trình kê biên, bán đấu giá tài sản ở địa chỉ 357- Phan Đình Phùng (TP Đà Lạt) là vi phạm pháp luật, ngay cả ông Nguyễn Long Vân- Phó chi cục trưởng THA TP Đà Lạt cũng đã bị khởi tố vì tội “ra quyết định trái pháp luật” liên quan đến việc này, thì theo quy định tại khoản b, c điều 29 Nghị định số 60/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp; khoản 3 điều 56 Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản thì kết quả bán đấu giá khối tài sản này phải bị hủy. Và theo đó “Trong trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.
Cũng cần nói thêm, cơ quan THA TP Đà Lạt ngoài việc bất chấp các quy định của pháp luật để “bán tống bán tháo” khối tài sản của công dân với giá “rẻ như bèo”, còn có dấu hiệu không muốn nhận khối tài sản có giá trị khác mà người phải thi hành án tự nguyện đưa ra thi hành án, bởi theo bà Hồng thì “tôi còn có tài sản giá trị lớn ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… và đã nhiều lần có đơn đề nghị cơ quan THA đưa ra đấu giá những tài sản đó để trả nợ, chứ nhà và đất ở địa chỉ 357 là nơi ở và nơi thờ tự duy nhất của tôi và dòng họ La! Đây cũng là nơi thờ tự duy nhất 02 liệt sỹ là anh trai của tôi.Vậy vì nguyên cớ gì mà cứ đòi lấy tài sản của tôi ở đây để THA cho bằng được?”
Điều 95 Luật THADS đã khẳng định: “Việc kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình chỉ được thực hiện sau khi xác định người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án, trừ trường hợp người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà ở để thi hành án”.
Nhà 357- Phan Đình Phùng không chỉ là nơi ở duy nhất của đại gia đình nhà bà Hồng, với hàng chục con người cùng nhau chung sống, mà còn là nơi tạo ra nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình (đây là ngôi nhà 02 mặt tiền ở trung tâm TP Đà Lạt, kinh doanh đa lĩnh vực).
Điều đó lý giải tại sao bà Phạm Thị Hồng luôn tha thiết đề nghị Cơ quan chức năng xem xét lại kết quả đấu giá, cũng như có nguyện vọng được trả nợ bằng tài sản khác của doanh nghiệp Hồng Hưng, đồng thời cũng lý giải tại sao gia đình bà Hồng kiên quyết không chấp nhận kê biên, đấu giá và cưỡng chế nhà đất tại địa chỉ trên.
Nhóm PV