Nhận biết đối tượng
Xác định được đối tượng, bạn cũng phần nào hạn chế được cướp giật. Thường thì cướp giật đủ mọi loại đối tượng, nhưng đa số là nam thanh niên hoặc trung niên, hay nhìn dáo dác, hay bám đuôi theo dõi hoặc lượn lờ gần mình. Khi đó, cần tạt vào nhà dân hay hàng quán bên đường ngay lập tức, đợi kẻ tình nghi đi khuất rồi mới tiếp tục ra đường.
Nếu thấy có đối tượng khả nghi bám theo, bạn nên dừng xe và quan sát tình hình. Nếu không an toàn, bạn có thể vào quán uống nước và tiếp tục quan sát đối tượng bám theo bạn. Nếu thấy không an tâm, bạn nên điện thoại cho người thân nhờ hỗ trợ.
Cất túi xách vào cốp xe
Khi lưu thông trên đường bằng xe máy, rất nhiều chị em phụ nữ mắc lỗi chung: vừa điều khiển xe mà vừa đeo túi xách phía bên hông. Có người sử dụng túi đeo dây dài thì lại để phía sau lưng, nằm hờ hững trên yên xe.
Vừa điều khiển xe mà vừa đeo túi xách hớ hênh tạo điều kiện cực kì lí tưởng cho các vụ cướp
Đây chính là cách tạo điều kiện cực kì lí tưởng cho các vụ cướp túi xách. Có thể bị giật kéo ngã khỏi xe hoặc bị cắt dây quai mà chẳng hề hay biết. Đã có rất nhiều phụ nữ bị cướp theo kiểu thế này, hậu quả là trầy trụa, gãy tay, và nhiều tình huống rất nguy hiểm khác.
Để phòng tránh bị giật túi xách khi đang đi xe, tốt nhất nên cất vào cốp xe, hoặc không thì quấn chặt quai nhiều vòng vào cổ xe và lấy áo khoác đậy lại, không nên đeo trên vai dù là đeo xéo vai vì rất dễ bị cắt hoặc khi bị giật nạn nhân sẽ bị kéo lê trên đường.
Cố định và ngụy trang đồ đạc
Trong trường hợp xe của bạn có chiếc cốp quá nhỏ, hoặc bạn mang theo những chiếc ba lô lớn, không thể bỏ vào cốp xe, bạn hãy tìm cách ngụy trang để không gây sự chú ý của bọn cướp.
Không nên tạo "mồi ngon" cho bọn cướp như thế này
Lưu ý đầu tiên là không nên để ba lô, túi xách trước giỏ xe, như thế chẳng khác nào mời gọi bọn cướp đến lấy. Muốn giật ba lô thì cướp sẽ phải nắm vào quai. Do đó ta tìm cách giấu quai đi. Để lưng ba lô hướng về phía trước, đồng thời giấu quai mang vào khuất bên trong. Còn quai phía trên nên đậy lại bằng một chiếc áo mưa đã xếp vuông vức. Hai chân chặn hai bên. Ngoài ra, khi dừng đèn đỏ ở ngã tư đường, nên quan sát hai bên trước khi bỏ chân xuống. Bên nào có đối tượng ít tình nghi hơn - cặp vợ chồng lớn tuổi, xe có trẻ em… - thì chống chân phía bên ấy. Chân bên còn lại chắn giữ ba lô.
Ba lô, túi xách nếu bắt buộc phải để bên ngoài thì nên mắc quai cố định ở móc khóa. Đối với bạn nào ngồi phía sau được người khác chở thì phải ôm chặt chiếc túi của mình ở giữa, cũng không nên đeo ở bên hông.
Đang lái xe, đừng nghe điện thoại
Nghe điện thoại, xem tin nhắn khi đang điều khiển xe cũng hết sức nguy hiểm. Đây chính là tật cố hữu của nhiều người. Không chỉ vi phạm luật giao thông mà còn làm mồi ngon cho cướp giật. Vì thế, không nên nghe điện thoại ngoài đường.
Nghe điện thoại cũng là mồi ngon cho cướp giật
Nếu chuyện khẩn cấp phải trả lời điện thoại thì nên ghé sát vào lề chỗ có cột điện hay gốc cây làm chướng ngại vật. Điện thoại hướng vào phía bên trong, cả bàn tay ôm gọn điện thoại không để chìa ra, mắt quan sát cảnh giác xung quanh. Thấy kẻ tình nghi lập tức dừng điện thoại ôm vào ngực hoặc bỏ vào túi áo túi quần ngay, có gì xin lỗi phía bên người đối thoại sau vì đã gián đoạn.
Đừng đeo trang sức
Ngày nay, đồ để vào cốp thì xe vẫn có thể bị cướp. Nhưng nguy cơ bị cướp xe ít hơn hẳn bị cướp giật nên ta nên chọn phương án ít nguy cơ hơn. Nhiều người thường đeo trang sức hớ hênh, phô diễn tài sản ngoài đường phố. Phương án tốt nhất là ta nên cất nữ trang vào cốp xe. Nếu không, nên gài nút cổ, che kín vòng vàng nhẫn kim cương bằng bao tay và áo khoác. Khi không thấy tài sản, tên cướp ít chọn chúng ta làm đối tượng hơn.
Đừng đi đường quá vắng người
Khi lưu thông trên đường, bạn nên đi với nhiều người, hạn chế đi một mình, nhất là ở những đoạn đường vắng, thiếu ánh sáng hoặc đi vào những nơi mà bạn chưa quen đường, hạn chế việc đi sớm về khuya ở những đoạn đường không an toàn.
Hạn chế đi lại trên những con đường vắng
Nếu có hai đường, hãy chọn đường đông đúc, thay vì đường vắng. Cho dù đường có đông hơn, xa hơn nhưng chắc chắn nguy cơ xảy ra cướp giật sẽ ít hơn.
Bạn hãy tìm hiểu rõ nơi bạn đến trước khi tham gia lưu thông. Tránh những con đường mà bạn đã nghe thấy hoặc qua thông tin báo, đài là thường xuyên có cướp giật. Nếu có hỏi thăm đường nên hỏi ở các chốt giao thông, các chiến sĩ công an sẽ chỉ đường cho bạn.
Tháng “củ mật”, tháng gần tết sắp đến, nên nguy cơ cướp giật được dự báo là sẽ ngày càng tăng, vì vậy chúng ta lại càng cần phải đề phòng. Đôi khi chỉ cần đôi chút sơ hở là những tài sản có giá trị như điện thoại hay túi xách có thể bị cướp đi một cách dễ dàng, thậm chí còn bị tai nạn giao thông làm ảnh hưởng đến tính mạng. Một khi xã hội vẫn còn cướp giật phổ biến thì nên nhớ rằng: cảnh giác không bao giờ thừa.
Theo TTTĐ/Autodaily.vn