Làm gì để nâng tầm nông sản Việt ở nước ngoài?

Làm gì để nâng tầm nông sản Việt ở nước ngoài?

Thứ 5, 29/08/2013 09:42

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, bà Vũ Hồng Liên, hiện đang sống tại miền Nam nước Pháp phản ánh tình trạng một số mặt hàng nông sản, thủy sản của nước ta bán ở nước ngoài có chất lượng chưa tốt.

Theo bà Liên: "Một số hàng như thanh long, hến, tôm, cá…. hiện bán trong siêu thị lớn của Bồ Đào Nha cũng như các nước khác như Pháp, Tây Ban Nha và cộng đồng châu Âu không được người mua ưu tiên lựa chọn. Tôi mong rằng người sản xuất chú ý hơn đến chất lượng để hàng của ta không còn bị kỳ thị. Tại một siêu thị lớn Bồ Đào Nha, 1kg nghêu của Việt Nam giá 2,99 euro, gần bằng 85.000 đồng. 1kg thanh long có giá 22 euro, gần bằng 600.000 đồng. Giá đắt là vậy nhưng nhiều khi chất lượng chưa thật sự tốt, mẫu mã không đẹp". 

Cần tạo uy tín chất lượng và mẫu mã

Tiếp tục câu chuyện cùng chủ đề, ông Phùng Đình Khải (người Việt đang sống ở Đức) cho biết, khoảng những năm 1998 - 1999, anh em đi cửa hàng bên Đức hễ thấy hàng Việt là mừng và sẽ mua. Bởi có nhiều thứ hợp khẩu vị như trà Thái Nguyên, cà muối, dưa chua. Tuy nhiên chất lượng hàng hoá lúc đó còn chưa tốt. Mấy năm gần đây, một số hàng Việt bán ở Đức quanh khu vực sinh sống của ông Khải đã được cải thiện về chất lượng. Điển hình như một số hàng phở, bún khô có thương hiệu Vifon, trà Tân Cương, cà phê Trung Nguyên…

Bên cạnh nhiều sản phẩm Việt đạt chất lượng tại Đức vẫn còn một số mặt hàng kém chất lượng, nguyên nhân bắt nguồn từ hệ thống bán lẻ. Nếu họ kiểm soát được chất lượng hàng hoá, không ham lời thì nhà sản xuất sẽ không dám làm bậy. Ông Karel Phùng nhấn mạnh, tất cả là mạnh ai nấy làm cho nên muốn phát triển phải có hệ thống phân phối tập trung và phải có một thương hiệu. Hệ thống phân phối hiện nay ham lãi nhiều, chèn ép đầu vào và họ chọn lựa đầu vào rẻ để lời cao. Ông Khải nói: "Chuyện này khá đơn giản, anh thích và anh có vốn, anh mở cửa hàng Á Châu rồi nhập thẳng từ Việt Nam qua. Ai cũng nhập hàng từ Việt Nam được chứ không phải qua một hãng uy tín. Ví dụ phải có một thương hiệu, tất cả các mặt hàng của thương hiệu đó phải bảo đảm được chất lượng liên tục".

Tiêu dùng & Dư luận - Làm gì để nâng tầm nông sản Việt ở nước ngoài?

1kg thanh long có giá 22 euro, gần bằng 600.000 đồng

Bán sản phẩm của mình bằng thương hiệu của chính mình

Cũng theo lời của ông Khải, người Việt mình chưa có thói quen xây dựng thương hiệu. Cháu của ông nhập mỗi tuần khoảng 3 container hàng sang Ukraina, đi qua cảng Hamburg nhưng đó vẫn chỉ là hệ thống phân phối. Nếu có một hãng xuất khẩu uy tín, bảo đảm chất lượng thì khi qua Ukraina, hàng sẽ tăng giá lên vài phần trăm nữa.

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Văn, kỹ sư thủy sản nêu quan điểm: "Hàng hoá phải có tên thương hiệu cụ thể, địa chỉ nào đó bán ở nước ngoài bị kêu ca thì mới có thể phân tích rõ ràng. Có một người Việt sống ở Mỹ chụp hình gói hàng tôm sú đông lạnh bỏ đầu cho tôi xem thì thấy chỉ ghi products of Vietnam thôi. Không có thông tin nào khác, từ đó nếu sản phẩm kém chất lượng thì khó truy ra công ty trong nước để xử lý được". Nói về một số hàng của Việt Nam mà bà Liên phản ánh ở trên, vị kỹ sư này lý giải, đó có thể là những công ty nhập khẩu sở tại, họ yêu cầu giá và chất lượng như vậy. Bởi lâu nay, các công ty Việt Nam chỉ bán hàng theo kiểu gia công theo thương hiệu của họ chứ không theo cam kết chất lượng của thương hiệu mình.

Kỹ sư Nguyễn Minh Văn lấy dẫn chứng, trái cây Việt Nam trồng theo hộ gia đình nên chất lượng không đồng nhất chứ không phải là kém. Mẫu mã trái cây Việt không đẹp vì dùng giống trong nước chỉ lựa loại ngon (theo sở thích địa phương ví dụ bưởi Da Xanh, Bưởi Diễn,..) và không dùng chất bảo quản kéo dài độ tươi. Hiện nay, chúng ta đang nghiên cứu dùng chitosan để bảo quản kéo dài độ tươi của trái cây (ngưng hô hấp, ngủ) và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng chi phí lại quá đắt và chưa áp dụng đại trà. Hàng thủy sản Việt Nam thì chất lượng quá cao chứ sao nói không có chất lượng được.

Thế nhưng, chúng ta không bán trực tiếp được mà phải qua trung gian (công ty ở nước ngoài đặt Việt Nam sản xuất theo yêu cầu của họ, giống như họ mua trực tiếp của thương lái rồi nhà máy gia công lại). Các thương lái họ mua tôm nuôi của dân còn đang sống dưới ao, dù phát hiện một con chết (có dấu hiệu bệnh, không nuôi được nữa) họ sẽ ép giá ngay. Chỉ cần một chấm đen trên thân, hay con tôm bị cụt râu họ cũng trừ tiền, cả đàn tôm có mấy con mới lột vỏ nên vỏ mỏng thì họ đánh giá 20% mềm vỏ, trừ tiền. Người dân ngậm ngùi chịu thiệt vì không bán thì biết làm sao? Phải nói rằng, hệ thống phân phối trung gian từ đầu vào đến đầu ra là tội đồ của ngành nông nghiệp Việt.

Cũng theo ông Văn, tất cả hàng nông sản Việt có một điểm yếu là kiểm soát sau thu hoạch chưa tốt. Thay vì công ty mua trực tiếp của dân và có hướng dẫn thu hoạch, bảo quản như thế nào để giữ chất lượng (hầu hết các nước khác đều làm) thì mình không làm được. Người dân bán qua lái buôn, thương lái không bảo quản tốt, thậm chí họ còn trộn tầm bậy tầm bạ như tiêm chất lạ vào để tôm nặng ký, từ đó giảm chất lượng. Để lấy lại uy tín, tạo thương hiệu, để hàng Việt được chuộng ở nước ngoài, theo ông Văn, các hiệp hội xuất khẩu thủy sản và các ngành khác nữa phải thống nhất (chứ đừng làm riêng lẻ). Đó là thống nhất giá bán, kiểm soát chất lượng, lập hệ thống thu mua trực tiếp và bảo quản sau thu hoạch tốt. Đặc biệt là tiếp cận với các nhà bán lẻ (chuỗi siêu thị) chứ không qua trung gian, mình sẽ bán sản phẩm của mình bằng thương hiệu của mình, mẫu mã, bao bì của mình chứ không làm gia công nữa.  

Mất thị trường do... trung gian

“Với mặt hàng cá, khi cạnh tranh giá quá thấp và muốn có lời thì phía trung gian dùng chiêu "mạ băng". Tức là sau khi đông lạnh xong, họ nhúng xuống nước sạch tạo một lớp băng mỏng để bảo vệ tốt hơn, nhưng nếu mạ băng quá dày thì đó là ăn gian. Tỷ lệ nước cao thì thịt ít, những hàng đông lạnh khối, (block) thì thường ăn gian mạ băng. Tôm, cá Việt Nam phải đạt giá cao chứ không thể rẻ được vì mình làm rất tốt, chính vụ phân phối này đã làm cho nền thủy sản Việt Nam ngày càng mất thị trường do cạnh tranh giá phải giảm chất lượng còn người nuôi và công nhân sản xuất thì không có lời. Lý do là nhiều cấp trung gian bán hàng không qua thương hiệu của công ty Việt Nam”, kỹ sư Văn cho biết.

Y.D

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.