Những con số biết nói
Ở Việt Nam, tờ VnExpress đưa tin, mỗi năm nước ta có khoảng 22.000 ca mắc mới ung thư phổi thì có đến 19.500 người tử vong vì căn bệnh này. Bệnh được chẩn đoán muộn là rào cản lớn nhất cho quá trình điều trị, dẫn đến tỉ lệ tử vong cao.
Tờ này cũng dẫn lời Phó Giáo sư Rafael Molina Porto, Chủ tịch hội Ung thư và Dấu ấn sinh học Quốc tế, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến trên thế giới, đang có xu hướng tăng, tỉ lệ tử vong rất cao. Trong số 5 bệnh nhân tử vong do ung thư thì có một người ung thư phổi.
Một báo cáo của đại học Harvard (Mỹ) đã chỉ ra rằng, chỉ trong vòng 30 năm kể từ năm 2003 đến năm 2033, số người thiệt mạng do ung thư phổi ở Trung Quốc có thể lên đến 18 triệu người. Còn tại Việt Nam nói riêng, theo công bố của hội Y tế công cộng, mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 trường hợp tử vong do thuốc lá. Đây là thông tin được tờ Cafe.vn dẫn lại.
Mà theo nghiên cứu khoa học chứng minh, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư phổi chính là do khói thuốc lá. Khói thuốc lá chứa hơn 3.000 hóa chất độc hại, với hàng trăm loại cực độc và ít nhất có tới 70 loại gây ung thư. Tỉ lệ mắc bệnh ung thư phổi ở người hút thuốc cao gấp 4-10 lần so với người không hút thuốc hoặc gấp 10-25 lần với những người nghiện hút thuốc lá.
Tuy nhiên, báo An ninh Thủ đô dẫn lại một con số thống kê từ hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, có tới 20% người bị ung thư phổi được chẩn đoán không hút thuốc.
Như vậy, ung thư phổi không “chừa” một ai. Bởi vậy, bản thân mỗi người phải lưu ý đến các biện pháp phòng, tránh.
Tỉ lệ khỏi cao nếu phát hiện sớm
Ung thư phổi thường có những biểu hiện không rõ ràng ở giai đoạn đầu như: Tức ngực, ho ra máu, thở gấp, khó thở, ho kéo dài. Những biểu hiện này có thể gặp ở nhiều bệnh thông thường khác.
Hậu quả là có đến 70% bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện muộn dẫn đến việc điều trị rất khó khăn. Khả năng sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư phổi rất thấp, chỉ 18% so với 91% đối với bệnh nhân ung thư vú. Tờ VnXpress dẫn lại những con số theo một thống kê gần đây.
Theo các bác sĩ, với ung thư phổi, phòng bệnh là quan trọng nhất. Bên cạnh đó cần phải chẩn đoán sớm. Biện pháp chẩn đoán tốt nhất hiện nay là chụp CT song nhiều kết quả dương tính giả, chi phí lớn, sàng lọc chụp hàng năm rất tốn kém.
Người bệnh có thể sàng lọc bằng cách xét nghiệm tìm các chất chỉ điểm khối u giúp chẩn đoán bệnh từ giai đoạn sớm. Đây là những chất do tế bào sản sinh ra, bình thường nồng độ thấp nhưng khi xuất hiện khối u các chất này có lượng rất lớn trong máu.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ nếu phát hiện điều trị ở giai đoạn sớm, tỉ lệ khỏi bệnh cao (92% sống 5 năm nếu ung thư nhỏ hơn 1cm). Nhưng nếu bệnh đã di căn xa (đến gan hoặc tuyến thượng thận) thì chỉ có khoảng 1% sống còn 5 năm sau điều trị.
Có 3 tuyệt chiêu mà nhiều người truyền tay nhau để không có nguy cơ bị ung thư phổi: Một là nói “không” với thuốc lá trong mọi tình huống; hai là, tránh xa khói dầu phòng bếp, vì một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong số những bệnh nhân nữ mắc ung thư phổi không do hút thuốc, có đến 60% số bệnh nhân từng tiếp xúc với khói dầu mỡ ở phòng bếp trong thời gian dài; ba là, tránh xa nguồn không khí ô nhiễm, nên chú ý khử trùng nơi ở sạch sẽ và hạn chế việc hấp thu các khí thải độc hại bằng cách đeo khẩu trang khi tham gia giao thông.
Trương Chi (Tổng hợp)